Cuối thời Đông Hán, ba nước Nguỵ - Thục - Ngô chia ba thiên hạ, ngoài việc có rất nhiều kiêu hùng và danh tướng, còn có không ít mưu sĩ hết sức thông tuệ. Những người chúng ta quen thuộc nhất có Ngoạ Long - Phượng Sồ, Giả Hủ, Tư Mã Ý...
Trong số đó có một người chưa từng phò tá bất cứ ai, nhưng lại có tài năng kiệt xuất, chẳng cần rời núi sâu vẫn biết được chuyện lớn trong thiên hạ, Ngoạ Long - Phượng Sồ và Tư Mã Ý cộng vào cũng không phải là đối thủ của ông, người này chính là Tư Mã Huy.
Một đời tung hoành ngang dọc nổi danh thiên hạ, tại sao Tào Tháo lại tự ti, thậm chí cho giết người khi bị gọi là "A Man"?
Ông vốn là không quyền không thế, chỉ là một người đọc sách bình thường, nhưng ông lại là hậu duệ của Ân vương. Với xuất thân cao quý, từ trong xương cốt ông đã có dòng máu quý tộc. Đáng lẽ thiên hạ đại loại chính là lúc để Tư Mã Huy phát huy tác dụng của mình, nhưng ông lại trông coi vài mẫu đất cằn, trải qua cuộc sống điền viên.
Về phía Lưu Bị, ông trấn thủ thành Tân Dã, trong tay có hai mãnh tướng Quan Vũ và Trương Phi, ai nấy nghe danh cũng sợ mất mật. Lưu hoàng thúc nghĩ thầm: Nếu như có thêm một mưu sĩ, há chẳng phải càng hoàn hảo ư? Trùng hợp thay, có Từ Thứ người quận Dĩnh Xuyên tới đầu quân, Lưu Bị vốn cho rằng mình như hổ thêm cánh.
Ai ngờ khi Từ Thứ xuống phía Nam, người mẹ già ở nhà bị Tào Tháo bắt đi. Từ Thứ nổi tiếng là người con hiếu thảo, đành phải nói rõ tình hình với Lưu Bị, sau đó đầu quân cho Tào Tháo. Lưu Bị hiển nhiên hết sức đau lòng, nhưng đành phải đồng ý. Lúc này Từ Thứ tiến cử người bạn tốt của mình là Gia Cát Lượng cho Lưu Bị.
Thật ra phim truyền hình "Tam quốc diễn nghĩa" đã thay đổi rất nhiều nội dung, trên thực tế khi Từ Thứ tiến cử Gia Cát Lượng, Lưu Bị vẫn chưa tin rằng trên đời này có người tài giỏi tới vậy, về sau gặp được Tư Mã Huy, người này cũng lại tiến cử Gia Cát Lượng, lúc này Lưu Bị mới hoàn toàn tin tưởng. Về sau mới xảy ra điển tích ba lần bái phỏng lều tranh.
Rất nhiều người nói Tư Mã Huy chính là "kẻ đứng sau thao túng" Tam Quốc, tất cả là một ván cờ được ông bày ra. Câu nói này tuy có phần bông đùa, nhưng đã hoàn toàn chứng tỏ Tư Mã Huy mới là cao nhân chân chính.
Nếu như khi ấy ông tiến cử bản thân thay vì tiến cử Khổng Minh vậy lịch sử liệu có thay đổi không?
Trên thực tế, điều này không thể xảy ra! Tư Mã Huy từ chối lời mời của Lưu Bị là một biểu hiện của việc thuận theo ý trời. Sau khi Lưu Bị ba lần bái phỏng lều tranh mời Gia Cát Lượng xuống núi, Tư Mã Huy đã lắc đầu nói một câu: "Khổng Minh tuy đắc kỳ chủ, bất đắc kỳ thì."
Câu nói có nghĩa là: Lưu Bị quả thật là một chúa công đáng để cống hiến sức lực, nhưng Gia Cát Lượng xuống núi lúc này không phải thời cơ tốt.
Tư Mã Huy đã nhìn ra vương triều nhà Hán lúc này đã sắp sụp đổ, cho dù Lưu Bị có cố gắng thế nào thì kết cục chắc chắn vẫn là thất bại. Tuy rằng Khổng Minh có tài, nhưng cố thay đổi lịch sử là việc làm trái với ý trời. Người xưa chú trọng nhất vào việc thuận theo tự nhiên, một khi làm trái ý trời ắt sẽ rước phải tai hoạ.
Nhà Hán khi ấy đã trải qua mấy trăm năm, thuộc nhóm tồn tại lâu dài trong số các triều đại. Người xưa đã nghiên cứu ra quy luật cái mới thay thế cái cũ, họ cho rằng nhà Hán không thể tái hiện thời kỳ huy hoàng trước kia.
Lưu Bị mời Gia Cát Lượng xuống núi, cố đúc ra cục diện chân vạc trong giai đoạn hỗn loạn, đây đã là giới hạn của Khổng Minh, cũng là giới hạn của quy luật lịch sử.
Sau khi Lưu Bị qua đời, Khổng Minh Lục xuất Kỳ Sơn đều thất bại, Mã Tắc làm mất Nhai Đình, cuối cùng bỏ mạng ở gò Ngũ Trượng. Đây chính là hậu quả của việc làm trái ý trời.
Có thể nói tuy Tư Mã Huy không xuống núi, nhưng đã sớm nhìn thấu huyền cơ, đây cũng là một trong số những nguyên nhân khiến ông không phò tá Lưu Bị.
Theo PV / Pháp luật và bạn đọc