"Một phụ nữ muốn viết văn cần có tiền và một căn phòng riêng”

Google News

Tại sao là đàn ông, chứ không phải phụ nữ, luôn nắm giữ quyền lực và danh tiếng? Chìa khoá mở cánh cửa đến tự do, theo Woolf, đó là: thu nhập và căn phòng riêng

Cuốn sách "Căn phòng riêng" của Virginia Woolf được xuất bản năm 1929, dựa trên hai bài giảng của bà vào năm 1928 tại Newnham College và Girton College, Cambridge. Woolf đã nói lên tình trạng của phụ nữ, và đặc biệt là các nữ nghệ sĩ, trong bài luận nổi tiếng này, bà quả quyết rằng một phụ nữ phải có tiền và một căn phòng riêng, nếu cô muốn viết văn.
Woolf tôn vinh sáng tác của các nữ tác giả, bao gồm Jane Austen, George Eliot, và chị em nhà Brontes. Trong phần cuối cùng của cuốn sách, Woolf cho rằng khối óc siêu việt nhất là khối óc lưỡng tính. Theo bà, muốn có tự do trí tuệ phải có tự do tài chính, và bà khẩn nài độc giả của mình hãy viết không chỉ văn chương hư cấu mà cả thơ, phê bình, và các công trình học thuật khác.
 Tác phẩm "Căn phòng riêng" của Virginia Woolf. 
Cuốn sách mỏng này được hình thành từ loạt bài thuyết trình của Virginia Woolf tại hai trường Newham College và Girton College, hai trường cao đẳng dành cho phụ nữ tại Đại học Cambridge, xoay quanh chủ đề “Phụ nữ và tiểu thuyết” năm 1928. Vào cái thời phụ nữ muốn vào thư viện của trường đại học cần phải có thư giới thiệu hoặc người có uy tín đi kèm, những luận điểm của Virginia Woolf thực sự có tính chất công phá lớn.
Cuốn sách "Căn phòng riêng" không chỉ mô tả tình thế của các nhà văn nữ ở thời kỳ mà người phụ nữ phải chấp nhận nhiều sự bất bình đẳng xã hội, cũng không đơn thuần làm nhiệm vụ phê bình, đánh giá lại vị trí của các tiểu thuyết gia nữ - những đại diện thường bị xem là bộ phận thứ yếu cấu thành nên diện mạo của nền văn học Anh.
Nó đặt ra một câu hỏi then chốt: Liệu các nhà văn nữ có thể sáng tạo nên những tác phẩm tầm vóc như của Shakespeare không? Đó không đơn giản là một câu hỏi có tính chất giả định; nó là một đề nghị thử nhìn nhận lại vai trò, vị trí và năng lực của phụ nữ trong việc sáng tạo nên những giá trị văn hóa của nhân loại. Để làm được điều đó, cần phải thoát khỏi những định kiến vẫn được xem là đương nhiên, tự nhiên đối với người phụ nữ.
"Căn phòng riêng" được xem là cuốn sách đầu tiên đặt nền móng cho trường phái phê bình nữ quyn luận trong văn học.  
"Căn phòng riêng", bởi tính chất đặt vấn đề quan trọng của nó, đã được xem như là cuốn sách đầu tiên đặt nền móng cho trường phái phê bình nữ quyền luận trong văn học. Rộng hơn, nó được xem là một trong những cuốn sách khơi nguồn cho phong trào nữ quyền, vốn khởi phát từ phương Tây và ngày càng có sức lan tỏa rộng rãi, trở thành một khúc ngoặt văn hóa – khúc ngoặt nữ quyền (feminist turn), có thể nói như vậy – để dùng một thuật ngữ chỉ sự thay đổi động hình nhận thức của con người trong tiến trình tư tưởng.
Được manh nha từ cuối thế kỷ XIX – đầu thể kỷ XX tại Anh và Mỹ, nữ quyền luận dấy lên thành trào lưu gây được ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ bắt đầu từ thập niên 60 thế kỷ trước. Nó đấu tranh cho quyền tự do, bình đẳng của người phụ nữ, đòi hỏi mở ra một không gian xã hội rộng lớn hơn để người phụ nữ được can dự, định nghĩa lại về người phụ nữ, giải cấu trúc những biểu tượng định kiến về phụ nữ vốn thống trị nhận thức xã hội… Có thể thấy những chủ đề quan trọng đó của nữ quyền luận đều đã được Virginia Woolf gợi mở trong cuốn sách này.
 Cuốn sách cho thấy Virginia Woolf không chỉ táo bạo trong tư tưởng mà còn hết sức phóng khoáng, tự do trong bút pháp. 
Virginia Woolf được xem là một trong số những “tượng đài” kỳ vĩ của văn học hiện đại chủ nghĩa, bên cạnh tên tuổi của những James Joyce, Marcel Proust, Franz Kafka, William Faulkner...
Bằng sự độc đáo và niềm đam mê sáng tạo vô bờ bến, bản thân cuộc đời và sự nghiệp của Virginia Woolf đã trả lời cho câu hỏi về năng lực của người phụ nữ mà cuốn sách "Căn phòng riêng" đã nêu ra. Nó cho thấy một Virginia Woolf không chỉ táo bạo trong tư tưởng mà còn hết sức phóng khoáng, tự do trong bút pháp khi làm mờ đi ranh giới giữa tiểu luận và hư cấu, triết lý và tự sự.
Thùy Liên