Chuyện xúc động về vua Hàm Nghi

Google News

(Kiến Thức) - Tại đồn Pháp, Hàm Nghi nhất quyết không nhận mình là vua. Chỉ khi thầy học cũ là Nguyễn Nhuận đến thăm, ông vô tình lễ phép đứng dậy, nên bị lộ. 

Lên ngôi khi 13 tuổi. 15 tuổi phát hịch Cần Vương. 18 tuổi vị vua yêu nước này đã phải chịu cảnh lưu đày. Tuy thời gian làm vua không nhiều, nhưng tinh thần yêu nước của ông được nhân dân ghi nhớ, khiến thực dân Pháp e ngại, còn chính quyền Angiêri nơi ông bị lưu đày thì trọng thị.
Miễn là đuổi được giặc Pháp

Biết tình thế đã thất bại, Tôn Thất Thuyết vội vã vào cung rước vua Hàm Nghi vẫn còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, rời khỏi Kinh thành lên đường lập căn cứ chống thực dân Pháp.
Đoàn người gồm có cả tam cung nên rất cồng kềnh, đường lại gập ghềnh khó đi, nên đến Quảng Bình, Tôn Thất Thuyết đành cho tam cung quay trở lại Huế. Vua Hàm Nghi gạt nước mắt chia tay mẹ và Hoàng thái hậu, tiếp tục lên đường đến căn cứ Tân Sở.
Nhà vua 15 tuổi đã có ý thức chống Pháp, nên thốt ra: "Sống kham khổ thế nào trẫm cũng chịu, đi đến đâu cũng được, miễn là đuổi được giặc Pháp khỏi đất nước".
Bị quân Pháp rượt đuổi, Hàm Nghi phải chạy ra Hướng Hóa, Hà Tĩnh, rồi chạy vòng lại miền Tây Bắc Quảng Bình vô cùng vất vả và nguy hiểm. Tại vùng căn cứ, Hàm Nghi đã ban bố chiếu Cần Vương gửi đi hô hào nhân dân cả nước nổi lên chống thực dân Pháp.
Hịch được phát ra, nhân dân khắp nơi hưởng ứng Cần Vương. Từ Bình Thuận trở ra, nơi nào cũng có phong trào nổi dậy chống thực dân Pháp làm cho chúng không thể yên. Tướng De Courcy bị triệu hồi về nước.
Vua Hàm Nghi. 
Bị lộ vì giữ lễ với thầy
Vua Hàm Nghi ẩn nấp ở vùng rừng núi vô cùng gian khổ, được hai con của Tôn Thất Thuyết là Tôn Thất Đạm, Tôn Thất  Thiệp và đề đốc Lê Trực luôn bảo vệ vòng trong vòng ngoài nên quân Pháp nhiều lần bao vây mà không bắt được. Một mặt tại Huế, chúng lập Đồng Khánh lên làm vua bù nhìn, mặt khác chúng kêu gọi nhà vua trở về và hứa cho đứng đầu bốn tỉnh Bắc Trung Bộ. Nhưng Hàm Nghi một mực từ chối. 
Chẳng may, trong hàng ngũ của Hàm Nghi có một kẻ phản bội ra đầu hàng. Quân Pháp móc nối được với Trương Quang Ngọc, chỉ huy đội cận vệ bên cạnh vua. Ngọc vốn là một thủ lĩnh nghĩa quân người Mường, rất thông thuộc địa hình rừng núi nên được tin cậy giữ nhiệm vụ bảo vệ vua. Nhưng hắn nghiện thuốc phiện nên dễ dàng bị chúng dùng thuốc phiện mua chuộc, đang đêm bất ngờ đâm chết Tôn Thất Thiệp và bắt vua đem nộp cho quân Pháp.
Tại đồn Pháp, Hàm Nghi nhất quyết không nhận mình là vua, cho dù quân Pháp cho một số quan triều đến nhận diện. Nhưng khi thầy học cũ là Nguyễn Nhuận biết tin đến thăm, Hàm Nghi vô tình lễ phép đứng dậy, nên bị lộ.
E ngại để vua Hàm Nghi trở về Huế không có lợi, thực dân Pháp quyết định đày ông sang Angiêri.
Ngày 13/1/1889, sau hành trình dài trên con tàu Biên Hòa, Hàm Nghi bước chân lên chốn lưu đày khi vừa 18 tuổi.
Nhà vua bị giam lỏng ở một làng quê cách Thủ đô Angiêri hơn chục cây số. Những năm đầu ông sống khép kín, không giao du với ai. Được biết ông là một ông hoàng yêu nước, chính quyền ở đây đối xử với ông rất trọng thị. Nhiều danh sĩ đã tìm đến kết thân với ông. Hàm Nghi vẫn giữ cách ăn mặc và nền nếp phong tục thuần Việt, dần dà đã học được tiếng Pháp, học âm nhạc, hội họa. Ông lấy vợ là con gái Chánh án Tòa Thượng thẩm Angiêri và có ba người con.
Năm 1944, nhà vua mất sau 56 năm bị lưu đày, thọ 72 tuổi.
Dĩ Nguyên

BÌNH LUẬN CỦA ĐỘC GIẢ

lê công tân -

vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế
vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế

Hiển thị thêm bình luận