ĐBQH Hà Ánh Phượng: "Nhà trường đừng đặt nặng thành tích, xã hội bớt phán xét đi"

Google News

Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng chia sẻ, vẫn còn những trăn trở về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có vấn đề sức khỏe tâm thần học đường.

Biểu đồ hình sin bất thường của kết quả thi tốt nghiệp môn tiếng Anh
Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) đã chia sẻ những trăn trở của mình về lĩnh vực giáo dục.
DBQH Ha Anh Phuong:
Đại biểu Hà Ánh Phượng. Ảnh: Đình Trung. 
Đại biểu Hà Ánh Phượng cho hay, bà đánh giá rất cao về việc Bộ GD&ĐT đã sát sao trong việc bồi dưỡng năng lực giáo viên, yếu tố quan trọng nhất góp phần triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, vẫn còn đó những trăn trở liên quan đến việc triển khai chương trình mới này.
Theo đại biểu Phượng, kết quả thi tốt nghiệp môn tiếng Anh năm 2021 cho thấy một biểu đồ hình sin bất thường khi lần đầu tiên xuất hiện 2 đỉnh điểm trong cùng một phổ điểm, trong đó đỉnh thứ nhất nằm trong quãng 4-5 điểm và đỉnh thứ hai nằm trong khoảng 7-9 điểm.
“Điều này cho thấy hiện vẫn còn sự chênh lệch khá lớn về chất lượng dạy và học môn tiếng Anh giữa các vùng miền và khoảng cách này cần sớm được rút ngắn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”, đại biểu Hà Ánh Phượng nói.
DBQH Ha Anh Phuong:
Đại biểu Hà Ánh Phượng trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống (áo trắng) cùng các PV bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Đình Trung. 
Đại biểu Hà Ánh Phượng cho hay, để thực hiện chương trình mới thì các trường học tại địa bàn tỉnh Phú Thọ đã tiến hành rà soát, đánh giá nhu cầu sách giáo khoa, trang thiết bị dạy học theo các danh mục tối thiểu quy định của Bộ GD&ĐT.
Sau khi rà soát thì các nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch, đăng ký mua sắm và vận động tài trợ để đảm bảo các trang thiết bị tối thiểu phục vụ hoạt động dạy và học.
Tuy nhiên, do số lượng thiết bị trong danh mục tối thiểu theo quy định của chương trình mới là khá nhiều, trong khi việc cấp, mua sắm cũng như vận động tài trợ hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu, đặc biệt là cấp tiểu học tại các vùng miền núi còn khó khăn và có nhiều địa phương trước đây đã được đầu tư cơ sở vật chất nhưng hiện tại nhiều thiết bị đã bị hư hỏng và hoạt động kém hiệu quả.
Bên cạnh đó là nguồn nhân lực của bộ môn tiếng Anh và Tin học cả về chất lượng và số lượng còn gặp nhiều thách thức.
“Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ về sách giáo khoa, thiết bị dạy học, có chính sách cụ thể để thu hút, điều phối nguồn nhân lực là giáo viên dạy tiếng Anh, dạy kỹ năng sống, dạy Tin học về với vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo hoặc đẩy mạnh các chương trình thanh niên tình nguyện nhằm đảm bảo quyền được tiếp cận với giáo dục chất lượng của học sinh các vùng khó khăn”, đại biểu Hà Ánh Phượng nêu quan diểm.
Vấn đề sức khỏe tâm thần học đường chưa được chú trọng
Một trăn trở nữa, về giáo dục, đại biểu Hà Ánh Phượng chia sẻ, đó là vấn đề sức khỏe tâm thần và công tác tư vấn tâm lý học đường.
Dẫn số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới, cứ mỗi 40 giây trên thế giới sẽ có 1 người tự tử và tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai đối với lứa tuổi 15 đến 29 tuổi, đại biểu Hà Ánh Phượng cho hay, thực tế tại Việt Nam vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt là tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều, gần đây có nhiều những vụ việc đau lòng xảy ra. Cùng với đó là vấn nạn bắt nạt, bạo lực trên không gian mạng.
Theo đại biểu, hiện nay, đối với Bộ GD&ĐT, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần được đáp ứng thông qua các công tác về tâm lý học đường trong các cơ sở giáo dục cho học sinh, sinh viên, giáo viên, nhân viên trong nhà trường, thậm chí là một số hoạt động hỗ trợ cho cha mẹ.
Tuy nhiên, chất lượng hoạt động tư vấn tâm lý học đường chưa thật sự hiệu quả, mặc dù đã có nhiều nghị định, thông tư liên quan đến lĩnh vực này.
DBQH Ha Anh Phuong:
Một buổi sinh hoạt ngoại khóa lớp Tiếng Anh của cô giáo Hà Ánh Phượng. Ảnh: NVCC. 
Theo kết quả của một nghiên cứu gần đây cho biết, hầu hết các trường đều gặp khó khăn trong việc bố trí cơ sở vật chất, nhân lực chuyên trách, không gian tham vấn tâm lý cho trẻ em.
Kinh phí chi cho hoạt động tư vấn còn hạn chế, chính sách hỗ trợ cho giáo viên tư vấn chưa thỏa đáng và việc triển khai còn nặng về hình thức đáp ứng các quy định như biển phòng hoặc các chương trình đào tạo chớp nhoáng, lấy chứng nhận mà chưa thực sự đi vào thực tiễn.
Về phía học sinh thì các em còn ngần ngại khi tiếp cận với phòng tư vấn và không sẵn sàng chia sẻ hoặc tâm sự với những thầy, cô giáo là những người đang trực tiếp dạy mình.
Vì vậy, theo đại biểu, để xây dựng trường học an toàn, trường học chất lượng, trường học hạnh phúc, các địa phương cần chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý chuyên môn, nâng cao năng lực tư vấn cho giáo viên và sự phối hợp của phụ huynh qua các khóa học cả dài hạn và ngắn hạn được triển khai liên tục, có đánh giá, có chương trình, có sổ tay, có giáo trình thay vì chỉ là những hội thảo, hội nghị.
Và trong thời gian tới sẽ có các chính sách tuyển nhân viên làm công tác tâm lý toàn thời gian được đào tạo bài bản tại các nhà trường.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu việc lồng ghép giảng dạy bộ môn cảm xúc xã hội trong tiếng Anh như tại một số quốc gia phát triển trên thế giới như là Singapore, Mỹ và một số quốc gia khác.
Đồng thời nâng cao vai trò của công tác tư vấn học đường tương đương với công tác nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.
“Tôi tin rằng nếu chúng ta thật sự coi trọng vấn đề này như coi trọng kết quả học tập, thi cử, điểm tổng kết thì dù có khó khăn bao nhiêu chúng ta sẽ tìm ra cách để triển khai, cha mẹ cần thấu hiểu, nhà trường đừng đặt nặng thành tích và xã hội bớt phán xét đi”, đại biểu Hà Ánh Phượng nêu.
DBQH Ha Anh Phuong:
Cô giáo Hà Ánh Phượng cùng các học trò. Ảnh: NVCC. 

Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng là giáo viên Tiếng Anh Trường THPT Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Là người dân tộc Mường, sinh ra ở vùng quê nghèo - huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, cô Phượng rất thấu hiểu những khó khăn mà các học sinh của mình đang gặp phải.
Trường cô Phượng dạy có tới 85% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhưng nhờ vào công nghệ thông tin, cô Phượng đưa học sinh của mình tham gia vào các tiết học xuyên biên giới.
Với mô hình "lớp học không biên giới", cô Phượng đã kết nối, đưa các học sinh miền núi của mình du lịch, học với các bạn bè từ trên 40 quốc gia ở khắp các châu lục trên thế giới.
"Tôi có niềm tin vào thế hệ trẻ, Tôi hy vọng rằng trong tương lai gần Tiếng Anh sẽ sớm trở thành ngôn ngữ thứ 2 chứ không còn là ngoại ngữ nữa…”, cô Phượng chia sẻ với PV Tri thức và Cuộc sống.
Cô Phượng còn thực hiện nhiều dự án gắn với 17 mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc, trong đó có dự án “Phòng chống bạo lực trên không gian mạng” nhằm nâng cao nhận thức cho các em về việc học tập an toàn và tránh những rủi ro trên không gian mạng.
Cô Hà Ánh Phượng đã trở thành giáo viên đầu tiên của Việt Nam lọt Top 10 giáo viên xuất sắc của Giải thưởng giáo viên toàn cầu do Varkey Foundation bình chọn.
Ngày 29/10/2021, cô giáo Hà Ánh Phượng đã vinh dự giành giải thưởng Công chúa Thái Lan.
  

Mời quý độc giả xem video: "Đại biểu Vũ Trọng Kim, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định trao đổi về vụ việc Việt Á". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.


Mai Loan