Cuộc đời trước khi đến với thiên văn
Câu chuyện cô bé lọ lem trở thành người phụ nữ tiên phong trong lĩnh vực thiên văn học là tựa đề một bài viết về Caroline Herschel trên Telegraph năm 2016. Quả vậy, Caroline Herschel không được thụ hưởng một nền giáo dục tốt từ nhỏ như nhiều nữ nhân tài tiên phong trong các lĩnh vực khoa học khác mặc dù cha của bà rất quan tâm đến việc giáo dục con cái, khuyến khích cả 6 người con học toán, tiếng Pháp và âm nhạc.
Năm lên 10, một tai họa ập lên đầu Caroline, bệnh sốt phát ban quái ác đã khiến chiều cao của bà không tăng thêm được nữa và mãi mãi dừng lại ở mức 1,31m, khá thấp so với các cô gái thời đó. Vì vậy, cha mẹ bà kết luận là bà không đủ xinh đẹp để được một người đàn ông nào đó chú ý đến và phải giúp việc trong nhà cho đến suốt đời, bị hạn chế mọi sự học tập.
Tuy nhiên, vì xót xa cho Caroline nên cha bà vẫn âm thầm khuyến khích con phát triển bản thân và dạy con học với hy vọng có thể kết hôn khi lớn lên và mạnh mẽ hơn. Nhờ vậy, dù không được giáo dục chính thức nhưng Caroline cũng biết đọc, biết viết, may vá cơ bản. Năm bà 17 tuổi, cha bà qua đời và từ đó trở đi, cuộc sống của bà trở nên khắc nghiệt hơn dưới sự đối xử độc đoán của mẹ.
|
Tranh chân dung nhà thiên văn học nữ chuyên nghiệp đầu tiên trên thế giới, Caroline Herschel (16/3/1750-9/1/1848). Ảnh: Pinterest. |
Số phận của Caroline Herschel chỉ thay đổi khi được người anh trai đang sống ở Anh đồng cảm với bất hạnh của em gái đã quyết định chu cấp tiền cho mẹ thuê một người giúp việc khác để có thể đưa bà sang Anh. Bà bắt đầu cuộc đời mới từ năm 1722, khi bước sang tuổi 22.
Tại nơi ở mới (Bath, Anh quốc), bà được anh trai ủng hộ để độc lập hơn, được học nấu ăn, tiếp thị, tiếng Anh từ một người hàng xóm và học hát, chơi đàn clavico clavecin (hay còn gọi là harpsichord, một loại đàn phổ biến từ thế kỷ 16, là tiền thân của đàn piano ngày nay) từ anh trai, một nghệ sĩ organ, giáo viên âm nhạc và nhạc trưởng hợp xướng.
Sau đó, Caroline đã sớm trở thành giọng nữ cao trong các buổi trình diễn của anh trai. Khó hòa nhập với xã hội địa phương và có ít bạn nhưng Caroline vẫn tiếp tục học hát, tiếng Anh và số học với anh trai, học nhảy với một giáo viên địa phương. Bà cũng thường xuyên đề nghị các nhà xuất bản London in các tác phẩm âm nhạc của mình nhưng chỉ có duy nhất một nhạc phẩm mang tên “Tiếng vang” (Echo) được ra đời dưới tên bà.
Rồi Caroline cũng trở thành giọng ca chính trong các buổi hòa nhạc thanh xướng kịch của anh trai (thanh xướng kịch là một thể loại thanh nhạc quy mô lớn dành cho dàn nhạc, ca sĩ và hợp xướng), là nghệ sĩ độc tấu (soloist) đầu tiên trong buổi trình diễn kiệt tác “Messiah” của bậc thầy soạn nhạc Handel vào tháng 4/1778.
Cơ duyên trở thành bậc nữ lưu tiên phong trong ngành thiên văn học
Sau buổi diễn Messiah, bà từ chối hát cho các nhạc trưởng khác ngoài anh trai nên sự nghiệp ca sĩ của bà bắt đầu đi xuống và bị thay thế bởi các soloist xuất sắc khác khi anh trai bà muốn giảm bớt các buổi tổng duyệt để nhiều thời gian hơn cho thiên văn học. Trước đó một năm (1777), anh bà ngày càng cần đến khả năng làm việc hiệu quả và tận tụy của bà để sao chép các catalog, bảng biểu và nghiên cứu thiên văn. Cuối cùng bà đành bỏ quên tài năng ca hát để cống hiến cho sự nghiệp thiên văn của anh trai.
Anh trai bà chính là William Herschel, một trong những nhà thiên văn học vĩ đại nhất trong lịch sử. Lúc bấy giờ, bên cạnh công việc chính về âm nhạc, William còn đam mê chế tạo kính viễn vọng mạnh để nhìn sâu hơn vào bầu trời. Ngoài công việc giấy tờ, tính toán ở trên, Caroline còn giúp anh mài giũa và đánh bóng các kính viễn vọng. Rồi William chế tạo ra chiếc kính có kích thước 183 cm (thuộc loại khổng lồ vào thời đó) để bắt đầu quan sát bầu trời đêm.
|
Tranh Caroline Herschel giúp anh trai William đánh bóng một thấu kính viễn vọng. Ảnh: Motherboard. |
Năm 1781, với sự giúp đỡ nhiệt tình của em gái Caroline, anh trai bà William Herschel đã phát hiện ra Thiên Vương tinh, hành tinh có bán kính lớn thứ ba trong hệ mặt trời và bắt đầu được giới khoa học Anh biết đến. William được đề cử làm nhà thiên văn học của vua George III, phong tước hiệp sĩ và nhận lương 200 bảng/năm cho việc nghiên cứu của mình.
Mãi đến 7 năm sau (1787), ở tuổi 37, tài năng thiên văn của Caroline mới được công nhận khi được vua George III đề cử làm phụ tá cho anh trai với mức lương khiêm tốn 50 bảng/năm, tương đương với 5.700 bảng Anh theo thời giá 2016 (khoảng 161 triệu đồng Việt Nam). Vị trí này đã khiến bà trở thành người phụ nữ đầu tiên của nước Anh vinh dự nhận được một vị trí trong chính phủ và nhận lương cho một vị trí khoa học (thời điểm đó ngay cả số lượng nam giới làm khoa học được trả lương cũng rất ít). Đây cũng là lần đầu tiên Caroline nhận được tiền cho 1 công việc nào đó, giúp bà độc lập hơn với anh trai mình.
|
Ở tuổi 37, Caroline Herschel trở thành nữ khoa học gia đầu tiên được vương quốc Anh công nhận. |
Hết lòng và tận tụy với đam mê sau thành quả đầu tiên
Để hỗ trợ anh trai, Caroline đã học thêm về hình học, các bảng và công thức logarit, quan hệ về thời gian thực bên lề (thời gian được đo bằng các vì sao) với thời gian mặt trời. Khối lượng công việc mà Caroline đã thực hiện là rất lớn: thu thập dữ liệu, lưu trữ hồ sơ cẩn thận và hệ thống, thực hiện hoàn hảo các phép tính và rút gọn số học để tiết kiệm thời gian cho anh trai.
Khi không bận rộn với những việc hỗ trợ William, Caroline cũng dùng một chiếc kính viễn vọng nhỏ kiểu Newton để quan sát bầu trời. Đầu năm 1783, bà đã phát hiện được 2 tinh vân Andromeda và Cetus. Đến cuối năm, bà tìm được thêm 14 tinh vân nữa và được anh trai tặng một chiếc kính Newton lớn hơn, dài 69cm với tiêu cự 30 cm.
Ngày 1/8/1786, lần đầu tiên bà phát hiện được một sao chổi và cũng là người phụ nữ đầu tiên làm được điều này.
Bà tiếp tục tính toán và sắp xếp gần 2.500 tinh vân vào catalog, tổ chức lại Catalogue Anh quốc của John Flamsteed gồm gần 3.000 ngôi sao theo các khu vực 1 độ để anh trai tìm kiếm trên bầu trời một cách khoa học hơn.
Mãi đến năm 1822, sau khi anh trai qua đời, Caroline mới quay lại Đức và vẫn tiếp tục công việc trong các lĩnh vực toán học và thiên văn học. Những năm cuối đời ở quê nhà Hanover, bà vẫn tiếp tục tổ chức và phân loại các công trình của nhà thiên văn John Herschel, cháu ruột bà, con trai của William và một phụ nữ góa bụa giàu có, người tiếp nối công trình lớn của cha.
Năm 1848, Herschel qua đời một cách bình yên khi gần tròn 100 tuổi.
|
Caroline Herschel và hoài bão thiên văn bà theo đuổi đến hết cuộc đời được ghi trên bia mộ ở nghĩa trang Gartenfriedhof “Đôi mắt của người phụ nữ vinh quang bên dưới đây đã hướng về các thiên đường đầy sao”. Ảnh: Findagrave.com. |
Thành tựu khoa học
Tổng kết lại sự nghiệp khoa học, sự cống hiến không mệt mỏi để hỗ trợ người anh nổi tiếng William Hershel là di sản chính của bà. Dù không để lại công trình toán học nào nhưng kỹ năng toán học của bà đã 9óng góp một phần quan trọng cho sự tiến bộ của tri thức nhân loại.
Về những phát hiện thiên văn, trong hơn 20 năm làm việc cùng anh trai, bà đã tìm thấy trên 2400 vật thể thiên văn và được lấy tên đặt cho 3 vật thể, đó là tiểu hành tinh 281 Lucretia (tìm ra năm 1888) được đặt theo tên chính giữa của bà (Caroline Lucretia Herschel), hố thiên thạch trên mặt trăng C. Herschel và sao chổi trong đoạn dưới.
Đóng góp đáng kể nhất về thiên văn của bà là phát hiện ra 8 sao chổi từ 1786-1797, trong đó có sao chổi 35P/Herschel-Rigollet được bà tìm ra ngày 21/11/1788. 35P/Herschel-Rigollet là một ngôi sao xuất hiện theo chu kỳ với quỹ đạo quay quanh mặt trời 155 năm, theo tính toán phải tới năm 2092 chúng ta mới được nhìn thấy ngôi sao này một lần nữa.
Thành quả lao động của bà đã được hoàng gia và các hiệp hội thiên văn ở châu Âu thời bấy giờ vinh danh: thành viên danh dự hiệp hội thiên văn hoàng gia Anh (1835) và Ireland (1838), huy chương vàng vì khoa học của vua Phổ 2 năm trước khi ra đi (1846).
Phần thường danh giá nhất với Caroline là huy chương vàng từ hiệp hội thiên văn hoàng gia Anh năm 1828, vì mãi tới 150 năm sau mới có người phụ nữ thứ hai làm khoa học đoạt danh hiệu này (Vera Rubin người phát hiện ra bằng chừng đầu tiên về vật chất tối được tặng thưởng năm 1978).
Gần đây, Google cũng tôn vinh bà bằng một Google Doodle vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 266 của bà, 16/3/2016 (Google Doodle là một thay đổi tạm thời đặc biệt logo trên trang chủ Google để ăn mừng các kỳ nghỉ, sự kiện, thành tựu và con người).
Sự nghiệp thiên văn của nhà thiên văn học nữ đầu tiên Caroline Herschel đã trở thành nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào nữ quyền trên thế giới và mở đường cho các khoa học gia nữ sau này, giống như triết lý vì khoa học của bà: "Dù chúng ta sống lâu như thế nào, cuộc đời vẫn quá ngắn ngủi, vì vậy tôi phải làm việc. Và dù người đàn ông có trở nên quan trọng đến mức nào, anh ấy vẫn chẳng là gì so với những vì sao. Các chị em yêu quý, đó là những bí mật mà thượng đế ban cho chúng ta để hiển lộ chúng".
Đoàn Hiểu Linh