BS giành giải “Nobel châu Á“: Vượt nỗi đau cứu nạn nhân diệt chủng

Google News

Bác sỹ tâm lý người Campuchia Chhim Sotheara đã thắng giải Ramon Magsaysay năm 2022 - giải thưởng được coi như "Nobel của châu Á" vì những cống hiến trong việc cứu giúp nạn nhân của chế độ diệt chủng.

Từng là nạn nhân của chế độ diệt chủng
Ngày 31/8, Ban điều hành giải Ramon Magsaysay, giải thưởng được mệnh danh là Nobel của châu Á đã công bố danh sách 4 người thắng giải năm nay. Một trong số đó, là bác sĩ tâm thần Sotheara Chhim người Campuchia.
BS Chhim Sotheara thắng giải vì những cống hiến của ông trong việc giúp đỡ, điều trị hội chứng rối loạn tâm lý cho các nạn nhân của chế độ diệt chủng Pol Pot. Điều đáng khâm phục, chính bản thân ông cũng là một nạn nhân phải chịu những tổn thương từ nạn diệt chủng này.
BS gianh giai “Nobel chau A“: Vuot noi dau cuu nan nhan diet chung
 BS Chhim Sotheara thắng giải vì những cống hiến của ông trong việc giúp đỡ, điều trị hội chứng rối loạn tâm lý cho các nạn nhân của chế độ diệt chủng Pol Pot. Ảnh: VOV.
BS Sotheara sinh năm 1968 trong một gia đình ở Phnom Penh. Mất cha từ khi còn nhỏ, Sotheara sống với mẹ - một viên chức nhà nước và cuộc sống hai mẹ con yên bình trôi đi. Tuy nhiên, năm 1975, khi Sotheara học lớp 3, thì biến cố ập đến với gia đình.
Pol Pot đã đưa gia đình ông khỏi Thủ đô và cho biết, cuộc sơ tán này chỉ kéo dài vài ngày. Tin điều đó, Sotheara gói ghém theo ít sách vở trong hành trang để tranh thủ học hành, tránh bị tụt lại so với các bạn khi quay trở lại thành phố. Nhưng rồi, hành trình đó đã kéo dài nhiều năm với những điều mà cậu bé Sotheara chưa bao giờ nghĩ tới.
Sotheara đi bộ cùng với các thành viên trong gia đình từ Phnom Penh đến huyện Kandal Stoeung của tỉnh Kandal. Sau đó, Sotheara bị tách khỏi gia đình và được đưa đến sống trong một ngôi nhà nhỏ với những đứa trẻ khác. Sotheara và các bạn bị bắt đi đào kênh, sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt, không được vui chơi, học hành và có thể bị đánh đập bất cứ khi nào.
“Tôi phải làm công việc nặng nhọc và đi chân trần, vô cùng đau đớn. Tệ hơn nữa là tôi không có đủ thức ăn để ăn và một chỗ ngủ thích hợp. Mặc dù tôi đã kiệt sức, tôi không thể ngủ được vì tôi quá sợ hãi. Tôi là một đứa trẻ, nhưng tôi có thể bị đánh ngay lập tức sau bất kỳ sai lầm nào", Sotheara sau này nhớ lại.
Năm 1978, khi Sotheara tròn 10 tuổi mới được gặp lại mẹ. Và sau khi Campuchia được giải phóng vào năm 1979, gia đình Chhim Sotheara mới được đoàn tụ hoàn toàn, chuyển về nhà ở Phnom Penh.
Chhim Sotheara có mơ ước trở thành một kỹ sư hoặc kiến trúc sư, nhưng hoàn cảnh lịch sử đã khiến ông quyết định chọn theo ngành y.
“Mẹ tôi muốn tôi theo ngành Y vì chế độ diệt chủng Pol Pot đã giết hại hết bác sỹ. Trong khi đó, nhiều người sống sót sau đó bị bệnh, cả thể chất lẫn tinh thần”, ông chia sẻ.
Vượt lên nỗi đau chính mình để chữa lành cho người khác
Năm 1992, Sotheara tốt nghiệp Đại học chuyên ngành y khoa. Ngay lúc đó ông đã nhận ra rằng có một dịch bệnh âm thầm đang bao trùm khắp đất nước, mà dường như không ai biết cách đối phó.
Ông thấy những bệnh nhân đến bệnh viện với hành vi kỳ lạ, có vấn đề về sức khỏe tâm thần. “Điều mà tôi chưa bao giờ học ở trường y vì không ai có thể dạy chúng tôi về điều đó ... một số bệnh nhân đã tự tử và chúng tôi không hiểu tại sao”, ông nói.
Với mong muốn tìm hiểu thêm về cách điều trị những người bị rối loạn tâm thần, Sotheara theo học Thạc sĩ Y học Tâm lý tại Đại học New South Wales theo chương trình học bổng. Sau đó, ông tiếp tục theo học Tiến sĩ tại Đại học Monash ở Melbourne từ năm 2008 đến năm 2012.
Sau đó, ông đã dành trọn tâm sức của mình để giúp đỡ những người bị nạn dưới chế độ diệt chủng điều trị “baksbat”, một hội chứng ở Campuchia tương tự như chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Một trong những liệu pháp mà ông chữa trị cho bệnh nhân, đó là để cho họ chia sẻ ra câu chuyện của mình. Điều đó giúp họ có thể bước ra từ câu chuyện mà họ đã chôn giấu trong một thời gian dài.
Sotheara nói: “Tôi cũng bị tổn thương khi là nạn nhân của Pol Pot. Nhưng làm việc để giúp đỡ những người sống sót cũng giúp tôi chữa lành bản thân".
Không chỉ chữa trị tâm lý cho bệnh nhân, ông Sotheara Chhim cũng đã ra làm nhân chứng có chuyên môn trước tòa án do xét xử các lãnh đạo cấp cao chế độ diệt chủng Pol Pot.
Ban tổ chức Giải thưởng Magsaysay đã ca ngợi "sự can đảm và bình tĩnh của ông Chhim trong việc vượt qua những tổn thương sâu sắc của chính mình để trở thành người chữa bệnh cho mọi người".
Giải thưởng Ramon Magsaysay được thành lập vào năm 1957 được đặt theo tên của Tổng thống Philippines Ramon Magsaysay - người qua đời trong một vụ tai nạn máy bay năm 1957. Giải thưởng này nhằm tôn vinh những người đã quên mình “cống hiến cho các dân tộc châu Á”. Những người thắng giải năm nay sẽ được vinh danh tại một buổi lễ trực tiếp tại thủ đô Manila của Philippines vào tháng 11.

Mời quý độc giả theo dõi video: "Y bác sĩ Đà Nẵng kiệt sức giữa tâm dịch Covid-19". Nguồn: THDT.


Nguyễn Mai