Rutger Bregman cho rằng nếu con người thực sự có thể tin tưởng lẫn nhau, có đủ can đảm để chuyển sang một cái nhìn thực tế, hi vọng hơn về bản chất con người, thì chúng ta cũng có thể chuyển sang một kiểu xã hội rất khác - và xây dựng những trường học, nơi làm việc rất khác hiện tại.
Bản chất của con người vốn ích kỷ, hung hăng và dễ hoảng loạn. Đó là những điều mà nhà sinh vật người Hà Lan Frans de Vaal gọi là lý thuyết vỏ ngoài: văn minh chỉ là một lớp vỏ bọc ngoài mỏng manh, dễ biến mất trước khiêu khích dù nhỏ nhặt nhất.
|
Sách "Nhân loại – Một lịch sử tràn đầy hi vọng" của Rutger Bregman lọt top sách bán chạy nhất của New York Times. |
Hàng chục các nhà tư tưởng, lãnh đạo lớn trên thế giới trong nhiều lĩnh vực từ lịch sử, tâm lý, triết học đến kinh tế học và các tiểu thuyết gia… qua nhiều thời kỳ cũng ủng hộ hoặc có chung cái nhìn u ám như vậy về bản chất của nhân loại.
Nhiều nghiên cứu lịch sử điển hình được công bố đã chứng minh điều đó, ví như: lịch sử suy tàn của Đảo Phục sinh, những thảm họa của Thế chiến 2, thí nghiệm Hang Robber, thí nghiệm nhà tù Stanford, thí nghiệm máy sốc điện của Stanley Milgram…
Chống lại những tiếng nói đông đảo đó, chỉ có số ít các nhà tư tưởng như Jean- Jacques Rousseau cho rằng: “con người về bản chất là tốt”. Ông cho rằng trước khi có quan lại, vua chúa, con người ở trong trạng thái tự nhiên tự do hoàn toàn, tốt lành, khỏe khoắn, giàu lòng trắc ẩn. Còn giờ đây con người trở nên biếng nhác, yếu đuối, đa nghi và tư lợi.
Trước hai luồng tư tưởng, trong phần đầu cuốn sách “Nhân loại – Một lịch sử tràn đầy hi vọng”, Bregman đưa độc giả vào hành trình lần lại lịch sử tiến hóa của con người từ lý thuyết tiến hóa của Darwin, giả thuyết của trí thông minh của Machiavelli, Yuval Noah Harari, Richard Dawkins… đến các kết quả khảo cổ học cùng những nghiên cứu làm sáng tỏ nguồn gốc của nhân loại của nhóm các khoa học do Dmitri Belyaev đứng đầu… ông thấy rằng con người tiến hóa dựa vào sự tồn tại của những cá thể thân thiện nhất!
Tiếp đó ông dẫn dắt độc giả kiểm tra lại các tài liệu ít được công bố của các nghiên cứu, sự thật từ các nhân chứng trong các sự kiện điển hình, với câu hỏi: liệu chúng có thật sự thuyết phục rằng bản chất con người là xấu xa hay không. Và những điều Bregman khám phá được khiến hết thảy độc giả đọc cuốn sách đều bật ngửa: rất nhiều thông tin, kết quả thí nghiệm đã được điều hướng và bóp méo cho phù hợp với lý thuyết vỏ ngoài, phục vụ mục tiêu cho các tổ chức, cá nhân hám lợi, tiếp tục củng cố cái nhìn xám xịt về bản chất con người.
Những người cai ngục trong thí nghiệm nhà tù dưới tầng hầm Đại học Stanford thực tế không tàn ác như nhóm nghiên cứu của Philip Zimbardo công bố. Các tư liệu hậu trường đã chứng tỏ họ thực hiện những các hoạt động tra tấn dưới sự hướng dẫn, điều khiển của Zimbardo. Tương tự như vậy, những người tham gia thí nghiệm ấn nút máy sốc điện người khác của Stanley Milgram cũng ấn nút dưới sự chỉ đạo, thậm chí ép buộc của Milgram…
Thông qua hàng loạt các dẫn chứng, phân tích đầy sức thuyết phục, Rutger Bregman khẳng định: con người là những sinh vật phức tạp, có những mặt tốt và cả những mặt không tốt, vấn đề là chúng ta hướng đến mặt nào. Thiện tính vẫn tồn tại trong sâu thẳm đa phần nhân loại, và trong những biến cố lớn của xã hội, con người có thiên hướng mạnh mẽ hướng về sự lương thiện của mình.
Vậy có thể giải thích tại sao với những thảm họa không thể nào chối cãi trong lịch sử của con người như thảm họa diệt chủng người Do Thái của phát xít Đức, các tội ác của các tổ chức khủng bố người Hồi giáo... Với 3 chương trong phần 3 của cuốn sách “Nhân loại – Một lịch sử tràn đầy hi vọng”, tác giả Bregman chỉ ra: lãnh đạo của các tổ chức khủng bố cũng như Adolf Hitler, Joseph Goebbels có tiểu sử tâm lý đặc biệt, là ví dụ kinh điển của chứng rối loạn nhân cách ái kỷ, thèm khát quyền lực; trong khi đó sự thấu cảm che mờ lý trí chính là lý do khiến những người lính Đức đã chiến đấu không mệt mỏi đến tận cuối thế chiến thứ hai. Sự khai sáng cũng góp phần gây ra những thảm họa này.
Bregman viết “10.000 năm trước rắc rối bắt đầu. Từ lúc chúng ta bắt đầu định cư ở một nơi, tích cóp của cải riêng, bản năng nhóm của chúng ta không còn vô hại nữa. Kết hợp với tình trạng khan hiếm và hệ thống tôn ti trật tự, nó trở nên vô cùng độc hại. Và một khi các thủ lĩnh bắt đầu nuôi dưỡng quân đội để phục vụ mệnh lệnh thì không còn gì ngăn cản những tác động của tha hóa quyền lực nữa.
|
Cuốn sách đã được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. |
Trong thế giới mới của những người nông dân và chiến binh, thành phố và nhà nước, chúng ta đứng giữa một đường kẻ mỏng manh giữa sự thân thiện và tâm lý bài ngoại. Chúng ta khao khát cảm giác thuộc về nhau, và chọn cách xua đuổi những người bên ngoài. Chúng ta cảm thấy thật khó để từ chối những thủ lĩnh của mình thậm chí ngay cả khi họ khiến chúng ta rơi vào những sai lầm của lịch sử. Các cuốn sách lịch sử đã ghi chép lại vô số các cuộc tàn sát của người Do Thái, La Mã, Hung nô, Vandal, Công giáo, Tin lành và còn nhiều nữa. Chỉ những cái tên là thay đổi còn cơ chế thì vẫn y nguyên: một khi được truyền cảm hứng bởi tình bằng hữu và những kẻ rối loạn nhân cách có thế lực và sách động, con người sẽ làm những việc kinh khủng nhất với nhau.”
Không phủ nhận các mặt tích cực của thời kỳ khai sáng (giúp tạo ra chủ nghĩa tư bản, nền dân chủ và pháp trị, giúp thế giới trở nên giàu có, an toàn và lành mạnh hơn hẳn trước kia), nhưng tác giả Bregman cũng chỉ ra những mặt tối của nó: chủ nghĩa tư bản có thể trở nên điên cuồng như kẻ khát máu, những người rối loạn nhân cách chống đối xã hội có thể nắm quyền lực, sau đó gây ra các thảm họa, và xã hội do luật lệ cùng giao thức chi phối không xem trọng cá nhân.
Hiện tượng này khiến Bregman lo lắng khi nghĩ đến hiệu ứng phản dược: có những điều sẽ trở thành sự thật bởi chúng ta có niềm tin mạnh mẽ vào chúng, và chủ nghĩa bi quan sẽ trở thành niềm tin tự ứng nghiệm. Khi các nhà kinh tế học hiện đại cho rằng con người vốn ích kỷ, họ ủng hộ các chính sách cổ vũ cho lối hành xử nhằm phục vụ bản thân. Khi các chính trị gia thuyết phục bản thân rằng chính trị là một trò chơi quyền lực, nó sẽ trở thành hiện thực. Ông đặt câu hỏi: Liệu mọi thứ có trở nên khác đi không nếu một thiết chế vận hành trên một quan điểm hoàn toàn khác về con người: sự tử tế, thiện lương?
Trong phần còn lại của cuốn sách “Nhân loại – Một lịch sử tràn đầy hi vọng”, tác giả Bregman đưa ra nhiều câu chuyện thành công trong quản lý doanh nghiệp, giáo dục, thậm chí cả quản lý nhà tù dựa trên sự tin tưởng vào con người. Ông chứng minh hoàn toàn có thể xây dựng một nền dân chủ mới dựa trên sự tin tưởng vào thiện tính tốt đẹp của con người. Và ông cho rằng, nếu nhân loại muốn giải quyết những thách thức lớn của thời đại – biến đổi khí hậu, mất niềm tin nơi con người – chúng ta buộc phải làm như vậy.
Nhận xét về cuốn sách, Frans de Waal, người đã đưa ra lý thuyết vỏ ngoài, viết: “Nhân loại- Một lịch sử tràn đầy hy vọng” là cuốn sách thể hiện một cách tổng quan sâu sắc về quan điểm vốn sai lầm rằng: con người chúng ta có bản chất xấu xa và không đáng tin cậy. Bằng những lập luận và câu chuyện sinh động, Rutger Bregman đưa chúng ta trở lại với những thí nghiệm tranh cãi nuôi dưỡng ý tưởng này, đồng thời cho chúng ta một cái nhìn lạc quan hơn về nhân loại”.
Trong khi đó, tác giả Grace Blakeley viết: “Đây là cuốn sách nên được càng nhiều người đọc càng tốt – chỉ khi con người thay đổi quan điểm về nhân loại, thì họ mới có thể bắt đầu tin vào khả năng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”.
“Nhân loại - Một lịch sử tràn đầy hy vọng” nằm trong danh sách sách bán chạy nhất của New York Times, nằm trong danh sách 50 cuốn sách phi hư cấu xuất sắc nhất năm 2020 của tờ Washington Post, và lọt vào danh sách đề cử của Giải thưởng Andrew Carnegie năm 2021. Cuốn sách đã được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.
Bregman là nhà sử học và nhà văn nổi tiếng ở Hà Lan. Ông đồng thời là tác giả của cuốn sách bán chạy trước đó là “Utopia – Hành trình xây dựng xã hội với tầm nhìn xa”.
Thuỳ Liên