Thiếu nơi đào tạo nâng cao cho các em
Được biết đến không chỉ là một nghệ sĩ nổi tiếng, mà ông còn là “thầy của những người thầy”. Trong sự nghiêp của mình, đâu là điều ông cảm thấy hạnh phúc nhất, thưa NSND Dương Minh Đức?
Tôi cho rằng, niềm hạnh phúc nhất của một người thầy, đó là có được những học trò giỏi giang, đạt được những thành tựu lớn. Trong sự nghiệp của mình, cũng có những dấu mốc, khiến tôi thấy rất vui, chẳng hạn như đoạt giải ba cuộc thi “Hoa cẩm chướng đỏ” được tổ chức ở Liên Xô (cũ)…
|
NSND Dương Minh Đức chia sẻ, được làm công việc giảng dạy là điều hạnh phúc nhất với ông. Ảnh: Mai Loan. |
Tuy nhiên, nếu nói về niềm vui, hạnh phúc nhất, thì phải là ở vai trò một người thầy, đặc biệt, khi được chứng kiến những thành công của học trò. Học trò của tôi, nhiều người hiện là nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, thậm chí, nhiều trò còn là nghệ sĩ ưu tú, nhân dân trước cả thầy (cười). Cũng có nhiều em giữ vị trí cao trong ngành của mình… Sự trưởng thành của các em là những niềm vui vô giá đối với tôi.
Từng là người đứng đầu một trường đào tạo nghệ thuật, và hiện giờ vẫn gắn bó, tâm huyết với công việc giảng dạy thế hệ trẻ, điều gì khiến ông còn tâm tư, trăn trở?
Tôi thấy, giờ nhiều sinh viên có tài năng, giọng hát rất tốt, nhưng quyết tâm, sự đầu tư thời gian cho việc học không được nhiều. Bởi các em phải đi kiếm tiền, lo toan cho cuộc sống. Ngoài ra, xã hội hiện giờ cũng có quá nhiều thứ hấp dẫn, chi phối tới các em. Điều đó dẫn đến việc, có thể hôm nay giọng hát “lên” được một chút, nhưng qua vài hôm bận, nghỉ, không rèn lại về như cũ.
Vì sao, hế hệ chúng tôi, U80 vẫn hát tốt? Đây là vấn đề tôi cho rằng rất quan trọng. Thời chúng tôi, cũng phải công bằng, là không có gì giải trí, chỉ cần được hát và chơi piano đã thích lắm rồi, cho nên, chúng tôi học rất kỹ. Và vì học kỹ như vậy nên sau này tuổi cao vẫn hát và dạy được.
Còn giờ, nhiều ca sĩ chỉ sau 30 tuổi là giọng hát mai một dần. Bởi kỹ thuật không đủ, không được trang bị kiến thức kỹ, và không được rèn luyện liên tục.Tôi lấy ví dụ, ngay cả những giọng hát được ví như ngôi sao… hiện tại rất rực rỡ, nhưng liệu U80 còn hát được không, có làm thầy được không?
Có thể các em cũng vẫn đi dạy được, nhưng sẽ như một nghệ nhân truyền nghề chứ không phải thầy dạy. Nghệ nhân có thể cực giỏi, nhưng chỉ là “cầm tay chỉ việc”, chứ không đủ kiến thức để dạy học trò. Đó là điều tôi thấy rất đáng tiếc.
Đặc biệt, còn một điều nữa, cũng làm tôi suy nghĩ nhiều, đó là hiện chúng ta vẫn thiếu những nơi đào tạo chuyên nghiệp cho những em nhỏ. Khi làm giám khảo các sân chơi âm nhạc, tôi phát hiện nhiều em hát rất hay, rất có tài năng, thậm chí rất giỏi so với độ tuổi còn quá nhỏ. Thế nhưng, đã từng có rất nhiều em xuất sắc như thế, sau vài năm gặp lại, vẫn không có sự phát triển nào.
Đó là bởi chúng ta chưa có hệ thống, chưa có sự kết hợp trong việc đào tạo. Ngoài ra, cũng còn liên quan đến rất nhiều phía, từ Sở, Phòng Giáo dục… Đây là điều rất đáng tiếc.
Có những tài năng bị bỏ sót
Hiện chúng ta vẫn có những trung tâm, câu lạc bộ dành cho các em nhỏ, vậy đào tạo chuyên nghiệp khác gì, thưa ông?
Đào tạo chuyên nghiệp cần có quy chuẩn, có trường lớp... Hiện nay, việc đào tạo dành cho các em nhỏ đang vừa thiếu, vừa không có quy chuẩn, chủ yếu là tự nhiên, bộc phát. Ở thành phố lớn, như Hà Nội, TP.HCM còn có một vài trung tâm, hoặc câu lạc bộ, còn các thành phố nhỏ, tỉnh lẻ hầu như không có, mà những nơi này chủ yếu cũng chỉ là chỗ vui chơi cho các em.
Đúng là trẻ em thì trước tiên cần phải được vui chơi, và làm cho các em thấy ham thích, tuy nhiên, chỗ chơi phải khác nơi đào tạo tài năng. Hiện tại, tôi thấy, hầu như tất cả các trung tâm, câu lạc bộ đều cào bằng giống nhau, cứ đóng tiền vào là được vui chơi. Nhưng khi phát hiện con có năng khiếu, các gia đình phải đi tìm thầy ở bên ngoài. Điều này cũng tốt, nhưng số lượng sẽ không được nhiều, và có những tài năng bị bỏ sót.
Lẽ ra ngay tại chính trung tâm, câu lạc bộ đó phải có một lớp nâng cao,“nhặt” được các em có năng khiếu để đào tạo, không phải để gia đình các em tự đi tìm như vậy.
Việc được định hướng, bồi dưỡng từ nhỏ sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với các em theo đuổi con đường nghệ thuật, thưa ông?
Thời xưa, thế hệ chúng tôi nếu không vào Nhạc viện thì không biết học ở đâu. Tuy nhiên, thời nay các em lại khác. Các em có thể học từ rất nhiều nơi, trong đó có mạng Internet, các em học hỏi, bắt chước rất nhanh. Những giọng hát hay, những dòng nhạc... các em đều biết. Các em có năng khiếu, có điều kiện, nếu chúng ta có được những sân chơi định hướng, rồi sau đó đào tạo, thì đó là điều rất tuyệt vời. Thực tế, nhiều giọng hát hay mà nhà trường tuyển sinh đã được phát triển, đào tạo từ nhỏ.
Làm thế nào để biết con thực sự có năng khiếu, tránh ngộ nhận, thưa ông? Thực tế, có những phụ huynh ép con học rất khắt khe, theo ý muốn của gia đình?
Tôi cho rằng, số phụ huynh đó cũng ít. Thực ra, việc dạy trẻ em cũng phải ép ở mức nhất định, chứ hiếm trẻ sẽ tự giác học. Và ép để con có thêm phông về văn hóa, nghệ thuật cũng rất tốt. Có điều là phương pháp như thế nào và tránh cực đoan. Việc này, cần phải có sự tư vấn của những người có chuyên môn, từ những nơi đào tạo nâng cao như tôi đã nói.
Nghệ thuật không thể “nhồi” trong thời gian ngắn
Đã có ý kiến cho rằng, học sinh Việt Nam hiện học nặng về kiến thức mà chưa được chú trọng đến phát triển các môn năng khiếu nghệ thuật, khiến các em chưa thực sự được phát triển toàn diện, phông văn hóa yếu. Ý kiến của ông thế nào?
Tôi cho rằng, một trong những mặt tích cực nhìn thấy được khi các con tham gia các môn nghệ thuật, đó là sự tự tin, phông văn hóa tốt. Gia đình nào có con đi học nước ngoài sẽ thấy, việc học sinh có năng khiếu, biết đàn, hát... được đánh giá rất cao, rất được trân trọng. Trong khi, ở ta chưa chú trọng điều này.
Thực tế, tôi thấy, trường nào có phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao... tốt thì bộ mặt của trường, không khí ở trường rất khác, các em yêu, muốn ở lại trường để được chơi, tham gia các phong trào. Còn nếu chỉ chú trọng ngày hai buổi đi học văn hóa, thậm chí học nhồi nhét... thì tâm hồn có thể bị “cùn” đi.
Tôi thấy không ít học sinh của ta giỏi văn hóa nhưng rất thiếu tự tin, làm gì cũng “rón rén”. Nhiều gia đình, khi con chuẩn bị đi học nước ngoài mới cấp tập lo “làm đẹp” hồ sơ cho con, nhưng nếu lên tới cấp 3 mới bắt đầu rèn từng nốt nhạc... thì sẽ rất khó. Nghệ thuật là thứ không thể nhồi được trong thời gian ngắn.
Để thay đổi điều này, cần bắt đầu từ đâu, thưa ông?
Tôi cho rằng, sẽ phải từ nhiều phía. Nhưng trước tiên là phải có thêm nhiều sân chơi cho các em. Hiện sân chơi để vui chơi còn thiếu, chưa nói là sân chơi nghệ thuật. Nhiều phụ huynh rất quan tâm tới sự phát triển toàn diện cho con, các em cũng rất hào hứng, nhưng vấn đề là không có nơi để cho con tham gia.
Các trường học cũng nên tạo điều kiện để các em có thêm những phong trào, được phát triển toàn diện.
Trân trọng cảm ơn ông!
NSND Dương Minh Đức sinh năm 1949. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, ông đã giành nhiều giải thưởng quan trọng như: Huy chương Vàng Hội diễn toàn quân năm 1972; Huy chương Vàng Cuộc thi tiếng hát chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980; Giải ba cuộc thi quốc tế mang tên “Hoa cẩm chướng đỏ” tại Liên Xô năm 1981 (có thể nói là nam nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam đoạt giải quốc tế thời điểm đó). Ông nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội.
Mời quý độc giả xem video: Ca khúc "Chiều trên bến cảng". Trình bày: Nghệ sĩ Dương Minh Đức. Nguồn: Youtube.
Mai Loan (thực hiện)