Vụ khủng bố 11/9 và những bí ẩn chưa có lời giải

Google News

16 năm đã trôi qua nhưng những bí ẩn chưa có lời giải về vụ khủng bố 11/9 vẫn ám ảnh nhiều người.

Ngày 11/9/2001, cả thế giới bàng hoàng nghe tin hai toà tháp Trung tâm Thương mại Thế giới sừng sững tại New York đã đổ sụp trong một loạt vụ khủng bố nhằm vào nước Mỹ. 16 năm đã trôi qua nhưng những bí ẩn chưa có lời giải về thảm kịch kinh hoàng này vẫn ám ảnh nhiều người.
Trong chuỗi các vụ tấn công liên tiếp nhằm vào nước Mỹ trong ngày 11/9/2001, 19 tên khủng bố - không tặc – đã chiếm quyền điều khiển của 4 máy bay thương cỡ lớn rồi lần lượt tấn công các mục tiêu gồm: hai máy bay lao thẳng vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center) tại thành phố New York, một máy bay khác đâm vào Lầu Năm Góc (trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ) tại Washington trong khi chiếc còn lại bị rơi xuống một cánh đồng ở Shanksville, Pennsylvania.
Vu khung bo 11/9 va nhung bi an chua co loi giai
Hình ảnh toà tháp Trung tâm Thương mại Thế giới sau vụ khủng bố. Ảnh: ITN.
Vụ khủng bố 11/9 đã khiến 2.996 người thiệt mạng và là vụ tấn công đẫm máu nhất do thế lực bên ngoài gây ra tại Mỹ. Ngoài ra, còn khoảng gần 10.000 người bị thương hoặc ảnh hưởng sức khoẻ nghiêm trọng sau chuỗi sự kiện kinh hoàng này.
Không mất nhiều thời gian, Tổ chức khủng bố Al-Qaeda sau đó nhanh chóng xác nhận và bị xác nhận là những kẻ chủ mưu tiến hành các vụ tấn công nhằm vào Mỹ. Trong đó, lời hiệu triệu thánh chiến nhằm chống lại nước Mỹ do Osama bin Laden, thủ lĩnh của Al-Qaeda, được xem là động cơ lớn nhất dẫn tới hành động tấn công liều chết của 19 tên không tặc.
Đáng chú ý, 15 trong số 19 tên không tặc đến từ Saudi Arabia trong khi những kẻ còn lại tới từ UAE, Ai Cập và Lebanon – các nước đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông.
Những bí ẩn chưa có lời giải
1. Vì sao Mỹ cho phép người thân trùm khủng bố Osama bin Laden rời nước Mỹ vài ngày sau vụ 11/9?
Câu hỏi đầu tiên được dư luân đặt ra sau vụ khủng bố đẫm máu, đó là lý do Washington cho phép rất nhiều công dân Saudi Arabia, bao gồm nhiều người trong gia đình trùm khủng bố Osama bin Laden, rời nước Mỹ vài ngày sau vụ 11/9.
Báo cáo của Ủy ban 11/9 cho biết, sau khi không phận New York mở cửa trở lại, một chiến dịch đưa người Saudi Arabia rời khỏi Mỹ đã được tiến hành: 6 chuyến bay chở khoảng 140 công dân Saudi Arabia đã rời Mỹ từ ngày 14 đến 24/9/2001. Trong số đó, chuyến bay cất cánh ngày 20/9 chỉ chở 26 khách, phần lớn được cho là họ hàng của tên trùm khủng bố Osama bin Laden.
Ngay sau khi thông tin về việc này bị lộ lọt, Richard Clarke, người phụ trách đội xử lý khủng hoảng ở Nhà Trắng khẳng định hành động của Washington là bắt buộc và hợp lý. Theo Clarke, việc để những người Saudi Arabia trong đó có họ hàng của Bin Laden trở về quê hương nhằm giúp họ tránh khỏi làn sóng trả thù của những người quá khích trong nước.
Tuy nhiên, sự việc lại khiến nhiều chuyên gia kinh ngạc vì những người có thể cung cấp thông tin nhiều nhất cho nhà điều tra lại được phép rời khỏi nước Mỹ. Ông Jack Cloonan, cựu chuyên viên nhóm điều tra al-Qaeda của FBI và CIA, cho rằng tên trùm khủng bố rất có thể đã liên lạc với một người trong số này.
Có ý kiến thậm chí cho rằng chính quyền Washington đã toan tính mờ ám khi để “những manh mối sống” quan trọng cho quá trình điều tra rời đi bí ẩn.
2. Liệu có phải nước Mỹ đã hoàn toàn mất cảnh giác khi để xảy ra vụ 11/9? Có ai bị mất chức sau vụ khủng bố đẫm máu?
Trước khi xảy ra vụ 11/9, đã có một số sự kiện có dấu hiệu cho thấy những kẻ khủng bố sắp tấn công quy mô lớn nhằm vào nước Mỹ. Trong số đó có thể kể tới vụ đánh bom ở Trung tâm thương mại thế giới năm 1993, vụ đánh bom ở Đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania năm 1998 và vụ tấn công nhằm vào chiến hạm USS Cole của Mỹ ở Yemen.
CIA thậm chí đã từng theo dõi tung tích của của một số tên không tặc tiến hành vụ khủng bố 11-9 khi chúng đặt chân tới Mỹ trước đó và xếp chúng vào danh sách đen cần lưu ý đặc biệt.
Tuy nhiên, vì lý do nào đó, các cơ quan chức năng Mỹ đã không kịp thời xử lý các thông tin tình báo này và để thảm hoạ xảy ra.
Một vấn đề khác cần phải nói tới, theo một bài báo được New York Times đăng tải năm 2001, một thời gian sau vụ khủng bố đẫm máu, những người có nghĩa vụ bảo vệ an ninh nước Mỹ không bị trừng phạt mà còn được thăng chức. Một trong những nhân vật điển hình bao gồm đại tướng không quân Richard Myers.
Vào thời điểm vụ khủng bố xảy ra, Tổng tham mưu trưởng Liên quân Henry Hugh Shelton đang trên máy bay đến dự một cuộc họp của NATO. Do vậy, cấp phó của ông Shelton là Richard Myers trở thành người quản lý Bộ Quốc phòng trong tình huống khẩn cấp. Ông ấy đã thất bại trong việc ngăn chặn 4 máy bay thương mại bị không tặc. Ấy vậy, chỉ chưa đầy 1 tháng sau thảm hoạ, Myers vẫn nhận quyết định thăng chức Tổng tham mưu trưởng Liên quân và không hề bị kỉ luật.
3. Chính quyền Bush đã né tránh điều tra toàn diện vụ 11/9?
Phải sau một khoảng thời gian dài đối mặt với làn sóng phản đối gay gắt, Tổng thống George W. Bush mới phê chuẩn việc thành lập ủy ban điều tra, người phụ trách là Ngoại trưởng Henry Kissinger.
Theo giới quan sát, việc Nhà Trắng không thành lập uỷ ban điều tra toàn diện là để né tránh lỗ hổng của lực lượng an ninh và tình báo Mỹ.
4. Những kẻ khủng bố vẫn chưa chết?
Một trong những bí ẩn lớn nhất của vụ 11/9 là về số phận những kẻ khủng bố. Giới chức Mỹ xác nhận toàn bộ 19 tên khủng bố đều đã chết trong các vụ tấn công. Tuy nhiên, vài ngày sau, BBC lại đưa tin một số tên khủng bố đã trốn thoát và không hề hấn gì.
“Waleed al-Shehri là một trong 5 người FBI cáo buộc cố tình điều khiển phi cơ của American Airlines lao vào tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới. Tuy nhiên, lúc này anh ta đang khẳng định sự vô tội ở Casablanca, Morocco”, BBC đưa tin ngày 23/9/2001.
BBC cũng tiếp tục đề cập về Abdulaziz Al Omari, một trong những kẻ tấn công khác trên chuyến bay Amerrican Airlines. Theo đó, Omari tự xưng là một kỹ sư ở Saudi Arabia và bị mất hộ chiếu khi du học ở thành phố Denver, bang Colorado.
Sau bản tin của BBC, Giám đốc FBI khi đó là ông ông Robert Mueller, đã thừa nhận rằng việc xác định danh tính của một số kẻ không tặc đã không minh bạch.
Việc này đã dấy lên nghi ngờ về việc liệu những kẻ gây ra những vụ tấn công khiến 3.000 người thiệt mạng có đang sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật ở đâu đó trên trái đất?
5. Tại sao chưa đầy một tháng sau vụ tấn công 11/9, Mỹ lại vội vã tấn công Afghanistan?
Không mất nhiều thời gian sau vụ tấn công, Tổ chức khủng bố Al-Qaeda nhanh chóng xác nhận và bị xác nhận là những kẻ chủ mưu tiến hành các vụ tấn công nhằm vào Mỹ. Trong đó, lời hiệu triệu thánh chiến nhằm chống lại nước Mỹ do Osama bin Laden, thủ lĩnh của Al-Qaeda, được xem là động cơ lớn nhất dẫn tới hành động tấn công liều chết của 19 tên không tặc.
Mặc dù 15 trong tổng số 19 tên không tặc đến từ Saudi Arabia trong khi những kẻ còn lại tới từ UAE, Ai Cập và Lebanon – các nước đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông - nhưng Mỹ cho rằng, chính sự bảo bọc của Taliban- một phong trào Hồi giáo thống trị ở Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001 mới là kẻ đầu sỏ cần bị trừng trị.
Ngày 7/10/2001, Cựu Tổng thống George W. Bush, với sự hậu thuẫn từ Quốc hội Mỹ, đã phát lệnh mở cuộc tấn công quân sự toàn diện ở Afghanistan để tiêu diệt Al-Qaeda nhằm đánh bật quyền lực của Taliban.
16 năm sau cuộc chiến tốn kém của Mỹ tại quốc gia Trung Đông này, nhiều người vẫn đang hỏi tại sao Mỹ mất chưa đầy 1 tháng để tìm đủ lý do bắt đầu cuộc chiến tại Afghanistan, mất 2 năm để tìm ra mối liên hệ giữa phần tử Al-Qaeda với lực lượng tình báo Iraq và tiến hành cuộc chiến tại Iraq nhưng lại mất 10 năm để tìm và tiêu diệt thấy Bin Laden?
Cần lưu ý rằng, tại Iraq, giới chức Mỹ đã cáo buộc chính quyền Bagdad khi đó sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là các phòng thí nghiệm cơ động có thể sản xuất vũ khí sinh học. Tuy nhiên, trong suốt cuộc chiến ở Iraq, Washington chưa phát hiện ra bất kỳ vũ khí hủy diệt hàng loạt nào.
Theo Thiện Nhân/Báo Công an Nhân Dân