Nếu phát xít Đức còn thời gian hoàn chỉnh Horten Ho 2-29, máy bay ném bom tàng hình đáng gờm này có thể xoay chuyển cục diện trên chiến trường, gây thiệt hại đáng kể đối với phe đồng minh.
Ho 2-29 được đánh giá là một trong những phương tiện vũ khí thể hiện những tiến bộ về công nghệ của phát xít Đức trong Thế Chiến 2, bên cạnh xe tăng chiến đấu chủ lực Panzer và tên lửa đạn đạo V-2.
|
Horten Ho 2-29 là mẫu máy bay ném bom vượt trội về công nghệ trong Thế Chiến 2.
|
Kể từ năm 1943, phát xít Đức đứng trước những thất bại to lớn trên chiến trường. Oanh tạc cơ tàng hình Ho 2-29 ra đời với hy vọng là vũ khí hiện đại giúp Hilter đảo ngược tình thế.
Các máy bay ném bom Đức luôn chịu thiệt hại nặng khi đối đầu với tiêm kích Spitfire có tốc độ và sự linh hoạt cao của Anh. Tư lệnh không quân Đức Hermann Goering yêu cầu các kỹ sư chế tạo loại máy bay ném bom mới theo đúng tiêu chuẩn "1.000, 1.000, 1.000". Có nghĩa là máy bay ném bom có khả năng mang bom nặng 1000 kg, tầm hoạt động hơn 1000 km với tốc độ 1000 km/h.
Hai anh em phi công người Đức Reimar và Walter Horten đề xuất mẫu thiết kế dạng "cánh bay" mà họ tin rằng sẽ đáp ứng được các thông số kỹ thuật mà Thống chế Goering yêu cầu.
|
Ho 2-29.
|
Phần thân máy bay được làm từ thép cán. Máy bay được thiết kế để trang bị động cơ BMW 003. Ý tưởng độc đáo nhất là việc Reimar Horten muốn phủ một lớp hỗn hợp gồm bột than và keo dán gỗ lên máy bay.
Horten cho rằng kết hợp với bề mặt góc cạnh, lớp phủ đặc biệt này sẽ giúp chiếc máy bay ném bom gần như vô hình trước radar đối phương. Vào đầu thập niên 1980, Mỹ cũng đã dùng công thức tương tự để chế tạo chiếc máy bay tàng hình mang tên F-117A Nighthawk.
Tháng 3.1944, nguyên mẫu Ho 2-29 đầu tiên được bay thử nghiệm. Máy bay đã thể hiện tốc độ vượt trội, phạm vi hoạt động lớn hơn bất kỳ máy bay nào chế tạo trước đó. Tháng 3.1945, nguyên mẫu thứ 3 được chế tạo với kích thước lớn hơn, động cơ tạo ra lực đẩy mạnh hơn 10%. Máy bay cũng được trang bị 4 khẩu pháo 30 mm và 2 quả bom nặng 500 kg.
|
Anh em kỹ sư người Đức Reimar và Walter Horten.
|
Ý tưởng về máy bay ném bom tàng hình nhằm xoay chuyển cục diện chiến trường của phát xít Đức trở nên dở dang khi quân Đồng minh tràn qua sông Rhine. Quân đội Mỹ sau đó lập chiến dịch Paperclip, thu giữ các nghiên cứu quân sự Đức để tránh rơi vào tay Liên Xô, trong đó có nguyên mẫu Ho 2-29 V3.
Năm 2008, dựa trên thiết kế của anh em nhà Horten và nguyên mẫu duy nhất còn lại, nhà thầu quốc phòng Mỹ Northrop Grumman đã chế tạo một oanh tạc cơ Horten Ho 2-29 với kích thước tương đương nguyên bản, sử dụng vật liệu và công nghệ thời thế chiến II với chi phí 154.000 USD và 2.500 giờ chế tạo.
|
Ho 22-9 được nhà thầu quốc phòng Mỹ Northrop Grumman chế tạo lại năm 2008.
|
Ông Tom Dobrenz, chuyên gia công nghệ tàng hình và là người đứng đầu dự án Horten nhận định các cuộc thử nghiệm ngày nay cho thấy thiết kế tân tiến của máy bay tạo ra có lợi thế đáng kể khi gặp radar đối phương.
"Thiết kế của máy bay khiến khoảng cách bị phát hiện giảm xuống 20% so với các máy bay khác của thời đó". Theo các kết quả thử nghiệm, radar Anh của thời Thế chiến II sẽ phát hiện Horten ở khoảng cách 129 km so với 160 km như các phi cơ cùng thời khác.
Với tốc độ gần 1.000 km/h, thời gian để Ho 2-29 tiếp cận London từ khi bị phát hiện chỉ mất 8 phút. Thời gian này là đủ để máy bay Đức ném bom trước khi các tiêm kích Spitfires kịp thời xuất kích đánh chặn.
|
Máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit của Mỹ đạt tốc độ ngang với nguyên mẫu Horten Ho 2-29 của phát xít Đức.
|
"Nếu phát xít Đức có đủ thời gian phát triển máy bay này, chúng có thể tạo ra những thay đổi lớn đối với cục diện chiến trường thời điểm đó", Peter Murton, chuyên gia hàng không từ Bảo tàng Chiến tranh Đế quốc ở Duxford, Cambridgeshire nói trên Daily Mail.
"Trên lý thuyết, thiết kế kiểu cánh bay rất hiệu quả giúp hạn chế tối đa lực cản, giúp đạt vận tốc rất lớn trong khi thực hiện các động tác bổ nhào và bay lượn với tầm hoạt động đáng kể".
Dù vậy, Ho 2-29 vẫn chưa được thiết kế hoàn chỉnh để có thể sản xuất đại trà. Việc không có cánh đuôi khiến máy bay bị giảm độ chính xác khi thực hiện nhiệm vụ ném bom và không chiến trên bầu trời.
Theo nhận định của nhà sử học nổi tiếng George Cully, trong giai đoạn cuối Thế Chiến 2, phát xít Đức đã cạn kiệt phi công, xăng dầu và cả thời gian.
Theo Đăng Nguyên/Khám Phá