Đây là bà giáo nổi tiếng đất Thăng Long 280 năm trước

Google News

Là nữ danh sĩ ở triều Lê, nối nghiệp người anh mở trường dạy học tại kinh thành, học trò thành đạt đến mấy chục người, đó chính là bà Đoàn Thị Điểm.

Trong cuốn Tang thương ngẫu lục của hai tác giả Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, viết về những nhân vật, câu chuyện cuối đời Lê, đầu triều Nguyễn, truyện Bà vợ thứ ông Nguyễn Kiều viết chi tiết về cuộc đời bà.
Giỏi văn thơ
Theo đó, bà Đoàn Thị Điểm, hiệu là Hồng Hà nữ sĩ, là vợ thứ của ông Nguyễn Kiều, hiệu Hạo Hiên. Bà quê đất Giang Bắc, nguyên là em gái ông tỉnh nguyên (người đỗ đầu kỳ thi tỉnh) Đoàn Luân (còn có tên Đoàn Doãn Luân).
Theo một số tài liệu hiện nay, bà sinh năm 1705, mất năm 1749, quê gốc ở làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, trấn Kinh Bắc (nay thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tổ tiên bà vốn họ Lê, đến đời cha là Đoàn Doãn Nghi mới đổi ra họ Đoàn.
 Bìa sách về bà Đoàn Thị Điểm. Ảnh: NXB Kim Đồng.
Bà nổi tiếng là người văn học, cùng anh vui thú trong nghiên bút. Một buổi tối, bà ngồi trước đài trang tô điểm, ông Luân thì rửa tay ở trên cầu ao. Ông Luân ứng khẩu ra vế đối rằng:
- Chiếu kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm. Nghĩa là: Soi gương vẽ mày, một nét hóa thành hai nét. Chữ Điểm cũng là tên bà Điểm.
Bà liền đối ngay:
- Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân. Nghĩa là: Kề ao ngắm trăng, một vầng trăng hóa ra hai vầng trăng. Chữ Luân cũng là tên ông anh.
Ông Đặng Trần Côn là có tiếng học giỏi thời ấy, mến tiếng bà, đưa bài thơ đến để xin được vào thăm. Bà cười mà rằng: "Cậu học trò mới học ấy, bõ gì nói chuyện".
Ông Đặng tức giận trở về, cố chí học hành, sau trở nên một bậc danh sĩ.
Ông Đặng sau sáng tác bài thơ Chinh phụ ngâm khúc nổi tiếng bằng chữ Hán. Tương truyền, bản dịch sang chữ Nôm là của bà Đoàn Thị Điểm.
Học trò đỗ tiến sĩ
Tài năng, bà kén chồng khắt khe, bao nhiêu người muốn lấy, bà đều không vừa ý. Đến khi đã quá tuổi cập kê, tận 37 tuổi, bà mới lấy ông Nguyễn Kiều người đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi (1715), làm quan trong Viện Hàn lâm, làm vợ lẽ.
Lúc đó, hai người vợ trước của ông Kiều, đều là con các bậc đại thần (Thượng thư Lê Anh Tuấn và Tham tụng Nguyễn Quý Đức), đều đã mất. Do trước kia, bà Điểm làm con nuôi ông Lê Anh Tuấn, nên bà với bà Lê Thị Hằng (con gái ông Tuấn, vợ ông Kiều) là chỗ chị em thân tình. Sau khi bà Hằng mất, cảm thương tình cảnh ông Kiều gà trống nuôi con, bà nhận lời lấy ông.
Sách Tang thương ngẫu lục chép rằng sau khi ông Nguyễn Kiều mất, những học trò theo học ông lại theo học bà, thành danh được mấy chục người.
Tuy nhiên, theo Đoàn thị thực lục, ông Nguyễn Kiều lấy bà Điểm khi đang làm quan triều đình. Sau đó, ông đi sứ Trung Quốc chứ không dạy học. Người dạy mở trường dạy học chính là ông Đoàn Luân anh trai bà, tại làng Vô Ngại, huyện Đường Hào (nay thuộc huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên).
Sau khi anh mất (năm 1735), bà Điểm thay anh dạy học, chuyển trường lên xã Chương Dương, huyện Thượng Phúc (nay là Thường Tín, Hà Nội). Học trò theo học rất đông. Bà chỉ chấm dứt việc dạy học khi kết hôn cùng ông Kiều năm 1739.
Gia phả họ Đoàn ghi lại rằng học trò của bà có những người đỗ cao, như ông Đào Duy Doãn ở làng Chương Dương, sau này thi đậu tiến sĩ năm 1763.
Là cuốn sách làm đầu triều vua Gia Long, Tang thương ngẫu lục vẫn nhắc đến những tác phẩm của bà: "Bà làm ra tập Tục truyền kỳ, trong đó có ba truyện Hải khẩu linh từ, Vân Cát thần nữ, An Ấp liệt nữ, còn lưu hành ở đời".
Trong bộ Lịch triều Hiến chương loại chí, phần Văn tịch chí, ông Phan Huy Chú cũng ca ngợi tác phẩm Tục truyền kỳ rằng: "Lời văn trau chuốt, ý chuyện dồi dào".
Sách của Phạm Đình Hổ viết: "Năm bà 78 tuổi, vẫn còn đi lại ở kinh kỳ, mở trường dạy học", là chép nhầm, vì tài liệu từ dòng họ Đoàn cho biết, năm 44 tuổi, ông Kiều đi sứ về, được bổ làm chức Tham nghị ở Nghệ An. Bà theo chồng vào Nghệ An nhậm chức, đến nơi ốm rồi mất (năm 1748).
Tháng 7/2011, phần mộ bà và chồng đã đã được nhân dân hợp táng tại phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội.
Bà Đoàn Thị Điểm không chỉ được đời sau ghi nhớ bởi tài thơ văn đặc sắc, mà còn vì bà là một trong những nữ nhà giáo hiếm hoi được lưu danh qua các triều đại phong kiến Việt Nam.
Theo Lê Tiên Long/Zing