Tần Thủy Hoàng (259 TCN – 210 TCN) được coi là vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, ông có công tiêu diệt 6 nước chư hầu để thống nhất đất nước, mở ra hơn 2.000 năm thiết chế hoàng gia. Dù được mệnh danh là "thiên cổ nhất đế" (tức vị vua vĩ đại bậc nhất), thế nhưng mỗi khi nhắc tới tên tuổi vị vua này, hậu thế luôn có hai luồng ý kiến phân cực.
Một mặt, người ta đánh giá rất cao tầm nhìn và khả năng điều hành đất nước của Thủy Hoàng đế, biết ơn công lao thống nhất thiên hạ của ông. Mặt khác, họ lại chỉ trích mạnh mẽ sự tàn bạo, khát máu của vị vua này. Thế nhưng liệu Tần Thủy Hoàng có thực sự là một bạo quân khét tiếng như hậu thế vẫn thường nghĩ?
Câu trả lời đã phần nào được hé lộ vào khi các chuyên gia khai quật được một bia đá thời Tần ở di chỉ khảo cổ trên núi Lang Nha, thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc vào năm 1921.
|
Thông tin trên tấm bia đá Lang Nha giúp hóa giải hiểu lầm về Tần Thủy Hoàng. Ảnh: Baike. |
Cổ vật này được đặt tên là bia đá Lang Nha, chiều cao 132,2 cm, rộng 65,8-71,3 cm, dày 36,2 cm, bên trên chạm khắc 447 ký tự (số liệu từ Baike). Điều đáng chú ý là bia đá này được xác nhận là chạm khắc bởi các quan đại thần trong triều đình, những người hiểu rất rõ về Tần Thủy Hoàng, nên có giá trị tham khảo cao.
Bia đá Lang Nham ghi chép nội dung Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, ban bố các quận, huyện, xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất. Trên bia còn có câu phản ánh hoài bão lớn nhất trong đời vua Tần: "Nay hoàng đế bình nhất bốn bể, xây thành làng mạc, thiên hạ thái bình".
Bốn chữ "thiên hạ thái bình" ở đây không phải hy vọng vương triều của mình trị vì mãi mãi mà thực sự mong dân chúng bình yên, không còn loạn lạc. Bởi xem xét thời điểm trước thời Tần, nhất là thời Xuân Thu và thời Chiến Quốc, hòa bình là thứ rất xa xỉ đối với quốc gia này khi hầu như năm nào cũng có chiến tranh, giết chóc.
Nhiều dòng ký khác trên bia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình trong triều đại của Tần Thủy Hoàng, ví dụ: "thiên hạ một nhà, không cần khởi binh", "tận diệt tai ương, buông binh khí xuống".
Nội dung của các phần bia ký đều phản ánh việc Tần Thủy Hoàng mong muốn đất nước hòa bình dài lâu, đó cũng là lý do vua Tần quyết tâm xây dựng Vạn Lý Trường Thành, bảo vệ lãnh thổ quốc gia trước quân Hung Nô đang lăm le xâm chiếm.
Nỗi oan "đốt sách chôn Nho"
Ngoài ra, bia đá Lang Nham còn chứng minh tội ác tàn bạo "đốt sách, chôn Nho" từng bị gán cho Thủy Hoàng đế là không hoàn toàn chính xác.
Theo đó, một số tài liệu lịch sử và dã sử có ghi lại, năm 213 TCN, theo đề xuất của Thừa tướng Lý Tư, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh đốt tất cả các thi, thư, sách có nội dung nguy hại với nước Tần và ra lệnh triệt hạ giới trí thức, hành hình các Nho sinh bằng cách chôn sống.
|
"Đốt sách chôn Nho" bị cho là tội ác tàn bạo nhất của Tần Thủy Hoàng. Ảnh: Sohu. |
Tuy nhiên, nội dung của tấm bia được khai quật trên núi Lang Nha lại cho thấy "Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn Nho" là một tiếng oan: Thủy Hoàng đế thực chất không ra lệnh đốt hết sách, thi, thư mà chỉ hủy đi những cuốn sách không có giá trị, còn những cuốn sách hữu ích về y học, nông nghiệp, chăn nuôi thì vẫn được giữ gìn qua thời kỳ này.
Ngoài ra, hành động tàn độc bị cho là "chôn sống Nho sinh" thực chất là chỉ trừng phạt những nhà giả kim đã dám lừa dối nhà vua (khi Tần Thủy Hoàng đi tìm phương thuốc trường sinh bất lão) chứ không giết hại các Nho sinh vô tội.
Khi khám phá ra những thông tin trên bia đá, chuyên gia cho rằng các chi tiết tàn độc, dã man trong cách cai trị của Tần Thủy Hoàng đa phần là do thế hệ sau thêu dệt nên chứ không hoàn toàn đúng với lịch sử.
Tuy nhiên, suy cho cùng thì vua Tần cũng không phải người hoàn hảo bởi vị hoàng đế này từng bóc lột công sức dân chúng để xây dựng những công trình hoành tráng cho bản thân như lăng mộ Tần Thủy Hoàng, cung A Phòng... gây nhiều bất mãn trong lòng bách tính, khiến cho sự cai trị của triều đại chỉ dừng lại trong năm thứ 15.
Theo T/ Báo Tổ Quốc