Trong lịch sử xã hội Trung Quốc, họ tộc đại diện cho mối quan hệ xã hội nhất định, là biểu tượng của huyết thống. Ban đầu họ được sử dụng để phân biệt trong hôn nhân, người cùng họ thì không được kết hôn với nhau, qua đó mới có câu: "Thiên hạ cùng họ là một nhà".
Tuy nhiên, lịch sử Trung Quốc lại có ba cặp họ người từ xưa đã hình thành nên tư tưởng cấm kỵ thông hôn (hôn nhân giữa hai gia đình, dòng tộc). Mặc dù không có quy định rõ ràng, nhưng gần như đã trở thành lời dạy của tổ tiên, hậu nhân phải tuân theo.
Song trước tiên, chúng ta phải làm rõ một điều là không phải cứ người nào thuộc 3 cặp họ dưới đây đều không thể kết hôn.
Thứ nhất, quy định này là lời truyền miệng dựa trên các sự kiện trong lịch sử và chỉ diễn ra trong một giai đoạn nhất định.
Thứ hai, chúng ta đang nói đến tộc họ, không thể nhầm lẫn giữa việc hai người cùng chung họ thì có liên quan đến nhau, cũng như Tần Thủy Hoàng và Tần Cối là hai người hoàn toàn không liên quan mặc dù cùng một họ.
Họ Tần và họ Nhạc
Quy định Tần-Nhạc không thông hôn khởi nguồn từ thời nhà Tống. Lúc bấy giờ có hai nhân vật cực kỳ nổi tiếng là "đại hán gian" Tần Cối và Nhạc Phi - danh tướng chống Kim.
Hậu thế đều biết đại hán gian Tần Cối hại chết Nhạc Phi, hai gia tộc đương nhiên nảy sinh lòng hận thù đối địch to lớn, thề không đội trời chung.
Nghe nói sau khi Nhạc Phi qua đời, nhà họ Nhạc liền lập nên gia quy này: Nghiêm cấm kết thông gia với nhà họ Tần, nếu ai vi phạm sẽ bị xóa tên trong gia phả.
Phải biết rằng, ở thời bấy giờ, bị xóa tên khỏi gia phả là chuyện vô cùng nghiêm trọng, chẳng khác nào mất đi thân phận và gốc gác, muốn làm gì cũng không xong, đi tha phương cầu thực không chốn dung thân.
Nhưng cho dù không có lời dạy tổ tiên này thì rất nhiều người Trung Quốc hiện đại lẫn thời bấy giờ cũng ác cảm với nhân vật lịch sử Tần Cối vì ông bị đánh giá là hán gian, gian thần, "lấn át bề trên, hãm hại trung lương", mà trung lương ở đây chính là Nhạc Phi. Thậm chí người ta còn thể hiện sự khinh miệt bằng cách xếp hàng để vả vào mặt tượng Tần Cối.
Họ Võ và họ Phan
Nhắc đến họ Phan, người ta không khỏi nghĩ đến Phan Kim Liên. Trong hai cuốn tiểu thuyết "Thủy Hử Truyện" và "Kim Bình Mai", hoàn toàn biến Phan Kim Liên thành một người phụ nữ vô sỉ, sát hại chồng Võ Đại Lang. Đây là điều mà hậu thế không thể dung tha.
Bởi vậy họ Võ và họ Phan đương nhiên khó có thể thông hôn. Thậm chí vì sự ảnh hưởng tiêu cực từ câu chuyện của Phan Kim Liên và Võ Đại Lang, rất nhiều người thuộc tộc họ này đều có chút khó xử với đời. Nhưng thật ra đây là một hiểu lầm lớn.
Trong chính sử, Võ Đại Lang tên thật là Võ Thực, là một huyện lệnh làm quan thanh liêm. Phan Kim Liên là tiểu thư khuê các hiền lành, từng trợ giúp Võ Đại Lang trên con đường tìm kiếm công danh. Hai người cuối cùng đã nên duyên thành đôi, là cặp vợ chồng khiến người ta hâm mộ.
Họ Lý và họ Chu
Trong "Bách gia tính" (một tập sách thống kê các họ ở Trung Quốc), Lý là một họ rất lớn, nhân khẩu đông đúc. Về phần vì sao người họ Lý không thông hôn với người họ Chu có hai cách giải thích. Một là câu chuyện quân phiệt cuối thời Đường Chu Ôn bãi bỏ Đường Hoàng Lý Chúc để thành lập nhà Hậu Lương. Hai là Lý Tự Thành mang binh hại chết Hoàng đế Sùng Trinh Chu Do Kiểm khiến triều Minh bị diệt vong.
Hai thuyết trên đều nói rõ một nguyên nhân: họ Chu và họ Lý là kẻ thù không đội trời chung. Đặc biệt là giai đoạn cuối thời Minh, hoàng tộc họ Chu có hơn trăm nghìn người, vẫn luôn ôm mối hận với Lý Tự Thành khi đã bức tử Sùng Trinh năm xưa.
Nhìn chung, người thuộc hai cặp họ Tần - Nhạc và Lý - Chu không thông hôn với nhau đều xuất phát từ nguyên nhân thù hận của tổ tiên, cặp họ Võ - Phan lại bị ảnh hưởng bởi hình tượng xấu bởi dã sử. Nhưng cho đến thời hiện đại ngày nay, những lời răn dạy của tộc họ này gần như không còn hiệu lực vì sự phái sinh của họ người vô cùng đa dạng và hiện tượng di cư của người dân trên khắp vùng miền.
Theo PV / Thể thao & Văn hóa