Bàu Tró: Kỳ lạ hồ nước ngọt 'không đáy' trên triền cát trắng

Google News

Đến nay người dân ở làng Phú Ninh xưa (phường Đồng Phú ngày nay) vẫn đang truyền tụng nhiều câu chuyện huyền thoại rằng hồ không có đáy, vì nước sâu đến nỗi chưa ai lặn xuống hay đo tới được đáy hồ.

Nằm giữa lòng động cát cao sát phía bắc cửa biển Nhật Lệ, hồ Bàu Tró có phong cảnh hữu tình, tĩnh lặng thu hút đông đảo khách du lịch ghé thăm hàng năm.
Tương truyền, đây là bàu nước ngọt sạch nhất, sạch hơn nước giếng của người dân trong vùng. Những năm 1980, người dân Đồng Hới thường ra hồ lấy nước về giặt quần áo cho trắng. Do nước hồ chủ yếu rịn ra từ các đồi cát trắng xung quanh nên rất trong và ngọt sắc, có thể tẩy sạch được áo quần bị ố vàng. Trước đây, nước từ hồ Bàu Tró là nguồn nước ngọt duy nhất dồi dào quanh năm, cung cấp cho sinh hoạt của cư dân Đồng Hới từ bao đời.
Bao bọc xung quanh hồ là những dải rừng cây phi lao tươi tốt, xanh ngăn ngắt trên một vùng cát trắng cứ chói lên dưới nắng chang chang. Vì hồ nước ngọt, và hơn 20 năm qua lại được giữ gìn về môi trường sinh thái nên có rất nhiều đàn chim bay về trú ngụ, hằng ngày kiếm ăn trên hồ và trên những cánh đồng lân cận.
Bau Tro: Ky la ho nuoc ngot 'khong day' tren trien cat trang
 
Đến bây giờ hồ Bàu Tró Quảng Bình được hình thành ra sao và từ bao giờ cũng chẳng ai biết. Nước sâu, rộng, đáy hồ ở chỗ nào cũng chưa có kết luận. Nhưng xung quanh hồ Bàu Tró tồn tại nhiều câu chuyện khá ly kỳ. Người dân ở làng Phú Ninh xưa (phường Đồng Phú ngày nay) vẫn đang truyền tụng nhiều câu chuyện huyền thoại rằng hồ không có đáy, vì nước sâu đến nỗi chưa ai lặn xuống hay đo tới được đáy hồ. Đã có nhiều người chèo thuyền ra giữa hồ và tìm cách thả dây xuống đo, nhưng dây tụt mãi mà không chạm đáy.
Lại có tục truyền nói rằng Bàu Tró chính là dấu chân mà một người khổng lồ đã đi qua. Sở dĩ nói vậy là vì vào mùa hè, nước cạn đi nhìn hồ giống hệt một bàn chân khổng lồ in hằn dấu vết.
Ngoài ra, có người kể rằng xưa kia một trận lũ lớn quét qua Trôốc Vực, Lệ Thủy cuốn trôi nhiều ngôi nhà, cây cối. Sau đó lũ đổ về, xuất hiện nhiều trái bưởi to ở khu vực hai bên bờ Bàu Tró. Đặc biệt có một loại bưởi chỉ gieo trồng ở Trôốc Vực. Nên có nhiều người nghi ngờ rằng hồ nước này có đáy thông với Trôốc Vực.
Bàu Tró, ngoài vẻ đẹp thiên nhiên và sự quý báu về nguồn nước ngọt dân sinh, còn chứa đựng trong nó những giá trị lịch sử, văn hoá quý báu, được gọi là vùng di chỉ khảo cổ học Bàu Tró. Tìm lại lịch sử, vào mùa hè năm 1923, có hai thông tin viên người Pháp của trường Viễn Đông Bác Cổ là Max và Depiruy đã phát hiện ra di chỉ tại Bàu Tró.
Thông tin này được loan ra, và vào cuối mùa hè năm đó, nhà địa chất kiêm khảo cổ học Étienne Patte đã tổ chức khai quật và công bố những hiện vật của thời tiền sử đồ đá mới. Những hiện vật này gồm nhiều rìu đá, mảnh tước, hai hòn ghè bằng thạch anh, bàn nghiền hạt, mảnh gốm vỡ...
Tháng 3/1980, Trường đại học Tổng hợp Huế, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội và Viện Đông Nam Á tiến hành khai quật lại di chỉ Bàu Tró. Vùng khai quật ở khoảng cách cách mép nước hồ lúc đó 40m, cao hơn mặt nước 2,3m, cách hố khai quật của Étienne Patte hơn 100m về phía tây. Hiện vật thu được lần này là 31 rìu bôn đá, 17 bàn mài, 7 chày nghiền, 3 mũi nhọn, 1 vòng, 2 phiến tước, nhiều cục thổ hoàng bị vẹt từ nhiều phía, 11.972 mảnh gốm vỡ của vật dụng sinh hoạt như nồi, niêu, bình, vò, bát, đĩa... có trang trí hoa văn dấu thừng, hoa văn khắc vạch…
Từ đó, các nhà khảo cổ học đã lấy tên của di chỉ này để đặt cho nền văn hóa hậu kỳ đá mới phân bố ở vùng ven biển các tỉnh Bắc miền Trung là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên là nền văn hóa Bàu Tró.
Theo bà Trần Thị Diệu Hồng, nguyên cán bộ Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình, niên đại của di chỉ Bàu Tró được các nhà khoa học xếp loại thuộc thời đại hậu kỳ đồ đá mới. Những sản phẩm như bôn răng trâu, đồ gốm miệng loe vê mép cuốn con sâu văn thừng biến thể, gốm tô màu đỏ thổ hoàng, đen ánh chì kết hợp trang trí hoa văn khắc vạch… ở Bàu Tró, chứng tỏ cư dân Bàu Tró đã có sự giao lưu trên biển với các miền duyên hải Sa Huỳnh.
Những vòng tay, vòng chân bằng đá được cưa, mài, khoan, tách lõi bằng đá ngọc đã cho thấy một bức tranh cụ thể về đời sống tinh thần và trình độ thẩm mỹ cao của cư dân văn hóa Bàu Tró. Như vậy, di chỉ Bàu Tró nói riêng, văn hóa Bàu Tró nói chung là cội nguồn văn hóa của Việt Nam.
Theo Thiên An/Saostar