“Trong lời mở đầu cuốn sách Giáo dục đạo đức (Éducation morale), nhà xã hội học Pháp Emile Durkheim viết: “Bởi vì, trong tư cách nhà sư phạm chúng ta sắp bàn tới chuyện giáo dục đạo đức, nên có lẽ chúng ta cần thiết phải cùng nhau thống nhất cách hiểu về khái niệm sư phạm”. Suy từ đó ra, có lẽ cũng có thể nói như sau chăng: hễ đã bàn về chuyện sư phạm, thì chắc chắn thế nào chúng ta cũng phải bàn về tâm lí học.
|
Tác giả Howard Gardner. |
Trong việc thực hiện chiến lược con người, không thể thiếu vắng những hiểu biết Tâm lí học. Vì một lẽ dễ hiểu: bất kì trẻ em nào trên con đường trưởng thành để tham gia tích cực vào nguồn lực xây dựng đất nước, đều không thể không đi qua cánh cửa giáo dục.
Cánh cửa giáo dục đó mở ra với người công dân bé nhỏ nếu không sớm hơn được thì cũng phải từ khi em lọt lòng. Vì thế mà Tâm lí học có tầm quan trọng lớn lao đối với mỗi người chịu trách nhiệm sự nghiệp giáo dục, từ bậc làm cha mẹ đến thầy giáo và cô giáo ở nhà trường (nhất là trường Mẫu giáo và Tiểu học).
Các nhà giáo dục chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp đó suy cho cùng đều phải đụng tới một vấn đề cốt lõi: trí khôn. Các bà đỡ đó sẽ giúp trí khôn con em mình hình thành và phát triển ra sao, sẽ giúp trí khôn đó nảy nở hay làm nó thui chột, sẽ nhìn nhận và tác động vào trí khôn đó một cách tỉnh táo hay ảo tưởng, những điều đó hệ trọng vô cùng.
|
Sách "Cơ cấu trí khôn" của tác giả Howard Gardner. |
Cuốn sách “
Cơ cấu trí khôn” của tác giả Howard Gardner giúp chúng ta có một cách nhìn tâm lí học vào trí khôn người. Cái trí khôn người đó không thể được nhận ra theo lối suy đoán, áng chừng đã đành. Nó lại càng không thể là cái kết quả "khoa học", hiện ra thành một con số tròn sau vài giờ đồng hồ đo nghiệm, nhất là lại chỉ "test" với cây bút và tờ giấy.
Và nếu như, trong phạm vi nhỏ nào đó, các kết quả đo nghiệm tâm lí học có đúng với "thực tế", thì cũng cần lí giải vì sao nó đúng. Dĩ nhiên, ngược lại, nếu con số IQ sai với thực tế, thì cũng cần lí giải vì sao lại sai.
Howard Gardner giúp chúng ta làm công việc lí giải đúng sai ấy.
|
Đọc "Cơ cấu trí khôn" của Howard Gardner giúp chúng ta có một cách nhìn khác - cách nhìn tâm lý học - vào trí khôn con người. |
Trong cuốn sách, những
dạng trí khôn được trình bày và khảo sát gồm: trí khôn ngôn ngữ, trí khôn âm nhạc, trí khôn logic - toán, trí khôn không gian, trí khôn cơ thể - vận động và trí khôn cá nhân (gồm trí khôn cá nhân hướng vào bên trong con người mình và trí khôn cá nhân hướng sang người khác). Chúng không nhất thiết bộc lộ hết ở một con người, và cũng không cần phải có tất cả để thực hiện một dạng kỹ năng và kỹ xảo nào đó.
Chính Howard Gardner cũng khẳng định "không có và vĩnh viễn không thể có một danh mục duy nhất không thể bác bỏ và được chấp nhận phổ biến về những trí khôn của con người". Tác giả dành riêng một chương tự nhìn nhận những hạn chế trong lý thuyết của mình, qua đó có thể thấy con đường khám phá tiềm năng trí tuệ còn vô cùng mênh mông.
Howard Gardner là Giáo sư Tâm lý học Nhận thức và Tâm lý học Giáo dục bậc Cao học tại Khoa Giáo dục của Đại học Harvard (Quỹ John Hobbs and Elisabeth A. Hobbs). Ông được trao nhiều phần thưởng, trong đó có Giải MacArthur năm 1981. Năm 1990, ông là người Mỹ đầu tiên nhận Giải Grawemeyer về Giáo dục của Đại học Louisville. Năm 2000, ông được nhận Giải Guggenheim.
Howard Gardner là tác giả của nhiều cuốn sách đã được xuất bản tại Việt Nam: Trí khôn phi học đường, Trí khôn sáng tạo, Chân, thiện, mĩ trong tầm nhìn đương đại…
Thùy Liên