Liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942, trong một gia đình trí thức. Bố là bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê, mẹ là dược sĩ Doãn Ngọc Trâm - nguyên giảng viên trường Đại học Dược khoa Hà Nội.
Tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, Thuỳ Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường B. Sau ba tháng hành quân từ miền Bắc, tháng 3 năm 1967 chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công về phụ trách bệnh viện huyện Đức Phổ, một bệnh viện dân y nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh.
Chị được kết nạp vào Đảng ngày 27 tháng 9 năm 1968. Ngày 22 tháng 6 năm 1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, chị bị địch phục kích và hy sinh anh dũng lúc mới chưa đầy 28 tuổi đời, 2 tuổi Đảng và 3 năm tuổi nghề.
Hài cốt của chị được đồng bào địa phương an táng tại nơi chị ngã xuống và luôn hương khói. Sau giải phóng, chị được gia đình và đồng đội đưa về nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Cường. Năm 1990, gia đình đã đưa chị về yên nghỉ tại nghĩa trang Liệt sĩ xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Bản thân hai cuốn nhật ký này cũng có một số phận kỳ lạ: chúng rơi vào tay những con người có lương tri ở bên kia chiến tuyến, được họ gìn giữ và tìm mọi cách để đưa về cho gia đình chị.
|
Bìa sách "Nhật ký Đặng Thùy Trâm". Ảnh: Hoàng Mai. |
Tháng 6/1970, Fredric Whitehurst, một lính Mỹ, tại chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi định châm lửa đốt quyển sổ tay được bọc bằng vải, thu được sau một trận càn quét thì đã bị người thông dịch của ông ngăn lại. Người thông dịch nói: "Đừng đốt. Bản thân nó đã có lửa rồi!".
Sau đó, qua lời thông dịch viên dịch vội, những dòng chữ trong cuốn nhật ký khiến Frideric vô cùng xúc động. Ông hiểu nổi vì sao mà một người con gái có thể nhìn thấy cái đẹp của màu xanh giữa chiến trường mịt mù bom đạn, vì sao cô ấy có thể nghe nổi bản giao hưởng êm đềm khi quân Mỹ gần như luôn bám sát sau lưng. Nó khiến ông vô cùng ngạc nhiên và đặc biệt cảm phục.
Chính điều đó đã khiến Fredric và người anh trai là Robert Whitehurst (cũng là một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam) làm một cuộc hành trình vượt đại dương, tình nguyện đưa nhật ký của Đặng Thùy Trâm về với gia đình chị.
Sau hơn một phần ba thế kỷ lưu lạc, đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30.4.2005), nó đã trở về với gia đình Liệt sĩ. Hiện cuốn nhật ký được lưu giữ tại Viện Lưu trữ về Việt Nam ở Lubbock, Texas, Mỹ.
Qua những trang viết trong "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", người đọc có thể thấy được hình ảnh một cô gái Hà Nội sẵn sàng lao vào khói lửa chiến tranh vì không muốn sống hoài, sống phí những năm tháng thanh xuân. Chị đã lao vào công việc với một nghị lực phi thường, lăn xả vào cứu chữa thương binh, chăm sóc thương binh, tổ chức cho đơn vị di chuyển thương binh, di chuyển địa điểm để chống càn, đi công tác xuống cơ sở. Giữa một vùng đất hẹp ngập trời bom đạn và hằn dấu giày của những tên lính xâm lược, chị vẫn kiên cường bám trụ trong nhiều năm.
Từng trang, từng trang nhật ký thể hiện một tình yêu rộng lớn, một tình người gắn với lý tưởng sống, lẽ sống của cuộc đời chị, đó là tình cảm với nhân dân, với đồng đội.
Với học sinh của lớp y tá sơ cấp, chị xót thương những đứa em và cũng là đồng đội cùng chiến đấu với mình do hoàn cảnh chiến tranh mà không có điều kiện học tập, chị đã tâm sự: “Mình đến với lớp không phải chỉ vì tinh thần trách nhiệm, mà cả bằng tình thương của một người chị đối với những đứa em đã chịu biết bao thiệt thòi đau khổ vì bọn bán nước nên không tìm đến với khoa học được”.
Với thương binh, chị đối với họ bằng một thứ tình cảm như người thân ruột thịt. Chị đã cứu sống biết bao thương binh, cán bộ và nhân dân trong vùng... Nhưng chị cũng đã cắn răng bật khóc biết bao lần, tự dày vò bản thân khi có ca thương binh nặng mà với khả năng và điều kiện của bệnh xá tiền phương không thể cứu chữa.
“Vừa cấp cứu cho anh nước mắt mình vừa chảy tràn trên mặt. Thương anh vô hạn, muốn tìm mọi cách cứu anh nhưng không có cách nào. Mình như một chiến sĩ hai tay đã bị trọng thương, đành nhìn quân thù vũ khí trong tay xông đến giết mình”, chị viết.
Trong lời giới thiệu, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn viết, ngay sau khi biết rằng đây là một cuốn nhật ký viết trong chiến tranh, có thể có bạn đọc - nhất là bạn đọc trẻ - sẽ hỏi: Lại cho chúng tôi một tấm gương để bảo chúng tôi học theo chứ gì?
“Không đâu bạn ạ! Ở đây bạn sẽ không tìm thấy những lời khuyên nhủ mà chỉ bắt gặp một con người với một cuộc sống cụ thể của thời chiến. So với lớp thanh niên ngày nay, người thanh niên của gần bốn chục năm trước có một cách sống khác, một cách sống không lắm chiều cạnh phong phú, không tự do nhiều vẻ, nhưng lại trong sáng thánh thiện đến kỳ lạ. Sự tận tụy làm người của Thuỳ Trâm là nhân tố khiến cho những người lính Mỹ khác hẳn về lý tưởng cũng phải kính trọng. Còn với chúng ta, tin rằng nó cũng có những hiệu ứng tương tự.
Trong cuốn lịch sử văn học thế kỷ XX đang có trong tay, tôi bắt gặp một nhận xét của A. Malraux: "Điều huyền bí hơn cả không phải là chúng ta bị ném vào mớ hỗn độn vật chất cùng với hành tinh, mà là trong "lao từ đó, chúng ta rút tỉa từ bản thân cá nhân mình những nhân tố con người - nó cần vừa đủ để cái hư không sẵn có trong chúng ta bị phủ nhận".
Câu nói mang trong mình nó nhiều triết lý, mà một trong những triết lý đó là: trong sự muôn màu muôn vẻ của thực tại, con người vẫn là mẫu số chung làm nên những giá trị vĩnh cửu.
Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm có cái nhân tố nhân văn đầy bí mật đó. Nếu cuốn sách có thể giúp mỗi người sau khi đọc xong quay trở lại tìm ra những thiết tha cao đẹp và cả những cay đắng bi thảm có thể có trong kiếp người của chính mình, tức là sự hy sinh của một con người ở tuổi 27 có thêm một ý nghĩa chân chính”, nhà nghiên cứu viết.
Hoàng Mai