Hoàng đế Khang Hi không chỉ là vị Hoàng đế có thời gian trị vì lâu nhất trong lịch sử nhà Thanh mà còn là vị Hoàng đế nạp hậu phi nhiều nhất nhì triều đại này. Tổng số liệu về hậu cung của Hoàng đế Khang Hi là vào khoảng 200 nữ nhân.
Điều đặc biệt tiếp nữa chính là trong hậu cung của Hoàng đế Khang Hi có không ít cặp chị em ruột. Và tất nhiên, Hoàng đế thu nạp những cặp chị em này không vì sở thích đặc biệt nào mà chỉ vì nguyên nhân chính trị, tất cả đều vì quyền lực của hoàng tộc.
Trong đó có Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu và Bình phi. Họ là chị em ruột và xuất thân từ dòng tộc Hách Xá Lý thị cao quý. Hách Xá Lý thị là một dòng dõi cao quý cổ xưa từ thời nhà Đường và có liên quan đến Hung Nô, Mông Cổ.
Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu Hách Xá Lý thị có thụy hiệu ban đầu là Nhân Hiếu Hoàng hậu, là cháu gái của Phụ chính đại thần Sách Ni. Vào thời kỳ đầu khi Hoàng đế Khang Hi vừa mới đăng cơ, để củng cố quyền lực của Tân đế, Tổ mẫu của Hoàng đế Khang Hi là Hiếu Trang Thái hoàng thái hậu đã chọn Hách Xá Lý thị vào vị trí Hoàng hậu.
Năm Khang Hi thứ 4, Đại hôn điển lễ được cử hành, ban chiếu cáo thiên hạ Hách Xá Lý thị được sách lập thành Hoàng hậu. Năm đó bà 13 tuổi, Hoàng đế Khang Hi 12 tuổi.
Mặc dù cuộc hôn nhân giữa họ được tiến hành với mục đích chính trị nhưng sự lựa chọn của Hiếu Trang Thái hoàng thái hậu không hề sai lầm. Đế - Hậu sống bên nhau rất ngọt ngào và hạnh phúc.
Tuy nhiên, năm Khang Hi thứ 13, Hách Xá Lý thị qua đời ngay sau khi hạ sinh Hoàng đích tử Dận Nhưng. Nàng là nữ nhân khiến Hoàng đế Khang Hi cả đời không thể quên, nhiều năm sau, Hoàng đế vẫn thường xuyên đến trò chuyện với vong linh của nàng.
6 năm sau, vào năm Khang Hi thứ 19, em gái cùng cha khác mẹ với Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu nhập cung với thân phận Cách cách, sau đó được phong làm Quý nhân. Đến năm Khang Hi thứ 23, Hách Xá Lý thị được trực tiếp sách phong lên Phi, địa vị trong hậu cung tương đối cao, chỉ xếp sau tứ phi Huệ - Nghi - Đức - Vinh.
Và tất nhiên, nàng có thể nhận được những ân sủng này là vì ở thời điểm đó dòng họ Hách Xá Lý thị đang nắm giữ nhiều quyền lực, Dận Nhưng (con trai của Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu) đã trở thành Thái tử, con trai của Đại thần Sách Ni cũng giữ vị trí quan trọng trong triều. Hoàng đế thu nạp Hách Xá Lý thị là một bước quan trọng để thu phục gia tộc quyền lực này.
Năm Khang Hi thứ 30, Hách Xá Lý thị hạ sinh Hoàng tử Dận Ki nhưng chết yểu khi mới 2 tháng tuổi. Năm Khang Hi thứ 35, Hách Xá Lý thị qua đời. Sau khi bà qua đời mới được ban thụy hiệu "Bình".
Mặc dù khi còn sống, nàng chưa từng tiến hành đại lễ sách phong nhưng luôn được hưởng đãi ngộ của hàng Phi, về bản chất không khác với Phi được sách phong chính thức.
Theo Thủy Linh/ Phapluat&bandoc