Trong thời gian qua, một số trường hợp được ghi nhận có bàn chân đặc biệt được cho là giống người Giao Chỉ. Trong số này, bà Nguyễn Thị Huyên (86 tuổi, xã Nghĩa Dõng, thành phố Quảng Ngãi) có các ngón chân bè ra, cong về một hướng. Khi bà đứng, 2 ngón chân cái chạm vào nhau.
Theo bà Huyên, đặc điểm "khác thường" ở đôi chân xuất hiện từ lúc bà chào đời. Càng lớn, các ngón chân cong vào trong, 2 ngón cái chạm nhau. Khi quan sát đôi bàn chân của bà, một số người nhận định đặc điểm này giống bàn chân người Giao Chỉ, một bộ phận người Việt cổ cách đây hàng nghìn năm.
|
Bà Nguyễn Thị Huyên có bàn chân đặc biệt được cho là giống người Giao Chỉ. Ảnh: Dân trí. |
Tương tự bà Huyên, một trường hợp khác cũng có đôi bàn chân giống của người Giao Chỉ được nhiều người biết đến là cụ Nguyễn Đình Phương (xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Vào năm 2016, cụ bước sang tuổi 105 và trở thành người sống thọ nhất tỉnh. Với đôi bàn chân khổng lồ và 2 ngón cái tõe ra mang đặc trưng của bàn chân người Giao Chỉ, cụ Phương chưa bao giờ có thể đi một đôi dép tử tế. Ngay cả đôi dép cỡ to nhất cũng không ôm hết bàn chân "đặc biệt của cụ. Do đó, đôi dép mà cụ Phương đi phải đục lỗ để cho ngón chân thò ra ngoài.
Đây là hai trong số ít những người có bàn chân giống người Giao Chỉ. Theo các nhà nghiên cứu, những người có bàn chân đặc biệt này hầu hết có sức khỏe tốt, sống rất thọ.
Theo sách "Việt Nam sử lược" của học giả Trần Trọng Kim, nước Văn Lang thời các Vua Hùng chia làm 15 bộ, trong đó bộ Giao Chỉ thuộc vùng Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ ngày nay. Thời gian qua có nhiều ý kiến, luận giải về nguồn gốc tên Giao Chỉ. Trong đó có một cách giải thích khá đơn giản nhưng được nhiều người tán thành. Đó là chỉ có nghĩa ngón chân cái. Khi đứng thẳng, đặt hai bàn chân cạnh nhau, 2 ngón chân cái cong, giao nhau nên gọi là giao chỉ.
Tâm Anh (TH)