GS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai: “Nữ tướng” tuyên chiến với virus tử thần ở VN

Google News

Khi dịch SARS xảy ra, các con còn nhỏ nhưng GS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai đã phó thác tất cả cho người thân để cùng các cộng sự đối mặt với nguy hiểm.

GS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương là người dẫn đầu nhóm khoa học đã phân lập thành công một chủng virus SARS-CoV-2 mới, đưa Việt Nam trở thành một trong 4 quốc gia đầu tiên phân lập thành công virus này vào năm 2020.
PGS.TS. Le Thi Quynh Mai: “Nu tuong” tuyen chien voi virus tu than o VN
GS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai 
Việc này cũng góp công để Việt Nam sớm sản xuất test xét nghiệm nhanh cho các trường hợp nhiễm, nâng khả năng xét nghiệm hàng nghìn mẫu bệnh phẩm mỗi ngày trong trường hợp cần thiết, giúp cho nghiên cứu về độc lực của virus này trên người Việt Nam, đặc điểm lây nhiễm, nhằm điều trị và chống dịch hiệu quả.
Đối đầu với SARS và COVID -19
Năm 2003, dịch SARS bùng phát gây, reo rắc nỗi sợ hãi khắp nơi. Thời điểm đó, Việt Nam là nước đầu tiên thông báo với Tổ chức Y tế thế giới về căn bệnh mới với triệu chứng viêm phổi không điển hình, tiến triển nhanh và lây truyền mạnh, tỷ lệ tử vong cao.
Cũng thời điểm đó, nữ tướng Lê Thị Quỳnh Mai mới 36 tuổi, các con còn rất nhỏ. Nhưng trước nhiệm vụ cấp bách, bà đã giao con cho người thân để cùng đồng nghiệp, các bậc đàn anh, đàn chị lao vào cuộc chiến nguy hiểm.
Gần 20 năm sau thành công trong cuộc chiến đương đầu với tử thần SARS, với cương vị “thuyền trưởng”, nhóm nghiên cứu 11 thành viên do GS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai lại bước vào cuộc chiến mới mà bà gọi là nhiệm vụ "bất khả kháng" nhưng cũng là khát khao chinh phục cái mới trong hành trình nghiên cứu khoa học.
GS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai kể, tối 22/1, tức 28 Tết Canh Tý, thời điểm có ca nghi nhiễm đầu tiên tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho đến nay, bà  và các cộng sự đã không còn biết đến ngày nghỉ.
"Ngày 30 Tết rồi ngày mùng 1 Tết vẫn phải quay cuồng cùng nhau ở Viện để canh hệ thống hoạt động. Nói thật, tất cả chỉ cầu mong sao cho nó chạy êm. Lúc bấy giờ chính là thời khắc căng thẳng nhất", bà chia sẻ.
6/2, Viện nhận gần 600 mẫu bệnh phẩm gửi về, sau đó Viện đã làm và có kết quả để trả hơn 500 mẫu. Công việc gấp ba lần mọi khi.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là phải giải trình tự được con nCoV này, để có đầy đủ thông tin về chính nó. Từ đó mới so sánh để xem là giữa chủng ở Trung Quốc với chủng virus phát hiện thấy ở Việt Nam có bị biến đổi gì không? Vì virus biến đổi liên tục. Theo nguyên tắc, virus sau nhiều lần nhân bản sẽ bị khác đi một tý, thành ra, các bệnh từ virus mới rất khó đoán”, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai giải thích.
Ngày 7/2, ê kíp của bà phân lập thành công virus SARS-CoV-2. Đó là lúc "vỡ òa" khi hiển hiện trước mắt hình dạng con virus corona chủng mới đang làm cả thế giới hoang mang.
Thông tin được công bố khiến ngành y trong nước và thế giới hết sức vui mừng, nó không chỉ giúp Việt Nam mà còn tạo điều kiện cho các quốc gia quan tâm có tiền đề để nghiên cứu các liệu pháp điều trị, phát triển các bộ kit chẩn đoán đặc hiệu và sản xuất vaccine sau này.
Công việc thầm lặng
GS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai kể, nghiên cứu về virus là công việc vô cùng vất vả.
Đầu tiên là môi trường làm việc đầy nguy hiểm bởi phải thực hiện trong phòng thí nghiệm An toàn sinh học cấp 3, áp suất âm- đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Đây là nơi thực hiện những thao tác xét nghiệm trên các mầm bệnh nguy hiểm mà không lo nó phát tán ra môi trường bên ngoài.
"Khi vào phòng này, các nghiên cứu viên được bảo hộ kỹ lưỡng để ngăn ngừa phơi nhiễm. Bộ quần áo bảo hộ không nặng nhưng mặc vào sẽ có cảm giác như đang xông hơi, không dễ chịu chút nào. Đeo khẩu trang N95 thì phổi phải tập yoga cực khỏe mới chịu được. Nếu làm việc trong phòng thí nghiệm 2 tiếng là phải đeo máy thở, rất nặng, vặn vẹo người còn khó", GS.TS Quỳnh Mai kể.
PGS.TS. Le Thi Quynh Mai: “Nu tuong” tuyen chien voi virus tu than o VN-Hinh-2
 "Hiện tại, tôi chỉ ước ao được mặc váy. Chiếc váy mua để diện Tết vẫn treo một góc vì những ngày này phải mặc quần áo để chạy cho nhanh”.
Không chỉ nguy hiểm mà còn là thời gian cho công việc. Bất cứ ai theo nghề này đều phải xác định, mỗi khi xảy ra dịch bệnh họ sẽ phải dành trọn thời gian, tâm sức cho công việc. Nếu các y, bác sĩ được ví như những người lính nơi tuyến đầu thì người làm dịch tễ giống như người lính ở tuyến sau, hậu thuẫn bằng việc nghiên cứu điểm yếu của kẻ địch và hỗ trợ phương án tác chiến.
“Vào lúc công việc căng thẳng nhất, tôi thậm chí còn chẳng dám hỏi thăm nhân viên của mình bố trí con cái, gia đình ra sao. Có lẽ, họ cũng như tôi, sẽ phải tự thu xếp tất cả vì công việc quá cấp bách mà xã hội đang đòi hỏi”, GS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai tâm sự.
Bà kể, hầu hết các nữ nghiên cứu làm việc bên cạnh bà đều đã lập gia đình: "Tôi mừng lắm vì làm việc ở Phòng thí nghiệm khó có cơ hội quen biết với người khác giới. Công việc lặng lẽ, khả năng giao tiếp xã hội không giỏi. Những người chấp nhận lấy vợ ở làm việc ở nơi nguy hiểm như thế này đều xứng đáng được phong là anh hùng bởi bất cứ lúc nào vợ cũng có thể làm việc qua đêm ở Phòng thí nghiệm, ngày thường giờ giấc cũng lung tung, thời gian dành cho gia đình, chồng con không nhiều. Những thành tích mà chúng tôi có được phải chia cho bạn đời đến 80%, mình chỉ dám nhận 20% thôi".
GS.TS. Lê Thị Quỳnh Mai cùng cộng sự đã được trao Giải thưởng Kovalevskaia vào năm 2019. Ngoài ra, bà còn là 1 trong 5 nhà khoa học Việt Nam trong danh sách 100 nhà nghiên cứu xuất sắc nhất Châu Á năm 2021 do Tạp chí Asian Scientist - tạp chí khoa học uy tín hàng đầu Châu Á công bố.

Mời độc giả xem video: Khách sạn 5 sao ở Việt Nam thuộc về ai?. Nguồn: VTV24.


Sơn Hà