Cách đây khoảng 20 năm, có một nhóm các nhà khảo cổ học người Mỹ từng đến khảo sát khu lăng mộ Tần Thủy Hoàng ở phía bắc núi Ly Sơn, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Sử dụng công nghệ tiên tiến để đo đạc lăng mộ ngầm dưới đất, các nhà khảo cổ phát hiện lớp đất phía trên tồn tại hàm lượng thủy ngân rất lớn, lớn hơn nhiều so với mức bình thường.
Đến năm 2003, các nhà khảo cổ Trung Quốc một lần nữa sử dụng công nghệ để khám phá lăng mộ ngầm, xác nhận sự tồn tại của một lượng lớn thủy ngân.
Theo ghi chép của sử gia Tư Mã Thiên thời nhà Hán, có một dòng sông thủy ngân khổng lồ trong lăng mộ, ước tính khối lượng thủy ngân lên tới 100 tấn.
Trong nhiều năm, có vô số nghi vấn được đặt ra về công dụng của dòng sông thủy ngân. Liệu có phải nó dùng để chống trộm như quan niệm ngày nay hay không?
Theo nghiên cứu về lịch sử Trung Hoa trước thời Tần Thủy Hoàng, các nhà khoa học Trung Quốc nhận thấy thủy ngân chỉ được dùng trong các loại hình ướp xác, bảo quản thi thể. Thủy ngân cũng có thể được dùng như một chất chống ăn mòn.
Trung Quốc hiện chưa có kế hoạch khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Lượng thủy ngân khổng lồ trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng được cho là giúp hình thành một lớp cách nhiệt tương đối kín. Do đó, các chuyên gia cho rằng, thủy ngân trong lăng mộ Tần Thủy cũng chỉ đóng vai trò bảo quản thi thể và chống ăn mòn, nhưng với quy mô lớn hơn các ngôi mộ bình thường.
Tuy vậy, đến thời nhà Hán, người Trung Hoa mới biết rằng thủy ngân có chứa chất kịch độc với sinh vật sống. Đó là lúc xuất hiện các ý kiến cho rằng thủy ngân được dùng để chống trộm.
Nói về nguồn gốc của 100 tấn thủy ngân, các nhà khoa học cho rằng, có một mỏ khai thác thủy ngân ở Tuần Dương, phía nam tỉnh Thiểm Tây.
“Người Trung Hoa có thể đã khai thác thủy ngân từ thơi Tiền Tần. Có một lượng lớn thủy ngân ở đây, chỉ cách lăng mộ Tần Thủy Hoàng khoảng 100km”, một nhà nghiên cứu nói trên tờ kknews.cc.
Tuần Dương từng là vùng đất nằm giữa nhà Tần và nhà Chu, có tuyến đường thủy vận chuyển hàng hóa qua nơi này. Sau khi nhà Chu diệt vong, nhà Tần chiếm trọn khu mỏ khai thác thủy ngân.
Nhờ một lượng lớn thủy ngân trong lăng mộ, nơi an nghỉ của Tần Thủy Hoàng nhiều khả năng vẫn còn nguyên vẹn sau hơn 2.000 năm.