Độc đáo "Kinh Bản nguyện của Bồ Tát Địa Tạng" vừa được ấn tống

Google News

Cuốn "Kinh Bản nguyện của Bồ Tát Địa Tạng" được họa sỹ Lê Thiết Cương ấn tống dày 160 trang, cỡ 18x24cm, gồm 15 phụ bản của hai họa sĩ Bình Nhi & Lê Thiết Cương.

Cuốn sách "Kinh Bản nguyện của Bồ Tát Địa Tạng" được họa sĩ Lê Thiết Cương ấn tống sau khi ngồi đọc, chép, tụng Địa Tạng Kinh, ông mới chợt nhận ra, các bản kinh mà ông có đều nhiều lỗi đánh máy, lỗi câu, ngữ pháp, cách dùng các dấu của tiếng Việt chưa hay. Người thiết kế, in ấn, gia công sau in không phải là người tụng, đọc kinh. Sách xấu đã đành, mà rất khó để đọc/tụng.
Doc dao
 Cuốn sách "Kinh Bản nguyện của Bồ Tát Địa Tạng" được bản dịch của Hòa thượng Thích Tuệ Hải và trưng bày 15 phụ bản in trong sách của hai họa sĩ Ngô Bình Nhi và Lê Thiết Cương tại Tầng 3 – Phòng nghệ thuật/ Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 65 Nguyễn Du, Hà Nội.
“Ấn tống” trong đạo Phật thường được dùng với hàm ý chỉ những kinh điển, tài liệu Phật pháp được in ra để tặng, biếu, cho, không bán. Theo lý giải của họa sỹ Lê Thiết Cương, khi làm công đức, thì dù 1 xu hay 1000 đồng đều là một hành động đẹp. Bằng toàn bộ vốn hiểu biết qua sự đọc, họa sỹ Lê Thiết Cương muốn đóng góp vào công việc biên tập lại toàn bộ nội dung bản Kinh một cách chi tiết, tỉ mỉ, cẩn thận nhất có thể. Sau đó, anh sẽ công đức “file” nội dung đã biên tập kỹ càng đó cho các nhà chùa để có thể lan tỏa đến những ai muốn tìm hiểu, cũng như dùng cho việc xuất bản tác phẩm trong những lần tiếp theo. 
Họa sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ, ông là một người mộ đạo. Năm 2020, ông làm triển lãm và cuốn sách cùng tên Kinh Gốm. Ông chọn những câu thơ Thiền (Việt Nam) hoặc những câu kinh điển của nhà Phật viết lên lọ, đĩa gốm kèm minh họa. Ví dụ: “Có thì có tự mảy may / Không thì cả thế gian này cũng không” - Từ Đạo Hạnh; “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” – Trần Nhân Tông làm cảm hứng cho những bức tranh. Những câu này ngắn gọn nhưng chứa đựng những tư tưởng lớn, giản dị mà sâu sắc.
Còn với những tác phẩm gốm thì chọn những câu “Thực tướng vô tướng”, “Phật sinh bất nhị”…Hoặc một vại sành ghi câu “Phiền não tức bồ đề”. Nếu thế gian này không còn tâm phiền não, chỉ có toàn vui vẻ, hạnh phúc thì chả cần tâm bồ đề, chả cần Bồ tát và Phật cũng “thất nghiệp”.
Năm 2016, ông thiết kế bìa cuốn “Kinh Kim Cương – Gươm báu cắt đứt phiền não”, bản dịch và bình chú của Thích Nhất Hạnh, do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ phối hợp với Công ty sách Phương Nam thực hiện.
"Và mùa thu năm nay 2024. Hữu duyên, tôi ấn tống cuốn Kinh Địa Tạng này. Cuốn Địa Tạng Kinh này tôi quyết định chọn hình thức sách mỹ thuật (art book). Từ thiết kế đến phụ bản tranh, chọn giấy ruột, giấy bìa đến biên tập… đều hướng đến một cuốn sách – kinh đẹp", họa sỹ Lê Thiết Cương cho hay.
Vậy là sau "Kinh Gốm" 4 năm, "Địa Tạng Kinh" là cuốn sách thứ 2 trong Tủ sách Văn hóa Phật giáo của Gallery39.

Cuốn "Kinh Bản nguyện của Bồ Tát Địa Tạng" dày 160 trang, cỡ 18x24cm, gồm 15 phụ bản của hai họa sĩ Bình Nhi & Lê Thiết Cương. Ruột in 4 mầu trên giấy form kem nhập khẩu định lượng 150gsm và bìa cứng trên giấy Ivory 250gsm. Sách do NXB Tôn giáo cấp phép, Gallery39 phát hành, Liên Việt in.

Ngày 5/10/2024, cuốn "Kinh Bản nguyện của Bồ Tát Địa Tạng" đã chính thức được ra mắt. Ngoài tranh phụ bản, tại buổi lễ ra mắt ấn phẩm, ban tổ chức còn trưng bày một số tác phẩm tượng Phật của gia đình họa sĩ Lê Thiết Cương.
Mai Loan