Vua Hàm Nghi lên ngôi khi 13 tuổi, giữa lúc triều đình bị thực dân Pháp o ép đủ bề. 15 tuổi đã có ý thức chống thực dân Pháp. Chính ông vua trẻ này là người đã phát hịch Cần Vương hô hào nhân dân cả nước nổi dậy chống thực dân Pháp.
Lễ đăng quang nhiều rắc rối
Ưng Lịch là em của Ưng Đường và Ưng Đăng. Hai anh được vua Tự Đức nhận làm con nuôi để sau này nối nghiệp. Sống trong cảnh dân dã nên Ưng Lịch được thoải mái vui chơi ngoài cung cấm.
Hôm ấy, Ưng Lịch đang đùa vui ngoài đường cùng các bạn thì được một đại thần trong triều đưa kiệu đến đón về... làm vua!
Việc cậu bé 13 tuổi được chọn lên ngôi là do tính toán của hai vị đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường.
Chẳng là, sau khi Tự Đức chết đi, hai ông đã cố xoay sở dựng nên ba vua trong có bốn tháng, nhưng đều không được như ý. Nhất là trường hợp vua Hiệp Hòa khi lên ngôi ở tuổi 36, đã tìm cách gạt bỏ quyền lực của hai ông và có chủ trương thuận theo người Pháp, ký kết những hiệp ước bất lợi cho đất nước. Rút kinh nghiệm, hai ông được sự đồng ý của Hoàng thái hậu Từ Dũ, đã chọn cậu bé Ưng Lịch 13 tuổi lên ngôi.
Bấy giờ, theo hiệp ước Patenôtre, bên cạnh triều đình Huế có Tòa Khâm sứ Pháp làm nhiệm vụ "bảo hộ" cho chính quyền Nam triều. Việc gì cũng phải thông qua và được tòa khâm sứ này cho phép mới được tiến hành.
Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường tự động làm lễ đăng quang cho vua Hàm Nghi Ưng Lịch vào ngày 2/8/1884, không thèm báo cáo với tòa khâm. Viên Khâm sứ Reinart vô cùng tức giận, bắt phải hoãn lại và lễ đăng quang phải được diễn ra dưới sự giám sát của ông ta. Tôn Thất Thuyết không chịu, viện cớ đây là việc nội bộ của triều Nguyễn. Viên đại tá Guerrier đóng quân ở đồn Mang Cá gửi tối hậu thư: Nếu Nam triều không tuân theo sẽ nã đại bác vào Kinh thành.
|
Quân Pháp đánh chiếm các cứ điểm Huế ngày 20/8/1885 (tranh tư liệu của Pháp). |
Triều đình bị sỉ nhục
Do lực lượng yếu kém, triều đình phải ngậm bồ hòn làm ngọt, viết báo cáo "xin phép" tòa khâm. Và đến ngày 18/8, nghĩa là sau hơn nửa tháng sau, Khâm sứ Reinart và đại tá Guerrier dẫn 25 sĩ quan và 160 lính Pháp tiến vào thành, đòi đi qua cửa giữa Ngọ Môn, là cửa chỉ dành riêng cho nhà vua. Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường không chịu, nhưng tranh cãi mãi vẫn phải nhượng bộ cho viên Khâm sứ và đại tá Guerrier được qua cửa chính, còn quân lính đi qua cửa phụ.
Năm sau, Thống tướng De Courcy từ Hà Nội vào yết kiến Hàm Nghi, cũng đòi cho cả 500 lính theo vào cửa chính Ngọ Môn. Đó là những chuyện vô cùng sỉ nhục đối với triều đình. Những cuộc tập trận dương oai diễu võ được tổ chức nhằm uy hiếp Kinh thành, quân lính Pháp tự do đi lại, hoành hành bắt bớ khắp nơi. Triều đình Huế như cá nằm trong rọ.
De Courcy biết Tôn Thất Thuyết là người chủ chiến cứng rắn nên tìm cách bắt giữ ông này. Hắn "mời" triều đình cử đại thần sang để bàn về việc vào thành trình quốc thư lên Hàm Nghi, áp đặt sự lệ thuộc vào nước Pháp. Tôn Thất Thuyết lấy cớ bị ốm không sang, hắn hách dịch ra lệnh: "Bị bệnh không sang được, cũng phải võng sang".
Tôn Thất Thuyết bấy lâu đã bí mật tập hợp quân sĩ chuẩn bị nổi dậy, lúc này chưa chín muồi, nhưng bị dồn vào chân tường bèn ra lệnh tấn công chống lại quân Pháp. 1 giờ sáng ngày 5/7/1885, quân triều đình chia hai ngả đồng loạt nổ súng đánh vào Tòa Khâm sứ và đồn Mang Cá. Quân Pháp bị bất ngờ, hoảng loạn, nhưng khi trời sáng thấy hỏa lực quân ta yếu kém, chúng đã dùng đại bác, súng máy phản công làm quân ta bị chết hàng loạt. Quân Pháp nhanh chóng chiếm lại được ưu thế, tiến hành cuộc truy sát thảm khốc. Hàng ngàn dân thường và trẻ em bị giết hại. Ngày hôm ấy, tức 23 tháng Năm âm lịch trở thành ngày giỗ chung của xứ Huế.
(còn nữa)
Dĩ Nguyên