Giải mã ngôi mộ vô trùng ở Trung Quốc

Google News

Năm 1968, trong khi đào hầm tránh bom tại Trường Sa, Hồ Nam (Trung Quốc), các nhân công vô tình phát hiện một khu lăng mộ khổng lồ.

Đó là nơi an nghỉ của Tể tướng Lí Cương (? - 186 TCN) và vợ ông, Phu nhân Tân Truy (217 - 168 TCN). Dù đã trải qua 2.100 năm, thi thể của bà Tân Truy vẫn hệt như chỉ vừa mới mất, nguyên vẹn đến mức được ví như “công chúa ngủ trong rừng”.
Giai ma ngoi mo vo trung o Trung Quoc
Mộ phần đa lớp là một phần của kỹ thuật bảo quản thi thể vĩnh viễn. Ảnh: Ancient-origins.com 
Xác ướp không phân hủy
Theo tư liệu lịch sử của Trung Quốc, bà Tân Truy (辛追) sinh trưởng trong thời Tây Hán (206 - 9 TCN), kết hôn với ông Lí Cương và có 1 con trai. Đương thời, bà Tân Truy có cuộc sống rất vương giả. Với địa vị phu nhân thừa tướng, bà được tôn kính và hưởng ưu đãi hàng đầu, có thể còn có cả ban nhạc riêng phục vụ cho nhu cầu giải trí cá nhân.
Phải hai năm sau khi phát hiện lăng mộ ông Lí Cương, giới khảo cổ Trung Quốc mới tiến hành khai quật khu vực. Ngay khi mở quan tài Tân Truy, họ vô cùng ngỡ ngàng vì cơ thể bà Tân Truy vẫn nguyên vẹn như chỉ mới vừa nhắm mắt xuôi tay.
Gương mặt bà còn nguyên làn da mềm mại, sống mũi cao, đường nét môi tươi tắn. Mái tóc thật bên dưới mái tóc giả của bà, lông mi, lông mũi vẫn còn, ngay cả màng nhĩ cũng rõ ràng, vân tay, vân chân không bị mờ đi. Da thịt khắp người bà đàn hồi tốt, các khớp cử động được.
Khám nghiệm tử thi cho thấy, tất cả các cơ quan nội tạng của bà Tân Truy đều chưa bị phân hủy. Đến dây thần kinh mỏng như sợi tóc cũng còn rõ nét, mạch máu sinh động, có cục máu đông trong tĩnh mạch. Chúng cho phép pháp y chẩn đoán nguyên nhân tử vong của bà là đau tim, do béo phì, ít vận động và ăn kiêng quá độ.
Trong hệ thống tiêu hóa của bà Tân Truy chứa 138 hạt dưa. Có vẻ như, bà lên cơn đau tim và tắt thở sau khi ăn trái cây này chỉ trong vòng 1 – 2 giờ. Ngoài tim mạch yếu, bà còn mắc một loạt các bệnh khác như tiểu đường, cholesterol cao, bệnh gan, sỏi mật… Chúng khiến sức khỏe của bà dần sa sút, cuối cùng qua đời ở tuổi 50.
Ngôi mộ vô trùng
Phần mộ của bà Tân Truy nằm ở độ sâu 12m so với mặt đất, chia 2 phần chính. Bên trong là cỗ quan tài 4 lớp, còn bên ngoài là không gian đặt đồ vật táng kèm.
Lớp ngoài cùng của quan tài 4 lớp sơn màu đen tượng trưng cho cái chết và âm phủ, mặt trong vẽ cảnh tượng liên quan thế giới bên kia. Lớp thứ 2 cũng sơn màu đen nhưng vẽ hoa văn mây cách điệu, thần tiên, linh thú và hình bán thân của một phụ nữ đang hướng tới không gian linh thiêng này.
Lớp thứ 3 sơn màu đỏ tượng trưng cho sự bất tử, vẽ họa tiết thánh vật, núi Côn Lôn. Lớp thứ 4 quấn lụa, trên mảnh lụa gắn lông vũ màu đen và màu vàng. Tín ngưỡng Trung Quốc thời Tây Hán cầu nguyện cho người chết có thể hóa phượng hoàng bay lên trời và bất tử. Những chiếc lông vũ trên lớp quan tài trong cùng của Tân Truy chắc là đại diện cho mong muốn này.
Bên trong quan tài, thân thể Tân Truy được quấn 20 lớp lụa và ngâm trong 80l chất lỏng có tính axit nhẹ và chứa magie. Giữa các lớp quan tài, người ta lèn chặt bằng đất sét trắng.
Sàn mộ cũng được lót một lớp đất sét trắng nhão và dày. Với 4 lớp gỗ dày được gia cố bằng đất sét trắng đặc quánh, quan tài của bà Tân Truy vô cùng kín nên không khí không thể lọt qua. Vì thế mà vi khuẩn sống bên trong không chỉ không thể chui ra bên ngoài, mà còn sớm bị chết vì thiếu khí oxy.
Đất đắp mộ của bà Tân Truy được chia làm 3 lớp, sát với quan tài 4 lớp là khoảng 5 tấn than bọc kín 5 mặt (trừ phần đáy); tiếp đến là lớp đất sét dày gần 1m rồi tới lớp đất đá. Chúng đóng vai trò như bộ lọc khuẩn, ngăn chặn không cho vi khuẩn bên ngoài xâm nhập đến quan tài.
Sự kết hợp giữa quan tài 4 lớp và đất đắp mộ 3 lớp mang tính ngăn chặn vi khuẩn cao khiến cho mộ phần của bà Tân Truy không khác gì lăng mộ vô trùng. Quanh năm suốt tháng, các lớp đất sét trắng nhão giữ cho nhiệt độ bên trong quan tài mát lạnh, duy trì độ ẩm và ngăn chặn toàn bộ các loài vi khuẩn gây phân hủy nên thân xác bà được bảo quản vĩnh viễn.
Ngoài bảo vệ thi thể, cấu trúc mộ phần của bà Tân Truy còn nhân tiện bảo quản các táng vật. Thời Tây Hán, văn hóa mai táng Trung Hoa coi trọng sự công phu và xa hoa. Càng là nhân vật quyền quý, lăng mộ càng lớn và nhiều táng vật giá trị.
Bà Tân Truy được an táng cùng hơn 1.000 đồ vật, bao gồm tủ trang phục với hơn 100 bộ quần áo lụa, 182 tạo tác sơn mài, 162 tượng người gỗ, 30 chiếc hòm tre và vài chụp hộp gốm đựng thóc, đậu, củ sen, lê, chà là, thịt lợn, thịt nai, thịt bò, cá, trứng…
Trong số các táng vật này, giàu giá trị lịch sử nhất có lẽ là bộ sưu tập sơn mài bao gồm đĩa, bát, khay, bình hoa, chậu… được sơn bằng 2 màu đen và đỏ đậm. Chúng vẫn mới tinh như thể vừa ra lò.
Mặc dù được cho là tác nhân chính bảo quản thi thể bà Tân Truy, nhưng hệ thống phần mộ đa lớp có khả năng chưa phải là tất cả. Một số nhà khảo cổ cho rằng, nó phải được kết hợp với tác nhân phụ là 80l chất lỏng có tính axit nhẹ và chứa magie. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực phân tích và tìm hiểu, họ vẫn chưa tìm ra nguồn gốc cũng như thành phần cốt yếu của chất lỏng này.
Trong bán kính vài trăm dặm xung quanh phần mộ của bà Tân Truy, các nhà khảo cổ Trung Quốc khai quật được một số ngôi mộ có thi thể được ngâm ướp trong chất lỏng tương tự như bà. Tuy nhiên, sau khi đem đi phân tích, họ nhận ra mỗi ngôi mộ lại có một kiểu chất ngâm ướp khác nhau nên càng thêm rối trí.
Theo Thy An/Giáo dục và Thời đại