Những ngày tháng chúng tôi có mặt tại Xín Mần (Hà Giang) là những ngày mưa tầm tã. Mưa rừng khiến con đường trơn trượt. Cái chân không muốn bước. Suốt dọc đường đi, lúc xa lúc gần, chỉ có tiếng nước đổ ầm ầm từ các sườn núi dựng dốc đứng làm bầu bạn.
Bản Díu là một trong bốn xã vùng biên của huyện Xín Mần: Bản Díu, Pả Vầy Sủ, Chí Cà và Ma Lì Sán. Có một điều ngẫu nhiên trùng hợp: Xín Mần là huyện có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, thì xã nghèo nhất nước cũng nằm ở chót cùng cực bắc này, xã Pả Vầy Sủ.
Theo sự dẫn đường của đồng chí bộ đội biên phòng (đồn biên phòng Xín Mần), chúng tôi tìm đường xuống nhà trưởng bản Lùng Seo Phô. Xín Mần vừa xong mùa thu hoạch lúa, đang cho ruộng nằm nghỉ chờ nước trời mới làm vụ mới, lại vướng cơn mưa nên già làng Lùng Seo Phô đang ở nhà.
Ngôi nhà sàn gỗ cổ kính, cửa sổ trổ quay ra vườn, và đó cũng là chỗ duy nhất lấy được ánh sáng trời. Con dâu của già làng Phô đang nấu rượu. Cái thạp nấu rượu bằng hai chiếc nồi nhôm lớn chồng lên nhau, được trít kín bằng đất thổ nhào với lá chuối rừng giã nát, chỉ chừa một cái lỗ nhỏ cho chiếc vòi bắc vào cái chai hứng rượu. Dưới ánh lửa hồng từ chiếc bếp đang lựng củi, hai má cô đỏ ửng, tựa như có cả hơi rượu nước mới đang ủ cả vào da…
Già làng Lùng Seo Phô đăm chiêu khi nghe chúng tôi hỏi về tục chọn trưởng bản kế nhiệm bằng cách xem chân gà vì thế chân gà được coi như báu vật của người La Chí. Người La Chí khá cẩn trọng với khách lạ. Thế nhưng, khi đã quen cái mặt, cái tên, đã ngồi quây quần bên bếp lửa để uống chén rượu mời của chủ nhà, thì không còn sự cẩn trọng ban đầu ấy nữa.
Theo lời của già làng Lùng Seo Phô, bản Díu có 4 thôn: Na Lũng, Diễn Thượng, Diễn Hạ, Ngăn Lìn với đa số là người La Chí có lịch sử hàng trăm năm ăn đời ở kiếp cùng mảnh đất vùng biên viễn này.
|
Già làng Lùng Seo Phô và những chiếc chân gà bí ẩn dùng để chọn trưởng bản kế nhiệm - một phong tục hàng trăm năm của người La Chí đất Xín Mần. |
Người La Chí chăm chỉ, hiền lành, yêu lao động và giữ cái rừng như giữ ngôi nhà của mình, không bao giờ dám chặt một cái cây, bẻ một nhánh cành. Lý do - dưới sự nhẩn nha cắt nghĩa lý giải của trưởng bản, vì rừng được phân cho từng thôn quản lý. Mỗi khu rừng được chia, đều có một ngày lễ cúng rừng vào đầu tháng 3 hằng năm, đồng thời trưởng bản đưa ra hình thức kỷ luật, người nào chặt cây sẽ phải đền cho làng 50kg thóc, phải giết trâu, thịt bò mời cả 4 thôn đến cho bản phạt vạ. Và quan trọng hơn nữa, đấy là mỗi một cánh rừng đều được bảo vệ bằng những huyền thoại linh thiêng.
Người trưởng bản đứng đầu, ngoài việc chăm lo thờ cúng và giữ gìn đức tin cho cả bản, còn có nhiệm vụ trông giữ rừng.
Người La Chí chọn trưởng bản bằng truyền thống do ông cha để lại từ hàng trăm năm nay: không kể người trưởng bản đó làm được bao nhiêu năm, nhưng nếu gia đình ông trưởng bản đương nhiệm ấy có việc hiếu (đám tang) người thân trong nhà, thì cả bản sẽ đứng ra chọn người thay thế.
Việc xem mặt chọn trưởng bản mới được thông qua việc lấy một đôi chân gà ngẫu hứng, "nghe" đôi chân gà ấy đưa ra những thông tin về người kế nhiệm. Nếu là tin tốt, cả bản sẽ chọn người đó!
Già làng Lùng Seo Phô cho chúng tôi xem chiếc rương đựng 100 đôi chân gà được cất kỹ trên gác bếp. Hơn 100 đôi chân gà ấy đã được truyền giữ qua nhiều đời trưởng bản, đến đời già làng Lùng Seo Phô là thứ 13.
Già làng từ tốn: Không có gì bí mật ở đôi chân gà này cả, và cũng không có bất cứ một sự mê tín dị đoan nào ẩn giấu trong cách lựa chọn đó. Đôi chân gà dùng để xem và chọn trưởng bản kế nhiệm, là phần xương đùi trên của con gà sống khỏe mạnh, đẹp mã. Nó được cất trong rương (chiếc bồ đan bằng tre) để lên gác bếp. Dưới sức nóng của bếp lửa người La Chí không bao giờ tắt, những chiếc xương đùi ấy được bảo quản tốt, không có bất kỳ con mối mọt nào có thể xâm hại.
Thủ tục của lễ chọn trưởng bản kế nhiệm được tiến hành trong đám lễ cúng ở đền thờ thần rừng của người La Chí. Một đôi chân gà được người sắp được chọn làm trưởng bản kế nhiệm lấy ngẫu nhiên từ 100 đôi chân gà trong chiếc rương. Người chủ trò (chủ lễ tế) sẽ kiểm đôi chân gà ấy, xem những cặp lỗ trên chiếc chân gà có trùng khớp và thẳng hàng nhau không. Nếu chân gà thẳng, không cong queo, và những chiếc lỗ trùng nhau, thẳng hàng - ấy là điềm tốt của thần rừng ưng người kế nhiệm.
Dưới ánh sáng hắt vào từ cánh cửa sổ trổ ra vườn, già làng Lùng Seo Phô biểu diễn cho chúng tôi cách xem chân gà. Già làng Phô "diễn" chậm rãi, thận trọng, gương mặt thành kính, tôn nghiêm. Hơn một trăm đôi chân gà đẹp nhất, được cột với nhau bằng mây rừng thành từng cặp, theo thời gian, và dưới hơi nóng của bếp lửa, đã lên nước vàng óng, rắn đanh.
Người được cả bản tín nhiệm giao giữ chiếc rương chân gà này, phải là người có đức độ, được cả bản mến trọng, gia đình nền nếp, và cả hai ông – bà đều phải song toàn. Nếu có bất cứ người thân nào trong gia đình bị mất, việc trông giữ chiếc rương ấy sẽ được chuyển cho người khác. Vì lẽ đó, chiếc rương chân gà là báu vật của người La Chí, được gìn giữ như gia bảo của cả dòng tộc.
|
Lễ hội tình yêu của người La Chí. |
Ngôi đền thờ đầu trâu giữ rừng cấm
Men theo con đường chuột chạy len lỏi giữ rừng già, chúng tôi tìm đến ngôi đền thờ thần rừng và cũng là thờ vua Gia Long – ông vua của người La Chí.
Ngôi đền khác hẳn với sự tưởng tượng của chúng tôi. Nó được làm bằng đất nện, nhỏ như một ngôi nhà cấp 4, rất dễ tưởng lầm đó là nếp nhà dân bình thường.
Trước, ngôi đền được lợp bằng gỗ pơ-mu. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, sau khi người dân tu sửa ngôi đền đã thay thế nó bằng tấm lợp prô-xi-măng.
Bên trong ngôi đền hết sức sơ sài. Bệ thờ chính được đắp bằng đất nằm chính giữa ngôi đền. Hai bên tả - hữu là hai bệ thờ nhỏ hơn. Bài vị bằng đá, được chạm khắc bằng ký tự cổ.
Trưởng bản Lùng Seo Phô than phiền: Trước, ở bệ chính có pho tượng đồng. Thế nhưng, nó đã bị kẻ xấu đánh cắp, khi người ta rộ lên phong trào đi đánh cắp cổ vật. Mặt khác, ngôi đền nằm giữa rừng già nên không có người bảo vệ.
Ngôi đền là biểu hiện linh thiêng của người La Chí. Trừ ngày lễ vào tháng 3 hằng năm, những ngày khác, không có bất kỳ ai được phép ra vào ngôi đền này.
Hai bên vách ngôi đền treo những chiếc đầu trâu còn để nguyên cặp sừng. Tại Xín Mần, tại những bản làng người La Chí, tục thờ đầu trâu giữ rừng là một phong tục riêng, không có tộc người nào có.
Cùng với nhiều truyền thuyết, những cánh rừng già trên cực Bắc Tổ quốc được người La Chí gìn giữ bằng đức tin và những truyền thuyết.
Trưởng phòng Văn hóa huyện Xín Mần, bà Nguyễn Thị Minh Lý cho biết: Những phong tục, tập quán của người La Chí đã được Tiến sỹ Vi Văn An, Viện Dân tộc học dày công về đây nghiên cứu. Nó thể hiện đời sống tâm linh và bề dày văn hóa của một tộc người nơi cực Bắc Tổ quốc.
Ngoài phong tục cúng thần Rừng, thần Nước hàng năm, người La Chí còn có lễ hội cúng thần tình yêu – khoảnh khắc để những người trai, người gái không đến được với nhau khi còn sống, sẽ được kết đôi khi đã hóa những linh hồn.
“Những bí ẩn đó không chỉ ẩn chứa những điều kỳ bí, mà nó còn mang tính nhân văn sâu sắc của một nền văn hóa trong đời sống tâm linh của tộc người La Chí” – bà Lý cho hay.
Giữa sương mù và núi cao, những huyền thoại của người La Chí ẩn giấu dưới những cánh rừng, đã trở thành điều hối thúc những người lần đầu tiên đến với Xín Mần, và chưa bao giờ biết về đời sống tinh thần của người La Chí nơi địa đầu Tổ quốc.