Hoàng Trung (?-221) tự Hán Thăng quê ở quận Nam Dương thuộc Kinh Châu (Trung Quốc), là một vị tướng cuối thời Đông Hán, đầu thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông nổi tiếng với chiến thắng ở núi Định Quân năm 219, trong đó tướng địch là Hạ Hầu Uyên bị tiêu diệt.
Hoàng Trung là một trong Ngũ hổ tướng của quân Thục cùng với Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu và Triệu Vân.
Trước khi đầu quân cho Lưu Bị, ông theo Lưu Biểu, cùng với Lưu Bàn (cháu Lưu Biểu) trấn thủ huyện Du thuộc quận Trường Sa. Về sau Tào Tháo đánh chiếm Kinh Châu, lệnh cho Hoàng Trung thay chức Tỷ tướng quân (có bản dịch là Tỳ tướng quân), theo thái thú Trường Sa là Hàn Huyền. Sau khi Chu Du đánh bại Tào Tháo ở Xích Bích, Lưu Bị đem quân đến lấy Trường Sa, Hoàng Trung quy phục Lưu Bị.
Theo nhiều sách ghi lại, câu nói "bách phát bách trúng" dùng để mô tả những cú bắn chính xác tuyệt đối của Hoàng Trung, tài nghệ của ông làm chúng ta nhớ tới Hoa Vinh vị tướng có tài bắn cung chính xác trong truyện Thủy hử về sau.
Tuy nhiên, nhân vật Hoàng Trung trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung được hư cấu khá nhiều. Dù không rõ năm sinh, nhưng nhân vật này vẫn được mô tả là "lão tướng", võ nghệ ngang nhân vật Quan Vũ, đặc biệt rất giỏi bắn cung. Ông xuất hiện từ hồi 53 đến hồi 81. Ở trận chiến núi Định Quân, nhà văn La Quán Trung mô tả vai trò của nhân vật Hoàng Trung rất lớn. Ông đi cùng Pháp Chính, không có sự tham gia của Lưu Bị. Nhân vật Hoàng Trung cũng được miêu tả là tự tay chém nhân vật Hạ Hầu Uyên "đứt làm 2 đoạn" khi Tướng Tào Ngụy là Hạ Hầu Uyên mang toàn quân tới đánh doanh trại, trong khi hai bên đang xô xát kịch liệt, đột nhiên Hoàng Trung từ trên cao thúc trống đánh xuống, khí thế rất mạnh vào sườn quân Tào. Quân Tào bị đánh tan nát Hoàng Trung chém được Hạ Hầu Uyên và giết được thứ sử Ích Châu của Tào Tháo là Triệu Ngung.
Lão tướng Hoàng Trung.
Về cái chết của Hoàng Trung trong Tam quốc diễn nghĩa mô tả như sau. Khi Lưu Bị dẫn 70 vạn đại quân đánh Đông Ngô để báo thù cho Quan Vũ, Trương Phi, Hoàng Trung dẫn quân đến Di Lăng nghênh chiến quân Ngô. Hoàng Trung gặp Phan Chương, chém chết bộ tướng hư cấu của Phan Chương là Sư Tịch, Phan Chương chống cự không nổi bỏ chạy.
Quan Hưng, Trương Bào đến khen ngợi Hoàng Trung và khuyên ông quay về nhưng Hoàng Trung không nghe. Ðánh được vài hiệp, Phan Chương lại bỏ chạy, Hoàng Trung rượt theo, được chừng vài dặm, hai đạo binh mai phục ào tới, một phía là Chu Thái, một phía là Hàn Đương xông ra một lượt. Phía trước Phan Chương phủ vây Hoàng Trung vào giữa. Hoàng Trung cố sức chống cự lại nhưng bị trúng tên, may nhờ có Quan Hưng, Trương Bào đến cứu.
Lưu Bị nghe tin Hoàng Trung trọng thương thì đến thăm. Đến nửa đêm, Hoàng Trung tắt thở, Lưu Bị đau buồn, sai đưa về Thành Đô chôn cất tử tế. Cuộc đời của Hoàng Trung gắn liền với cây cung, mũi tên và khi chết ông cũng ra đi vì mũi tên ứng với câu nói "sinh nghề tử nghiệp". Tuy nhiên, tình tiết này cũng là do nhà văn La Quán Trung hưa cấu ra. Bởi Hoàng Trung mất trước khi Lưu Bị dẫn quân đi đánh Đông Ngô.
Hoàng Trung mất trước khi Lưu Bị dẫn quân đi đánh Đông Ngô.
Theo sử liệu, năm 220 sau khi mất Kinh Châu và Quan Vũ khiến Lưu Bị nóng lòng muốn báo thù Đông Ngô. Tuy nhiên lúc đó lại xảy ra nhiều biến cố nên một năm sau Lưu Bị mới đem quân đi đánh Đông Ngô được. Trong khi toàn quân đang tập hợp chưa xuất phát thì ông lại mất Trương Phi vì bị các thủ hạ Phạm Cương, Trương Đạt sát hại sau đó hai người này sang hàng Ngô. Lưu Bị đau đớn, muốn trút hết căm giận lên Tôn Quyền. Tháng 8 năm 221, ông hạ lệnh tập trung quân ở Giang châu. Vì Hoàng Trung đã mất, ông để Ngụy Diên và Mã Siêu phòng Tào Ngụy phía bắc, cùng các tướng Mã Lương, Hoàng Quyền, Trình Kỳ, Trương Nam, Ngô Ban, Phùng Tập và Triệu Vân lên đường.
Trong sử sách cũng có viết Hoàng Trung mất là lâm bệnh chứ không phải chết do bị trúng tên như trong Tam quốc diễn nghĩa. Sau khi Hoàng Trung mất ông được đặt tên thụy là Cương hầu, khi ấy không rõ ông thọ bao nhiêu tuổi, nhưng đời sau khi nhắc đến người già mà sức còn dẻo dai thường ví với Hoàng Trung.
Theo Quốc Tiệp/Người Đưa Tin