Ngày Tam nương là gì?
Dân gian lưu truyền rằng ngày Tam nương là ngày xấu, dễ gặp thất bại, hư hỏng đồ, làm gì cũng không thuận lợi. Thực tế, tháng nào cũng có ngày Tam nương nhất định. Tuy nhiên, ngày Tam nương trong tháng 7 âm lịch - tháng cô hồn khiến nhiều người lo lắng hơn cả.
Các cụ xưa còn đúc kết về ngày Tam nương qua các câu thơ:
"Mồng ba, ngày bảy tránh xa,
Mười ba, mười tám đến là không hay.
Hai hai, hai bảy tiếp ngày,
"Tam nương" tương sát họa tai khôn lường?
Khởi công vạn sự bất thường,
Làm nhà, cưới hỏi tuyệt đường cháu con.
Chăn nuôi gia súc hao mòn,
Cửa nhà tan nát, vàng son phai mờ.
Hao tài nếm cảnh bơ vơ,
Đi sông đi biển bến bờ là đâu!
Bổ, phong, nhậm chức thảm sầu,
Ra đi biền biệt buồn đau nhớ nhà."
Người xưa sẽ rất cẩn trọng xem ngày, tránh thực hiện các việc trọng đại trong ngày Tam nương. Chẳng hạn như không đón dâu ngày Tam nương để tránh vợ chồng cãi cọ; tránh đi sông biển ngày Tam nương để không gặp họa;...
Theo quan niệm của người Á Đông, trong một tháng sẽ có 6 ngày được gọi là ngày Tam nương tương sát gồm ngày 3, 7, 13, 18, 22 và 27 âm lịch. Người ta sẽ kiêng làm việc lớn như cưới hỏi, động thổ, làm nhà, khai trương, ký kết hợp đồng làm ăn, không nhậm chức, không đi đường sông nước... trong ngày này. Đặc biệt, trong ngày Tam nương kiêng đi đường xa để tránh gặp tai bay vạ gió, rắc rối, nguy hiểm.
Nguồn gốc của ngày Tam Nương theo dân gian
Tam nghĩa là 3, nương là chỉ người phụ nữ. Tam nương là chỉ 3 người phụ nữ. Theo quan niệm dân gian, ngày Tam nương là ngày Ngọc Hoàng phái 3 người phụ nữ sinh đẹp xuống hạ giới để thử thách lòng người. Người ta gọi đó là Tam nương hạ phàm. Người nào bị Tam nương mệ hoặc thì dễ sa ngã, gây ra sai lầm, làm ăn thất bát.
Những kiêng kỵ trong ngày Tam nương
Tháng 7 âm lịch - tháng cô hồn luôn được mọi người "kiêng dè" vì cho rằng đây là khoảng thời gian xui xẻo, không may mắn nhất trong năm. Trong tháng 7 âm lịch cũng có 6 ngày Tam nương. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phong thủy, ngày Tam nương trong tháng 7 âm lịch cũng giống như những ngày của các tháng khác. Không có quan niệm ngày Tam nương trong tháng cô hồn xấu hơn trong các tháng khác.
Trong ngày Tam nương, dân gian tương truyền một số kiêng kỵ để tránh xui xẻo như sau:
Cẩn trọng khi thực hiện đại sự
Như đã nói ở trên, người xưa cho rằng nên kiêng làm những việc lớn, quan trọng trong ngày Tam nương như cưới xin, khai trương, động thổ, làm nhà, ký kết hợp đồng... vì dễ gặp thất bại, trục trặc.
Cẩn trọng khi đi lại
Người xưa tin rằng, vào ngày Tam nương con người nên hạn chế về khuya, đi chơi xa, hạn chế đi vùng sông nước, không nên tham gia những trò chơi mạo hiểm, không đến nơi hoang vu...
Tất nhiên, kiêng hay không kiêng là phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người. Còn vào những ngày Tam nương, con người vẫn phải sinh hoạt, học tập và làm việc như bình thường chứ không thể để quan niệm xưa làm ảnh hưởng đến quá nhiều đến cuộc sống.
Theo quan niệm của người xưa, để hóa giải ngày Tam nương cũng như những vận xui trong tháng cô hồn, bản mệnh nên làm việc thiện, phóng sinh, làm phúc... Có thể đi chùa, tụng kinh niệm Phật hoặc dành thời gian đọc chú Đại bi.
* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.
Theo Thanh Huyền/Sài Gòn thể thao