Các nhà khảo cổ ở Ai Cập đã khai quật được 110 ngôi mộ cổ ở đồng bằng sông Nile, chứa hài cốt của người lớn và trẻ em có niên đại khoảng hàng nghìn năm.
Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập cho biết các ngôi mộ, cũng chứa đồ gốm và thiết bị gia dụng, được tìm thấy tại khu khảo cổ Koum el-Khulgan ở tỉnh Dakahlia, cách thủ đô Cairo khoảng 93 km về phía đông bắc.
Điều khiến các nhà khảo cổ ngạc nhiên đó là hình thù của các ngôi mộ, niên đại và thứ chứa bên trong nó: Không chỉ có hài cốt con người mà kèm theo cả những đồ dùng niên đại 5000 năm.
110 ngôi mộ đến từ 3 nền văn minh khác nhau
Sau khi xem xét kỹ lưỡng, các chuyên gia cho biết: 110 ngôi mộ có niên đại từ 3 nền văn minh khác nhau trong khu vực Ai Cập Cổ đại, bao gồm: Nền văn minh của Hạ Ai Cập được gọi là Bhutto 1 và 2, Nền văn minh Naqada III, và kỷ nguyên chuyển tiếp thứ hai được gọi là thời kỳ Hyksos.
Bộ cổ nhất trong số các ngôi mộ bao gồm 68 ngôi mộ hình bầu dục có niên đại từ Thời kỳ Tiền triều đại kéo dài từ năm 6000-3150 trước Công nguyên, Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập thông tin.
Những ngôi mộ khác có niên đại từ năm 3000 trước Công nguyên đến năm 1700 năm trước Công nguyên, với địa điểm trải dài khắp Ai Cập cổ đại, từ thời đồ đá mới, cho đến vị pharaoh đầu tiên và cho đến người cai trị nước ngoài đầu tiên. Tiến sĩ Mustafa Waziri, Tổng thư ký của Hội đồng Cổ vật Tối cao, tuyên bố rằng phát hiện này là một bổ sung quan trọng về mặt lịch sử và khảo cổ học cho ngành khảo cổ Ai Cập.
Ngoài ra còn có 37 ngôi mộ hình chữ nhật từ thời cổ đại được gọi là Thời kỳ Trung gian thứ hai kéo dài từ năm 1782 đến năm 1570 trước Công nguyên.
Đây là thời kỳ người Hy Lạp thuộc Semitic cai trị Ai Cập cổ đại, thời đại đầu tiên đất nước bị cai trị bởi các nhà lãnh đạo nước ngoài.
5 ngôi mộ hình bầu dục còn lại có từ thời Naqada III kéo dài từ khoảng năm 3200 trước Công nguyên đến năm 3000 trước Công nguyên.
Tiến sĩ Ayman Ashmawi, người đứng đầu lĩnh vực cổ vật Ai Cập tại Hội đồng Cổ vật Tối cao, cho biết 68 ngôi mộ có niên đại sớm nhất là những hố hình bầu dục được khoét trong lớp cát và chứa những người được chôn trong tư thế ngồi xổm.
Hầu hết những người được chôn cất trong lăng mộ đều nằm nghiêng về bên trái, đầu hướng về phía tây. Nguồn: AP
Không chỉ chứa hài cốt người, trong các hố chôn còn chứa các dụng cụ khác nhau. Ảnh: AP
Tư thế kỳ lạ của các hài cốt
Ông nói thêm rằng hầu hết những người được chôn cất trong lăng mộ đều nằm nghiêng về bên trái, đầu hướng về phía tây.
Tiến sĩ Ashmawi nói rằng 5 ngôi mộ có từ thời Naqada III, cũng là những hố hình bầu dục được khoét sâu vào lớp cát của hòn đảo, bao gồm hai ngôi mộ có mặt bên, đáy và mái được bao phủ bởi một lớp đất sét.
Bên trong các hố, đoàn công tác đã tìm thấy một bộ sưu tập đồ đạc đặc trưng cho thời kỳ này, những chiếc bình hình trụ và hình tam giác, cũng như những chiếc đĩa cầu nguyện có bề mặt được trang trí bằng các hình vẽ và hình dạng hình học.
Điều khiến các chuyên gia khó hiểu đó là tại sao cùng chung khu chôn cất nhưng niên đại của các hài cốt và đồ vật lại khác nhau đến vậy. Ai Cập đang tiếp tục nghiên cứu để giải đáp vấn đề này.
Phát hiện này là phát hiện mới nhất trong một loạt các phát hiện khảo cổ học trong những năm gần đây mà Ai Cập đã tìm kiếm công khai với hy vọng phục hồi ngành du lịch của mình. Du lịch đã bị tổn hại nặng nề bởi tình trạng hỗn loạn sau cuộc nổi dậy năm 2011 và giờ đây, đại dịch COVID-19 đang hạn chế rất nhiều hoạt động du lịch toàn cầu.
Tiến sĩ Waziri nói rằng các cuộc khai quật tiếp theo trong khu vực này 'sẽ tiếp tục tiết lộ nhiều bí mật hơn nữa'.
Theo Trang Ly/Gia đình & Xã hội