Điệp vụ thế kỷ: Liên Xô đã thoát khỏi đòn tấn công hạt nhân thế nào?

Google News

Việc Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki không đơn thuần là một đòn tấn công buộc Nhật Bản đầu hàng, mà còn là thông điệp gửi tới cho Liên Xô.

Tranh cãi xung quanh bài báo của Viện sĩ Khariton

Năm 1992, một sự việc bất thường đã diễn ra tại nước Nga mới bước trên con đường phát triển dân chủ khi Viện Hàn lâm Khoa học danh tiếng của nước này đã dừng phân phối số mới in của tạp chí “Những câu hỏi của lịch sử khoa học tự nhiên và công nghệ” - ấn phẩm thuần túy mang tính học thuật, được cho là đã công bố dữ liệu về cách tự lắp ráp một quả bom nguyên tử. Người khởi xướng lệnh cấm không ai khác là Viện sĩ Yuliy Borisovich Khariton.

Diep vu the ky: Lien Xo da thoat khoi don tan cong hat nhan the nao?

Vụ bê bối với lệnh cấm đó trở thành một vấn đề lớn, Ủy ban Tối cao Nga và chính phủ liên bang thậm chí đã phải vào cuộc. Trên thực tế, tạp chí không mô tả cách lắp ráp bom; nhà xuất bản quyết định đăng tài liệu cách đấy nửa thế kỷ, do cựu tình báo Liên Xô tại Mỹ, Anatoly Antonovich Yatskov, cung cấp cho tòa soạn. Đó là các báo cáo của các điệp viên Liên Xô làm việc trong chính trung tâm hạt nhân Los Alamos, mô tả chi tiết về tất cả các diễn biến của Mỹ. Các tài liệu cho thấy sự đóng góp của lực lượng tình báo vào việc chế tạo bom nguyên tử là vô giá.

Trong số các tài liệu còn có các chỉ đạo của nhà lãnh đạo Stalin, Beria và những nhân vật quan trọng khác, đặc biệt là “bút tích” của người đứng đầu dự án nguyên tử đầu tiên của Liên Xô Igor Vasilyevich Kurchatov, người đã viết rằng, “nếu không có các chiến sĩ tình báo, Liên Xô sẽ không bao giờ tạo được vũ khí nguyên tử”... Các cơ quan tình báo nước ngoài cho biết các tài liệu không còn là bí mật quốc gia và do đó chủ yếu được các nhà sử học quan tâm, nhưng Viện Hàn lâm Khoa học đã đưa ra biện pháp phòng thủ.

Theo nhiều nhà quan sát, có cảm giác rằng các viện sĩ, trước hết là Khariton, chỉ đơn giản sợ rằng với việc xuất bản tạp chí, công chúng sẽ đặt câu hỏi về công lao đặc biệt của họ trong việc chế tạo bom nguyên tử. Nói một cách khác, họ có thể bị buộc tội "đạo văn", sao chép một quả bom theo mô hình của Mỹ, và từ đó, sẽ nảy sinh những nghi ngờ về rất nhiều danh hiệu và giải thưởng của họ... Rất nhanh sau đó, Khariton buộc phải thừa nhận rằng Liên Xô thực sự đã sao chép mẫu quả bom nguyên tử đầu tiên được thử nghiệm vào năm 1949 của Mỹ do các chiến sĩ tình báo đánh cắp.

Các chiến sĩ tình báo không phủ nhận tài năng của các chuyên gia hạt nhân trong nước. Tuy nhiên, vào giữa những năm 1940, khi dự án nguyên tử của Liên Xô được khơi mào, trong nước không đủ điều kiện cho loại công việc tốn kém này. Thế chiến II vừa kết thúc, đất nước bị tàn phá, người dân thiếu thốn những thứ cần thiết; tất cả các nguồn lực đã được sử dụng để khôi phục nền kinh tế. Nhưng khi nhận được thông tin tình báo rằng người Mỹ sắp chế tạo được vũ khí hạt nhân và khi bom được thả xuống Hiroshima và Nagasaki, Stalin đã ra lệnh thành lập Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật Đặc biệt thuộc Hội đồng nhân dân Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Boris Vannikov và Igor Kurchatov.

Theo những tính toán táo bạo nhất, chỉ dựa vào chính mình, Liên Xô có thể tạo ra vũ khí nguyên tử trong vòng 10 năm. Đất nước Xô viết không có thời gian như vậy - người Mỹ đang nhanh chóng xây dựng tiềm lực hạt nhân của họ và đã công khai đe dọa Moscow bằng một cuộc chiến mới. Tình hình đã được cứu vãn nhờ đóng góp tuyệt vời của lực lượng tình báo. Các nhà khoa học nguyên tử Mỹ đã hợp tác chặt chẽ với tình báo Liên Xô. Họ làm điều đó không phải vì tình yêu đối với chủ nghĩa cộng sản, mà vì họ tin rằng không có quốc gia nào được độc quyền về vũ khí hạt nhân.

Trí tuệ và chủ nghĩa nhân văn của họ thật đáng khâm phục, trong tính toán của họ, sự cân bằng về hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ sẽ không cho phép nổ ra Thế chiến III trong tương lai. Klaus Fuchs chiếm một vị trí đặc biệt trong thiên hà của những nhà khoa học này, những người mà tài năng của họ được các nhà vật lý hạt nhân ngưỡng mộ như Robert Oppenheimer và Enrico Fermi.

Thiện ý

Ngày 19/8/1943, tại một cuộc họp ở Quebec, Thủ tướng Anh Churchill và Tổng thống Mỹ Roosevelt đã đồng ý cùng nhau phát triển vũ khí nguyên tử. Klaus Fuchs, một người Đức đã trốn sang Anh sau khi Hitler lên nắm quyền và tham gia chương trình tạo ra quả bom hạt nhân đầu tiên của Anh, đã được mời tham gia “Dự án Manhattan” trong thành phần của phái đoàn Anh. Khi đó, không ai nghi ngờ về mối liên hệ của nhà khoa học vật lý này với tình báo Liên Xô. Nhưng chính thông tin do ông cung cấp đã cho phép Liên Xô tạo ra quả bom hạt nhân của mình trước khi Mỹ có đủ khả năng tấn công phủ đầu.

Tháng 8/1941, Fuchs, người đã gia nhập Đảng Cộng sản trong những năm ở Đức, đã tự liên lạc với trợ lý Tùy viên Quân sự Liên Xô tại Anh, Semyon Kremer, người mà trước đó ông đã được giới thiệu bởi Jurgen Kuchinski, nhân vật được biết đến trong giới những người cộng sản Đức di cư đến Vương quốc Anh. Lúc đó, Fuchs đang làm việc tại Đại học Birmingham trong khuôn khổ dự án Hợp kim ống (“Tube Alloys”), đã trao cho đại diện Liên Xô một tài liệu dài 6 trang chứa thông tin mà ông biết về hoạt động của các nhà khoa học Anh trong việc chế tạo vũ khí nguyên tử.

Tổng cộng, Kremer đã gặp Fuchs 4 lần và nhận dữ liệu từ ông, nhờ đó có thể xác định được sự tụt hậu của Liên Xô trong việc phát triển vũ khí hạt nhân. Tại sao nhà khoa học, người chưa được tin cậy hoàn toàn ở Anh bởi gốc Đức của mình, lại mạo hiểm như vậy và bắt đầu hợp tác với tình báo Liên Xô? Theo nhà sử học và nhà báo Karl Pazner người Séc, “những người có quan điểm cánh tả muốn đấu tranh cho hòa bình thế giới bằng cách giúp Liên Xô tạo ra một quả bom. Khi đó lực lượng của hai nước sẽ cân bằng, và không ai dám để xảy ra xung đột mới”. Klaus Fuchs có lẽ cũng chia sẻ ý nghĩ này.

Ngoài ra, Fuchs đã gặp các đại diện của Liên Xô một tháng rưỡi sau khi Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại bắt đầu, cho thấy mong muốn đóng góp của ông vào cuộc chiến chống Đức Quốc xã. Sau khi đến Mỹ, làm việc từ năm 1943 đến năm 1946 tại một trung tâm bí mật ở Los Alamos, Fuchs tiếp tục cung cấp thông tin cho tình báo Liên Xô, cả những những thông tin mà chỉ Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh mới được thông báo. Kết quả là vào năm 1949, Liên Xô đã có thể thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên của mình, nó thực sự là một bản sao quả bom của Mỹ. Thoạt đầu, có vẻ như hành động của Fuchs là tội lỗi, và ngày nay nó có thể được coi là phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng trên thực tế, sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân ở Liên Xô đã góp phần vào việc đạt được sự ổn định chiến lược, giúp căng thẳng thế giới không leo thang thành chiến tranh lạnh.

Kế hoạch bị phá sản

Ngày nay, có thể tin chắc rằng sau vụ ném bom Hiroshima và Nagasaki, Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Liên Xô. Trong cuốn “Chiến thắng trong Chiến tranh Hạt nhân: Kế hoạch bí mật của Lầu Năm Góc”, Michio Kaku và Daniel Axelrod cho biết, từ cuối Thế chiến II cho đến vụ thử hạt nhân đầu tiên của Liên Xô, Mỹ đã phát triển 9 kế hoạch tấn công hạt nhân nhằm vào Liên Xô. Đặc biệt, một trong số chúng được dự tính khởi đầu ném bom vào lãnh thổ của Liên Xô vào năm 1957, sử dụng 300 quả bom hạt nhân.

Tại sao Mỹ không tấn công ngay? Thực tế là vào thời điểm đó họ đơn giản là không có đủ bom (năm 1948 kho vũ khí hạt nhân của Mỹ chỉ gồm 50 quả bom nguyên tử), cũng như máy bay ném bom để sử dụng chúng. Ngoài ra, rõ ràng Mỹ đã không lường được việc Liên Xô có thể tạo ra vũ khí hạt nhân của mình nhanh như thế nào. Vụ thử quả bom hạt nhân đầu tiên của Liên Xô đã loại bỏ thế độc quyền của Mỹ trong việc sở hữu loại vũ khí này. Kể từ đó, Washington không thể tấn công Liên Xô, vì sợ đòn tấn công hạt nhân trả đũa.

Và phần lớn công lao việc nhanh chóng vượt qua sự tụt hậu của Liên Xô thuộc về các chiến sĩ tình báo và những người cung cấp thông tin cho họ, bao gồm cả Klaus Fuchs, người mà chưa đầy một năm sau vụ thử bom hạt nhân của Liên Xô, đã bị đưa ra tòa án London và bị kết án 14 năm tù. Báo chí phương Tây gọi nhà khoa học này là “điệp viên nguy hiểm nhất thế kỷ”. Thời báo New York trong những ngày đó đã viết rằng, Fuchs đã giúp người Nga đẩy nhanh tiến độ giải quyết vấn đề nguyên tử trong 3 - 10 năm với chi phí thấp nhất có thể.

Sau khi được trả tự do sớm vào năm 1959, Klaus Fuchs chuyển đến CHDC Đức, nơi ông tiếp tục nghiên cứu khoa học. Ông đã được trao tặng những giải thưởng cao quý như Huân chương Karl Marx và Huân chương Hữu nghị của các dân tộc của Liên Xô. Loại bỏ độc quyền hạt nhân của Mỹ mà Fuchs đã giúp đẩy nhanh tiến độ, bom nguyên tử Liên Xô không phải là vũ khí gây chiến mà là vũ khí răn đe. Người Mỹ cuối cùng đã phải từ bỏ kế hoạch tấn công phủ đầu nguyên tử vào các thành phố của Liên Xô. Duy trì sự cân bằng về hạt nhân giữa hai siêu cường là cốt lõi của sự ổn định chiến lược trong suốt Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, theo tác giả Feklistov, “sau vụ thử thành công quả bom nguyên tử đầu tiên, các nhà khoa học hàng đầu của Liên Xô đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội Chủ nghĩa và các giải thưởng Stalin..., thì Klaus Fuchs nhận án tù và chỉ thoát án tử hình... Khi ông mất vào tháng 2/1988, trong một buổi lễ tang buồn, không có một đại diện nào của Liên Xô. Không những thế, không có một phần thưởng xứng đáng nào của Liên Xô trên bảng huân huy chương của người quá cố ngoài các phần thưởng của CHDC Đức.

Không có gì đáng để ngạc nhiên về hành vi của Viện sĩ Khariton, người đã từng theo chế độ “dân chủ” năm 1992 đã cố gắng cấm một tạp chí xuất bản nói về vai trò của lực lượng tình báo trong sự phát triển và tạo ra lá chắn hạt nhân của Liên Xô/nước Nga? Tính ích kỷ, sự đố kỵ và việc tranh công đổ lỗi đang tiếp tục hủy hoại thế giới khoa học và sự nghiệp chung. Theo đánh giá của các ấn phẩm dành riêng cho ngày kỷ niệm vụ thử bom khinh khí của Liên Xô, những “truyền thống” này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Theo LÊ NGỌC / VOV