Nhiều câu chuyện trong văn hóa dân gian Trung Quốc đề cập đến Ngọc Hoàng. Các vị thần, con người và thậm chí cả động vật đều tuân theo mệnh lệnh của Ngọc Hoàng và được Ngọc Hoàng ban phúc.
Là người lãnh đạo tối cao trên "thiên đình" và là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên trong văn hóa dân gian Trung Quốc, Ngọc Hoàng là tiêu chuẩn mà tất cả các vị vua và nhà lãnh đạo Trung Hoa đều khao khát. Ông được phác họa người khôn ngoan, nhân từ và công bằng.
Những câu chuyện về Ngọc Hoàng thường nhấn mạnh những đức tính này, cũng như quyền lực của hoàng đế trên thiên đình.
Cho dù trực tiếp hành động hay ủy thác cho cấp dưới, Ngọc Hoàng đều sử dụng quyền hạn để cải thiện cuộc sống của nhân loại và duy trì trật tự trên thiên đình.
Tuy nhiên, những câu chuyện nổi tiếng nhất về Ngọc Hoàng không tập trung vào vai trò lãnh đạo của ông. Là một nhân vật trung tâm trong văn hóa dân gian Trung Hoa, Ngọc Hoàng xuất hiện trong nhiều câu chuyện thể hiện quan điểm trần tục, thậm chí mang tính giải trí hay về cuộc sống trên thiên đình.
Nguồn gốc của nhân vật Ngọc Hoàng
Theo trang mạng Mythology Source, văn hóa dân gian Trung Quốc cung cấp nhiều câu chuyện về nguồn gốc của Ngọc Hoàng.
Những câu chuyện phổ biến nhất kể rằng Ngọc Hoàng ban đầu cũng xuất thân là người trần.
Ngay cả khi là một người phàm, sức mạnh và tuổi thọ của Ngọc Hoàng cũng vượt trội so với người bình thường. Ngọc Hoàng lớn lên với tư cách là thái tử của một vùng đất thần thoại, nơi có khung cảnh hùng vĩ và ánh sáng lan tỏa rộng khắp.
Với tấm lòng nhân ái và là người thông minh, Ngọc Hoàng đã dành cả tuổi thơ để giúp đỡ những người khó khăn. Khi trở thành vua, Ngọc Hoàng đưa vương quốc trở thành nơi duy trì hòa bình và thịnh vượng. Tất cả những nhu cầu của người dân đều được đáp ứng.
Cứ như vậy, trải qua thời gian dài, Ngọc Hoàng không ngừng thăng tiến để đạt được cảnh giới giác ngộ cao nhất, trở thành vị thần bất tử.
Trong Tây Du Ký, xét về tu vi, Ngọc Hoàng đã khổ công tu luyện 1.750 kiếp mà mỗi một kiếp là 129.600 năm, như vậy, Ngài đã có 226.800.000 năm tu vi. Trong khi đó, Phật Tổ Như Lai chỉ có khoảng 1.000 năm tu vi tính từ lúc ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề đến khi đắc đạo thành Phật, đứng đầu Tây Thiên.
Trong một câu chuyện dân gian khác được truyền lại ở Trung Hoa qua hàng ngàn năm, Ngọc Hoàng là một quân nhân chứ không phải là hoàng tử.
Sau khi qua đời trong một trận chiến, Ngọc Hoàng tỉnh dậy ở thế giới bên kia và nhận thấy mình đứng trên bục chờ nhận vai trò mới. Khi người sắc phong chuẩn bị công bố tên người có vị trí cao nhất trong thiên đình, Ngọc Hoàng giả vờ không biết và tự nhận tước vị đó.
Trong một câu chuyện mang tính truyền thống hơn theo phong cách quý tộc, Ngọc Hoàng do một nữ hoàng sinh ra. Người mẹ sinh con trai sau một giấc mơ.
Vị hoàng tử trẻ rất tốt bụng và hào phóng với thần dân và là một nhà cai trị tốt khi lên làm vua. Tuy nhiên, Ngọc Hoàng đã từ bỏ ngôi vương chỉ sau một vài năm để theo đuổi những mục đích khác và dần dần đắc đạo để trở thành một vị thần bất tử.
Cũng có những ý kiến cho rằng, Ngọc Hoàng chưa từng sống cuộc đời của người phàm và đã là vị thần bất tử ngay từ khi thế giới hình thành. Nhưng không rõ Ngọc Hoàng là người tạo ra thế giới hay chỉ cai quản thế giới, theo quan niệm dân gian Trung Hoa.
Một khía cạnh về Ngọc Hoàng mà tất cả các truyện dân gian Trung Hoa đều mô tả giống nhau là Ngọc Hoàng sinh vào ngày đầu năm mới.
Ngọc Hoàng với tư cách là người đứng đầu thiên đình
Mặc dù Ngọc Hoàng thường được phác họa là một nhà lãnh đạo tốt bụng và chu đáo, nhưng đôi khi ông lại đề cập trên khía cạnh quyền lực. Đó là câu chuyện về cách Ngọc Hoàng trở thành người đứng đầu các vị thần.
Vào thời kỳ đầu, cả trời và đất đều bị tấn công gần như liên tục. Những con quái vật khủng khiếp gieo rắc sự chết chóc với nhân loại, còn ác quỷ tấn công thiên đình.
Ngọc Hoàng lúc bấy giờ là một vị tiên, không có quyền năng nào vượt trội. Ngọc Hoàng thất vọng vì không thể làm gì hơn để xoa dịu nỗi đau khổ của những người xung quanh.
Ngọc Hoàng ẩn mình trong một hang động biệt lập để thiền định và hoàn thiện kiến thức về Đạo giáo. Ngọc Hoàng sau đó vượt qua ba nghìn thử thách, mỗi thử thách kéo dài ba triệu năm.
Vào thời điểm này, một con quỷ mạnh mẽ đã xuất hiện với mong muốn thống trị cả trời và đất. Con quỷ tin chắc rằng không ai có đủ sức mạnh để khuất phục nó.
Các vị tiên đều cố gắng chống trả lại con quỷ nhưng bất thành. Khi con quỷ sắp trở thành người cai trị mọi tạo vật trên trời đất, Ngọc Hoàng tái xuất với quyền năng vô hạn, đánh bại những con quái vật và khôi phục nơi sinh sống cho con người.
Ngọc Hoàng sau đó thách thức con quỷ trong trận chiến một chọi một. Đó là một cuộc chiến khủng khiếp san bằng núi non, biển khơi và khiến Trái đất rung chuyển. Nhờ trí thông minh và hành động vì lòng nhân từ hơn là lòng tham, Ngọc Hoàng cuối cùng đã đánh bại con quỷ.
Thế lực bóng tối từ đó biến mất. Ngọc Hoàng trở thành người cai trị đầu tiên của loài người và cả thiên đình. Cũng có những ý kiến cho rằng, Ngọc Hoàng một ngày nào đó sẽ nhường ngôi vị cao nhất trên thiên đình cho một vị thánh khác, mà nhiều người tin rằng đó là Võ Thánh Quan Vũ - vị thần chiến tranh trong tín ngưỡng Trung Hoa, theo Mythology Source.
Trong thần thoại Trung Hoa, Ngọc Hoàng chiếm vị trí thống trị tối cao của cả trời và đất. Đây là vai trò trung tâm đối với nhiều tôn giáo trên khắp châu Á.
Vai trò của Ngọc Hoàng trong tín ngưỡng Trung hoa được cho là ảnh hưởng đến các tín ngưỡng văn hóa khác ở khu vực Á Đông. Trên thực, tế, hình tượng Ngọc Hoàng của người Trung Hoa cũng chịu ảnh hưởng từ văn hóa tâm linh của Ấn Độ.
Kết quả là hầu hết các nền văn hóa trong khu vực đều có một số phiên bản của một vị thần tối cao với vai trò tương tự như Ngọc Hoàng.
Trong số này có thể kể tới Indra - vị thần tối cao của đạo Hindu ở Ấn Độ, Haneullim (Thiên vương) - vị vua đầu tiên của Hàn Quốc, Tengri - vị thần của các dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ, Amaterasu - nữ thần tối cao của Nhật Bản và Nguyên Thủy Thiên Tôn - vị thần tối cao của Đạo giáo.
Theo Đăng Nguyễn/Người đưa tin