Ảnh minh họa.
Người Maya
Lâu đời nhất trong số này là người Maya, từng sống ở bán đảo Yucatan. Tên gọi của họ xuất phát từ thành phố Mayapan, một địa danh ở Yucatan thời cổ đại. Người Maya sống ở các làng nông nghiệp lẫn các thành phố ở Trung Mỹ từ gần 3000 năm trước (bắt đầu vào khoảng năm 250 Sau Công nguyên). Họ đã dựng nên những kim tự tháp vĩ đại (bạn không nghe nhầm đâu, Ai Cập không phải là nơi duy nhất có kim tự tháp!) và những tòa nhà lớn (gọi là plaza) làm từ những cột đá khổng lồ.
Vật liệu mà người Maya sử dụng để xây dựng nên tất cả những công trình kỳ vĩ của họ được lấy từ những mỏ đá vôi ở bán đảo Yucatan. Các núi lửa nằm ở phần phía Nam của đảo sinh ra một loại đất núi lửa giàu dưỡng chất, cực kỳ phù hợp cho nông nghiệp. Đất của người Maya trải rộng từ Mexico đến Trung Mỹ.
Dù là một nền văn minh cổ đại, đến ngày nay vẫn còn người Maya sống sót ngay tại những khu vực mà tổ tiên họ từng sống. Nhiều trong số này vẫn nói ngôn ngữ Maya thời cổ đại. Đã có lúc xuất hiện nhiều tin đồn rằng văn minh Maya đã hoàn toàn biến mất, nhưng điều đó không chính xác. Dù cuộc sống hiện nay có thể không như xưa, nhiều người Maya thời hiện đại vẫn thực hiện những nghi thức giống hệt tổ tiên của họ ngày xưa.
Kim tự tháp của người Maya
Bạn có lẽ từng nghe đến những bí ẩn trong văn hóa Maya, thông thường xoay quanh thời điểm hệ thống lịch mà họ sáng tạo ra đi đến hồi kết vào ngày 21/12/2012. Nhiều người tin rằng đó là một dấu hiệu cảnh báo ngày tận thế, nhưng cuối cùng chúng ta vẫn sống sót. Tại sao? Vì lịch của người Maya không thực sự kết thúc vào ngày đó.
Người Maya có một hệ thống tín ngưỡng riêng, bắt đầu với quan niệm rằng không gì được sinh ra và không gì chết đi. Khi bạn "chết", bạn vẫn sống, chỉ là đi tiếp mà thôi. Họ có đền thờ dành riêng cho các vị thần của riêng mình, cũng như những ý niệm liên quan "địa ngục" và "thiên đường".
Người Maya có chính phủ và các vị vua trị vì. Nền văn minh của họ được phân chia thành các thành phố. Họ có luật pháp, nhưng không có nhà tù. Thay vì bị tống giam, phạm nhân sẽ bị xét xử và trừng phạt theo một trong những cách: (1) buộc phải nộp một khoản tiền phạt; (2) bị biến thành nô lệ; (3) bị sỉ nhục; (4) bị hành hình đến chết.
Người Inca
Người Inca xây dựng nên một đế chế ở Peru vào khoảng năm 1200, và họ đã phát triển trong hơn 300 năm sau đó. Dù hiện nay người Inca không còn tồn tại nữa, những tổ tiên thời hiện đại của họ ở Peru vẫn thực hiện nhiều nghi thức văn hóa đã học được từ những người đi trước.
Nếu đến Peru, bạn sẽ có cảm giác như đang quay về thời kỳ của người Inca khi ngắm nhìn những công trình làm từ đá của họ, cũng như khám phá nền văn hóa dệt lụa đã được truyền lại từ những thế hệ xa xưa. Dù rằng người Tây Ban Nha đã xâm lược người Inca vào năm 1523, những câu chuyện cũng như lối sống của họ vẫn không bị xóa khỏi lịch sử. Người Tây Ban Nha đã lưu giữ lại nghệ thuật, văn hóa, và những sự kiện của người Inca cho đến ngày nay.
Machu Picchu
Một địa điểm mà bạn dứt khoát phải ghé thăm nếu muốn tìm hiểu lịch sử Inca là Machu Picchu. Đó là một thành lũy, nơi sinh sống trước đây của người trị vì Inca, Pachacutec Inca Yupanqui. Machu Picchu nằm trên một ngọn núi, được xây dựng vào thế kỷ 15 nhưng phải đến năm 1911 người ta mới khám phá ra nó. Inca có lẽ là đế chế lớn nhất từng tồn tại ở châu Mỹ.
Người Inca có một lực lượng quân đội hùng mạnh, và chính quyền thực hành những biện pháp cai trị lên người dân. Giống như xã hội hiện đại, họ đưa ra các bộ luật bắt buộc phải tuân thủ. Họ có ngôn ngữ và hệ thống lịch riêng. Nhiều người Peru hiện vẫn nói tiến Quechua, ngôn ngữ nguyên gốc của người Inca.
Có thể bạn nghĩ rằng đường sá là thứ chỉ tồn tại trong xã hội hiện đại, đế chế Inca đã cho xây dựng hàng ngàn dặm đường, cầu, và đường hầm. Để hạn chế tình trạng đói kém, người Inca đã phát triển hệ thống thủy lợi để đưa nước vào các nông trại vốn nằm trên những khu vực đồi núi trập trùng.
Người Aztec
Người Aztec có lẽ là nền văn minh đầy màu sắc nhất trong số ba nền văn minh cổ đại à chúng ta nhắc đến ở đây, xét về những tác phẩm nghệ thuật và tạc tượng. Họ sống ở trung tâm Mexico từ thế kỷ 14 đến 16. Thủ đô của người Aztec là Tenochtitlan, ngày nay là thành phố Mexico.
Giống như người Maya và người Inca, người Aztec có một nền nông nghiệp phong phú. Họ trồng ngô, nhưng cũng xây dựng được những đền đài tráng lệ như người Maya và Inca. Giống người Inca, người Aztec sở hữu một đội quân chiến binh hùng mạnh – những kẻ chinh phạt, với những kỹ năng giúp họ chiến thắng trong mọi trận chiến.
Người Aztec
Dù chúng ta gọi họ bằng cái tên "Aztec", nhưng bản thân người Aztec lại gọi mình là người Mexica. Họ nói tiếng Nahuatl, và trong ngôn ngữ thổ dân của họ, từ "Aztec" miêu tả những người đến từ vùng Aztlan trong truyền thuyết ở phía nam Mexico.
Trong thời đại của người Aztec, hoàng gia là những người nắm giữ ngai vàng, và đế chế của họ khá tương đồng với những đế chế trong lịch sử châu Âu. Người dân Aztec đa dạng về chủng tộc, nhưng chính quyền lại không quản lý chặt chẽ - trên thực tế, hệ thống cai trị của người Aztec thiên về cống nạp. Họ chinh phạt các quốc gia láng giềng và mang lại cho những người này đời sống tốt hơn. Tuy nhiên, đi kèm với đó là một tập tục khá đáng sợ: hiến tế người sống trong tất cả 18 ngày lễ thường niên (người Inca cũng có tập tục hiến tế người sống, nhưng không nhiều như vậy).
Người Tây Ban Nha chinh phạt Aztec vào năm 1521, xóa sổ họ khỏi bản đồ Trái đất. Tuy nhiên, ngôn ngữ Nahuatl vẫn được truyền bá bởi người da đỏ Mexico, và văn hóa Aztec được lưu giữ bởi hậu huệ của họ. Những kẻ chinh phạt người Tây Ban Nha đã đánh cắp kho báu của người Aztec, thứ mà sau này người ta phát hiện ra trong các di tích của thủ đô Aztec, ngày nay là thành phố Mexico.
Kết
Từ những cuộc săn lùng kho báu, những vị thần cổ đại, những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp, cho đến những tàn tích cổ xưa (với kiến trúc đỉnh cao khiến người hiện đại cũng phải trầm trồ), những nền văn minh cổ đại nói trên đã để lại rất nhiều thứ quý giá cho chúng ta tận hưởng và học hỏi. Có lẽ những kỹ năng xây dựng đường sá, nhà cửa, và các công trình nông nghiệp mà người hiện đại chúng ta đã biết cũng một phần được truyền lại từ những con người xưa cũ kia.
Theo Minh.T.T/VNReview