Cuối những năm 1950, đầu những năm 1960, Liên Xô đi đầu trong cuộc đua chinh phục vũ trụ. Điều đó có nghĩa là, đối thủ tiềm tàng của Washington đã sở hữu tên lửa và công nghệ tiên tiến hơn. Chương trình vũ trụ “Luna” (“Mặt trăng”) của Liên Xô, được phương Tây gọi là Lunik, càng như “đổ thêm dầu vào lửa” trong cuộc đua chinh phục không gian. Những vụ phóng tàu vũ trụ trong khuôn khổ chương trình này được Liên Xô tiến hành từ năm 1958 đến năm 1976. Vụ phóng thành công đầu tiên diễn ra vào năm 1959. Ngày 4-10 năm đó, Liên Xô đã phóng trạm liên hành tinh tự đông “Luna-3”. Đây là trạm đầu tiên truyền về Trái đất những bức ảnh chụp vùng tối của Mặt trăng.
Người ta cho rằng, thực tế trạm liên hành tinh tự động “Luna-3” chính là nguyên nhân gây ra cuộc chạy đua vũ trụ giữa Liên Xô và Mỹ. Sau thành công của trạm liên hành tinh Liên Xô, Hoa Kỳ đã thành lập Cơ quan Hàng không và Vũ trụ (NASA) và Cơ quan Nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA), đồng thời tăng ngân sách tài trợ cho các chương trình vũ trụ và công nghệ. Khi đó, giới tình báo Hoa Kỳ bắt đầu thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến chương trình vũ trụ của Liên Xô và những vệ tinh Mặt trăng.
Liên Xô công bố thắng lợi cho toàn thế giới
Năm 1959 là năm thắng lợi của ngành vũ trụ Liên Xô. Trạm liên hành tinh tự động “Luna-3” đã làm được điều mà nhiều người không thể ngờ tới, đó là chụp những bức ảnh ở vùng tối của Mặt trăng. Trong khi đó, phía Mỹ còn chưa gặt hái được thành quả nào trong việc đưa vệ tinh lên Mặt trăng.
Đây là một đòn giáng vào tinh thần và lòng tự tôn quốc gia. Mỹ đã hiểu ra tầm quan trọng của những phát minh Liên Xô đối với khoa học thế giới, cũng như đối với tất cả giới nghiên cứu vũ trụ. Đồng thời, Washington cũng lo ngại rằng, Liên Xô đã sở hữu những tên lửa và công nghệ vượt trội hơn Hoa Kỳ.
Việc Mỹ tụt lại phía sau trong cuộc đua chinh phục vũ trụ là lý do khiến nước này xây dựng chương trình đặc biệt CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ). Tình báo Mỹ đã nghiên cứu mọi thông tin về chương trình vũ trụ của Liên Xô mà họ tiếp cận được. Thậm chí, họ còn quan tâm đến cả ngày phóng vệ tinh, bởi Hoa Kỳ cần biết để điều chỉnh ngày phóng của mình nhằm đạt được thế “ngang hàng với đối thủ”.
Điều quan tâm đặc biệt đối với CIA, giới quân sự và kỹ sư Hoa Kỳ là những vệ tinh và trạm vũ trụ của Liên Xô. Và người Mỹ đã gặp may trong việc này. Năm 1958, Liên Xô bắt đầu chương trình triển lãm quy mô lớn những thành tựu trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và văn hóa. Năm 1959, một cuộc triển lãm như vậy đã diễn ra tại New York, còn tại Moskva cũng diễn ra triển lãm tương tự do phía Mỹ tổ chức.
Các cuộc triển lãm do Phòng thương mại Liên Xô tổ chức theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 13-1-1958. Đây là chương trình có quy mô rộng khắp. Chỉ trong vài năm, các cuộc triển lãm đã diễn ra thành công tại hàng chục quốc gia trên thế giới. Nhận được sự quan tâm lớn đối với những thành công của chương trình vũ trụ Liên Xô, Moskva đã quyết định phô trương cho toàn thế giới biết về hình ảnh tích cực của Nhà nước Xô viết, thông qua việc tổ chức những cuộc triển lãm thành tựu khoa học và kỹ thuật. Riêng trong năm 1961, Liên Xô đã tổ chức tổng cộng 25 cuộc triển lãm ở nước ngoài.
Điều gây ngạc nhiên lớn cho phía Mỹ là Liên Xô mang đến một số cuộc triển lãm này không phải mô hình, mà là mẫu trạm vũ trụ tự động thật của dự án “Luna”, dù không đầy đủ bộ phận hoàn chỉnh. Ban đầu người Mỹ nghĩ rằng, các cuộc triển lãm sẽ chỉ trưng bày mô hình. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngay lập tức nhận định, Liên Xô có thể sẽ trưng bày hàng thật, bởi vì nước này rất tự hào với chương trình vũ trụ của mình. Cuối cùng, điều này đã diễn ra đúng như vậy.
Chiến dịch “Bắt cóc vệ tinh Lunik”
Biết được Liên Xô sẽ đưa đến trưng bày tại triển lãm vệ tinh Mặt trăng thực sự, CIA đã chuẩn bị và tiến hành chiến dịch nghiên cứu vệ tinh này. Chắc chắn đây là phiên bản thử nghiệm, giống gần như hoàn toàn với bản gốc. Nhận định này được ghi lại trong một báo cáo cho biết mã số thiết bị dự kiến đem đi trưng bày.
Bài báo có nhan đề “Bắt cóc vệ tinh Lunik” năm 1967 đã được Sydney Wesley Thinner đăng trên Tạp chí ngành của CIA. Trong đó, một phần thông tin vẫn được giữ bí mật, nhiều đoạn trong bài báo vẫn che giấu đối với độc giả. Tại Mỹ, tài liệu về chiến dịch này cũng được đăng trên Tạp chí khoa học thường thức “Popular Science” năm 2015, có dẫn nguồn tư liệu trên chính trang điện tử của CIA.
Hiện vẫn chưa rõ gián điệp Mỹ tiếp cận vệ tinh Liên Xô trong cuộc triển lãm nào và tại nước nào. Một số người phỏng đoán rằng, đó có thể là tại Mexico, nơi triển lãm diễn ra từ ngày 21/ 11 đến 15/12/1959. Người Mỹ đã chụp ảnh lại tất cả các mặt của vệ tinh mà họ gọi là “Lunik” trong thời gian được trưng bày tại triển lãm. Họ nghiên cứu cấu trúc bên ngoài và hình thù thiết bị, nhưng những thông tin này bất kỳ ai đến tham quan triển lãm cũng đều tiếp cận được. Điều thú vị hơn nhiều là những gì nằm bên trong vệ tinh. Tuy nhiên, việc tiếp cận vệ tinh là không hề đơn giản, bởi liên tục 24/24 luôn có chuyên gia Liên Xô bảo vệ cẩn mật.
Phương án duy nhất có thể tiếp cận được vệ tinh mà CIA đưa ra là đánh cắp vào thời điểm vận chuyển từ thành phố này sang thành phố khác. Các điệp viên Mỹ nhận được thông tin về việc vận chuyển sau khi biết được rằng, vệ tinh sẽ được đưa bằng ô tô đến nhà ga đường sắt rồi sau đó cho lên tàu hỏa. Việc bắt cóc vệ tinh sẽ được tiến hành trước khi dỡ hàng tại nhà ga.
Theo kế hoạch, vệ tinh sẽ bị đánh cắp trong đêm rồi được tháo ra nghiên cứu, lắp lại toàn bộ và đóng vào thùng, sau đó buổi sáng sẽ chở đến nhà ga giao cho bên tiếp nhận để chuyển tới thành phố tiếp theo. Người Mỹ lên kế hoạch xếp vệ tinh lên xe ô tô như là lô hàng cuối cùng được đưa ra khỏi khu vực triển lãm. Theo dõi và tin chắc rằng, các chuyên gia và đặc vụ Liên Xô không đuổi theo xe tải, người Mỹ bắt đầu hành động.
Các điệp viên Mỹ cải trang thành người dân địa phương rồi dừng đỗ xe ngay trước nhà ga đường sắt. Họ áp giải tài xế xe tải đến khách sạn, sau khi phủ vải bạt lên thùng xe xong, họ đưa chiếc xe đến bãi xe cũ gần nhất, rồi chọn vị trí khuất sau một bức tường rào cao 3m nhằm tránh người ngoài phát hiện.
Trong báo cáo được công bố không có lời nào nói đến việc các điệp viên CIA ép buộc tài xế xe tải chạy đến khách sạn. Có thể họ đã mua chuộc người lái xe này. Trong khi đó, rõ ràng là tài xế đã không bị giết, vì ngay buổi sáng sau hôm đó anh ta còn lái xe tải đến gần toa tàu hỏa trước khi xếp hàng lên. Hơn nữa, bảo vệ tại nhà ga đã tiếp nhận toàn bộ hàng hóa chuyển đến và đánh dấu những chiếc thùng. Tuy nhiên, danh sách hàng hóa, gồm cả việc hàng hóa để ở thùng nào, cũng như thời gian cụ thể chuyển hàng đến thì người bảo vệ này lại không có.
Các điệp viên CIA không tin kế hoạch của họ sẽ thành công. Họ mất nửa giờ chờ đợi gần chiếc xe tải đã bị đưa đi và chỉ khi chắc chắn rằng, không có ai theo dõi thì họ mới bắt đầu ra tay. Chiến dịch này của họ vẻn vẹn chỉ có 4 người tham gia. Họ cố gắng tháo nắp thùng ra mà không để lại bất kỳ dấu vết nào trên thùng gỗ. May mắn là thùng gỗ trước đó đã nhiều lần mở ra đóng vào, nên những tấm gỗ đã có những vết trầy. Vì thế, không ai có thể nhận ra những vết xước thêm trên đó.
Lúc đó có hai người mở thùng, hai người còn lại trong nhóm chuẩn bị máy chụp ảnh. Thiết bị vũ trụ nằm bên trong thùng có kích thước dài 20 feet, rộng 11 feet và cao 14 feet (tương đương 6,1 х 3,35 х 4,27 m). Nó thực tế chiếm hết toàn bộ không gian bên trong thùng đựng, đến nỗi rất khó để di chuyển một cách thoải mái. Điều kỳ lạ là, trong báo cáo đặc biệt cho rằng, các điệp viên Mỹ đã cởi giày để đi lại bên trong thùng.
Sau khi tháo được vệ tinh ra dưới ánh sáng đèn pin, họ tha hồ chụp lại cấu tạo bên trong của thiết bị vũ trụ. Mặc dù bên trong không có động cơ, nhưng tại vị trí đó có những giá đỡ lắp ghép, két đựng chất ôxy hóa và các két nhiên liệu cho phép các chuyên gia biết được thông số và công suất của thiết bị. Sau khi nghiên cứu kỹ và chụp ảnh bên trong xong, trong đó có cả những linh kiện điện tử, các điệp viên Mỹ tiến hành lắp ráp trở lại mà không lấy đi bất kỳ một chi tiết nào.
Đáng chú ý, trong khi hành động, họ đã phải vặn ra gần 130 con ốc đầu bốn cạnh và làm giả một con dấu niêm phong của Liên Xô. Chiến dịch bắt đầu lúc 19 giờ 30 tối hôm trước và kết thúc gần 5 giờ sáng hôm sau, khi vệ tinh đã được lắp lại hoàn toàn và được đặt lại như cũ trong thùng đóng kín trên xe tải. Tài xế sau đó được gọi đến và lái chiếc xe đến nhà ga, nơi anh ta chờ bảo vệ quay trở lại đến 7 giờ để bàn giao thùng hàng được chuyển đến.
Theo kết quả xử lý thông tin nhận được, người Mỹ nhận thấy rằng, trước mặt họ là vệ tinh Mặt trăng thứ 6 được chế tạo (có thể đây là thiết bị E-1A số 6 chưa bao giờ được phóng đi). Những thông tin thu thập được cũng giúp cho CIA nhận dạng 3 nhà sản xuất thiết bị cho chương trình vũ trụ của Liên Xô, đồng thời xác định được nhiều chi tiết khác, mà giá trị của chúng đối với chương trình vũ trụ Mỹ vẫn còn chưa biết đến hoặc còn che giấu trong báo cáo.
Theo Quân đội nhân dân