Đường phố Sài Gòn ngày nay vắng bóng những chiếc xích lô chở khách. Nhưng tại một tiệm trên đường Trần Phú, một người đàn ông ngoài tuổi 60 vẫn còn gắn bó với nghề sửa và làm ra những chiếc xích lô để trưng bày, xuất ngoại...
Chúng tôi gặp ông Hồ Tấn Phát, 62 tuổi, chủ một tiệm sửa và đóng mới xích lô ở Trần Phú (phường 9, quận 5, TP.HCM) vào buổi chiều, sau cơn mưa lớn.
|
Tiệm sửa xích lô của ông Hồ Tấn Phát. |
Tiệm của ông không lớn. Ngoài những tủ, thùng đựng phụ tùng và đồ nghề trong tiệm, ông còn có 2 chiếc xích lô mới toanh vừa ráp xong.
"Bây giờ xích lô không được phép hoạt động, anh đóng mới xe để làm gì?", tôi hỏi. Ông cho biết: "Những chiếc xe này không lưu hành ở Việt Nam đâu. Tôi có đơn hàng từ nước ngoài đặt xe xích lô bởi hiện nay, tại Sài Gòn số lượng xe xích lô chỉ đếm trên đầu ngón tay".
Đúng như lời ông Phát nói, tại Sài Gòn bây giờ số người sống với nghề xích lô không còn nhiều. Sự phát triển của các loại phương tiện vận tải công cộng như xe buýt, taxi, xe ôm nhanh chóng, tiện lợi và giá cũng rất cạnh tranh đã khiến xe xích lô dần lép vế.
|
Ông Phát đang tháo một bánh xích lô. |
Vừa trò chuyện, ông vừa cặm cụi làm việc. Trên tay ông, chiếc bánh xe xích lô vừa được tháo ra. Ông tẩn mẩn tháo rời từng bộ phận của bánh xe. Ông cho biết: "Cái thời vàng son của nghề xích lô qua lâu lắm rồi. Sau 1975, ở Sài Gòn phương tiện công cộng cho người bình dân chỉ có xe lam và xích lô.
Xe lam thì chạy theo lộ trình nên bị hạn chế. Xích lô thì chạy thoải mái nên thời điểm ấy đắt khách vô cùng. Có người mua được nhà tạo nên cơ nghiệp cũng nhờ vào chiếc xích lô. Một chiếc xe 2 người chia ra chạy đêm và ngày, giờ nào cũng có khách...
Chúng tôi là những người thợ sửa xích lô nên cũng được hưởng "lộc trời" từ đó. Chúng tôi không lúc nào rảnh vì xe hỏng, phải sửa rất nhiều. Nhiều tiệm sửa xích lô mọc lên như ở đường Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Trãi, Trần Quang Khải... vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.
Nhưng rồi năm 2008 thành phố có lệnh hạn chế xích lô và kêu gọi chuyển nghề. Ai có xích lô đem đến giao cho phường được hỗ trợ 5 triệu để tìm nghề khác mà làm. Từ đó, xích lô ít dần cho đến hôm nay thì số lượng không còn đáng kể.
Những người thợ sửa xe như chúng tôi cũng thưa thớt dần. Có lẽ giờ chỉ còn mình tôi gượng gạo với nghề... ".
Nói đến đây, giọng ông Phát chùng lại. Đôi mắt ông lãng đãng nhìn ra đường.
Ông kể, thời hoàng kim của xích lô, tôi vừa sửa xe cũ vừa đóng xe mới. Tôi còn nhớ giá hồi ấy, một chiếc xe tùy theo chất lượng có giá từ 8 chỉ đến 1 cây vàng.
Chiếc xe đóng mới, sau khi đem đi đăng ký lấy giấy và số xe để hoạt động phải mất 3 chỉ vàng. Như vậy, tính theo thời giá hiện nay thì một chiếc xích lô có giá khoảng 40 triệu đồng. Ấy vậy mà làm ra được chiếc nào hết ngay chiếc ấy", ông kể.
Ông Phát vốn xuất thân từ thợ sửa xe đạp, sau đó chuyển sang sửa xích lô. Sửa xe thu nhập không cao nên ông chuyển sang đóng xe mới để bán. Ông làm tất cả các công đoạn, từ uốn tuýp, hàn sườn và thùng xe rồi lắp ráp các bộ phận chuyển động.
Ông chia sẻ tiếp: "Tôi năm nay đã 62 tuổi, cái tuổi cần nghỉ ngơi nhưng tôi không nghỉ được. Mặt bằng này tôi thuê với giá 200 nghìn đồng/ngày vì vậy mỗi ngày tôi phải kiếm được hơn như thế mới đủ trang trải. Nhưng vẫn không đủ nếu không nhờ vào việc đóng mới xích lô".
Nói đến đây, ông dừng lại chỉ vào chiếc xích lô mới tinh dựng ở bên trong. "Xe này sắp xuất cảnh. Tôi bán nó với giá 13 triệu cho một Việt kiều ở Mỹ. Họ đặt hàng và sau đó tháo rời ra cho vào thùng gửi đi.
Theo đó, nhiều quán cà phê sân vườn, quán ăn... ở Mỹ dùng xích lô vào việc trưng bày để cho khách đến xem, nhớ lại một thời xa xưa ở quê nhà".
Tại Việt Nam, nhiều người đến đặt hàng đóng mới xích lô cũng với mục đích trưng bày. Cũng nhờ thế ông mới có đồng ra đồng vào.
Chiếc xe thô sơ ấy đã trải qua bao nhiêu năm tháng thăng trầm, nuôi sống biết bao gia đình giờ chỉ còn là vật kỷ niệm khiến ông Phát không khỏi nhói lòng.
Theo Trần Chánh Nghĩa/Vietnamnet