Thuở ban đầu, với xuất thân từ gia tộc cao quý và tư chất thông minh, Phú Sát thị đã được Hoàng đế Ung Chính chỉ định trở thành Đích phúc tấn của Hoàng tử Hoằng Lịch. Sau khi Hoằng Lịch đăng cơ, trở thành Hoàng đế Càn Long, Phú Sát thị được sách lập thành Hoàng hậu.
Những năm sau đó, mặc dù hậu cung của Hoàng đế Càn Long ngày càng xuất hiện nhiều mỹ nữ nhưng ông và Hoàng hậu Phú Sát thị vẫn rất yêu thương, tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, thời gian ấm áp đó không kéo dài bao lâu thì 3 trong số 4 người con của Hoàng hậu Phú Sát thị đều lần lượt qua đời.
Điều này đã giáng một đòn nặng nề lên tinh thần của Phú Sát thị, đau thương quá độ đã khiến sức khỏe của bà dần suy yếu.
Năm Càn Long thứ 13, Hoàng đế Càn Long đại giá tuần du về phía Đông, ông đã đưa Hoàng hậu Phú Sát thị đi cùng, họ cùng nhau đến miếu thờ Khổng Tử rồi di chuyển lên núi Thái Sơn.
Tuy nhiên, khi trên đường hồi cung bằng thuyền, Hoàng hậu Phú Sát thị đã đột ngột qua đời, hưởng niên 37 tuổi. 11 ngày sau, Hoàng đế Càn Long đích thân tặng thụy hiệu cho Phú Sát Hoàng hậu là Hiếu Hiền Hoàng hậu.
|
Nhân vật Hoàng hậu Phú Sát thị trong phim "Hậu cung Như Ý truyện". |
Nguyên nhân cái chết của bà đến hiện tại vẫn chưa được xác minh rõ ràng, không ít người tin rằng, bà đã bị người khác tính kế hãm hại.
Ngoài ra, từng có tin đồn rằng, vào thời điểm đó Hoàng hậu Phú Sát thị phát hiện Hoàng đế lén lút qua lại với em dâu của bà, tức vợ của Đại học sĩ Phó Hằng. Đả kích này ngay lập tức khiến bà gục ngã và đột tử ngay trên thuyền.
Cũng có lời kể lại rằng, thực ra lúc bắt đầu chuyến du tuần là sức khỏe của Hoàng hậu Phú Sát thị đã rất yếu nhưng bà sợ Hoàng đế lo lắng nên cố gắng những sức lực cuối cùng để ở cạnh ông. Nhưng cuối cùng, bà đã không thể gắng gượng thêm nữa nên đã mất ngay trên chiếc thuyền đang trên đường hồi cung.
Dù không rõ nguyên nhân cái chết của Hoàng hậu Phú Sát thị thật sự là gì nhưng có một sự thật không thể chối cãi là khi bà qua đời, Hoàng đế Càn Long đã rất tiếc nuối và đau thương. Trường Xuân cung nơi Phú Sát Hoàng hậu từng ở vẫn được giữ nguyên trạng, Hoàng đế không cho phép phi tần nào ở đây nữa. Đến khi thoái vị, ông mới chấp nhận cho người khác dọn vào ở.
Thậm chí, trong hàng vạn bài thơ mà Hoàng đế Càn Long đã sáng tác, có trên dưới 100 tác phẩm ông viết tưởng nhớ Hoàng hậu Phú Sát thị.
Theo Pháp luật và bạn đọc