Những danh nhân tuổi Nhâm Dần nổi tiếng lịch sử Việt Nam

Google News

Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, báo Tri thức & Cuộc sống xin được điểm qua vài nét tiểu sử một số danh nhân tuổi Nhâm Dần tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam.

Họ là những danh nhân tuổi Nhâm Dần được ghi tên vào sử sách bởi đóng góp lớn lao cho công cuộc đấu tranh giành và giữ vững nền độc lập dân tộc, đưa đất nước phát triển.
Phan Huy Chú (1782-1840)
Danh sỹ triều Nguyễn, nhà bác học, nhà thơ quê huyện Thạch Hà (nay là huyện Lộc Hà), tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con trai thứ 3 của Phan Huy Ích, một danh sỹ thời hậu Lê và Tây Sơn.
Nhà bác học Phan Huy Chú - phc.edu.vn
Tranh minh họa chân dung danh sĩ Phan Huy Chú. Ảnh: Trường THPT Phan Huy Chú. 
Từ thuở nhỏ, ông đã nổi tiếng ham học và học giỏi, đỗ Tú tài. Năm 1821, vua Minh Mạng triệu ông vào kinh, làm biên tu ở Viện hàn lâm. Năm 1824, ông được cử sang Phó sứ nhà Thanh. Năm 1828, làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên rồi thăng Hiệp trấn Quảng Nam. Năm 1830, lại giữ chức Phó sứ sang nhà Thanh. Năm 1832, đi Indonesia rồi chuyển về làm việc ở Bộ Công năm 1833.
Sau một thời gian ông chán cảnh quan trường, xin từ quan về làm nghề dạy học, viết sách.
Cống hiến chủ yếu của Phan Huy Chú là công trình biên khảo bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” gồm 49 quyển được ông biên soạn liên tục từ năm 1809 đến năm 1819. “Lịch triều hiến chương loại chí” có một dung lượng lớn, là một kho tài liệu sử học về nhiều mặt rất phong phú, chính xác và được phân loại, hệ thống; là công trình nghiên cứu tiêu biểu đánh dấu thành tựu khoa học của nước ta đầu thế kỷ XIX.
Đinh Công Tráng (1842-1887)
Đinh Công Tráng là nhà yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX, một trong những thủ lĩnh của khởi nghĩa Ba Đình (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp.
Nhung danh nhan tuoi Nham Dan noi tieng lich su Viet Nam
Chân dung nhà yêu nước Đinh Công Tráng. Ảnh: Wikipedia. 
Ông vốn là Chánh tổng, chiến đấu trong đội quân của Hoàng Tá Viêm và tham gia trận Cầu Giấy ngày 19/5/1883. Năm 1886, ông vào Thanh Hóa tiếp tục chống Pháp cùng với Phạm Bành, Hoàng Bật Đạt... để xây dựng cứ điểm Ba Đình thành căn cứ địa kháng chiến ở phía Bắc xứ Thanh.
Ông trở thành người chỉ huy quân sự chính của căn cứ, đánh bại 2 đợt tấn công quy mô lớn của Pháp ngày 18/12/1886 và ngày 6/1/1887. Ông đã chỉ huy quân chủ động phản công phá vòng vây của địch đêm 20, rạng ngày 21/1/1887 rồi rút về căn cứ dự phòng ở Mã Cao.
Ngày 7/9/1887, ông bị hy sinh khi đang chiến đấu tại Tang Yên, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Căn cứ địa Ba Đình của Đinh Công Tráng sau này được đặt tên cho một quảng trường nổi tiếng bên cạnh lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Quảng trường Ba Đình.
Lê Hồng Phong (1902-1942)
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Lê Hồng Phong (3/1935-5/1936), quê ở xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Đầu năm 1923, ông sang Xiêm (Thái Lan), sau đó đến Trung Quốc để liên lạc với cách mạng, cùng với một số thanh niên yêu nước thành lập tổ chức “Tâm tâm xã”. Ông đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu, tham dự các lớp huấn luyện chính trị và học Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc). Năm 1926, ông sang Liên Xô học Trường hàng không ở Leningrad, trở thành sỹ quan của Hồng quân Liên Xô với quân hàm Trung tá.
Nhung danh nhan tuoi Nham Dan noi tieng lich su Viet Nam
Đồng chí Lê Hồng Phong và đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Báo Nghệ An. 
Năm 1928, ông vào học Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản tại Moscow. Đầu năm 1934, Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng cộng sản Đông Dương được ra đời do ông làm Trưởng ban. Tháng 7/1935, ông là Trưởng đoàn đại biểu của Đảng cộng sản Đông Dương tham dự Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản, được bầu vào Ủy viên BCH Quốc tế Cộng sản.
Tháng 3/1935, tại Đại hội lần thứ nhất của Đảng cộng sản Đông Dương tại Ma Cao (Trung Quốc), ông được bầu làm Tổng Bí thư. Đầu năm 1936, ông về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, cùng với Hà Huy Tập triệu tập Hội nghị BCH TW lần thứ VII (7/1936). Tháng 11/1937, ông về Sài Gòn cùng BCH TW lãnh đạo phong trào cách mạng. Lúc này vợ ông là Nguyễn Thị Minh Khai đang làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Tháng 6/1939, ông bị Pháp bắt, đến tháng 9/1939, bị Pháp bắt lần thứ hai, đày ra Côn Đảo.
Ở Côn Đảo, biết ông là một nhân vật quan trọng của Đảng, Pháp tìm cách giết hại ông, tra tấn dã man và nhốt trong hầm tối. Một thời gian, do sức khỏe suy kiệt, Lê Hồng Phong mất tại nhà tù Côn Đảo ngày 6/9/1942.
Phan Đăng Lưu (1902-1941)
Phan Đăng Lưu là nhà hoạt động nổi tiếng của Đảng cộng sản Việt Nam, quê ở xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Năm 1928, ông tham gia xuất bản tác phẩm “Quan hải trùng thư” tại Huế, được bầu làm Ủy viên Thường vụ của Tổng bộ Đảng Tân Việt. Cuối năm 1928, ông là đại diện Đảng Tân Việt sang Quảng Châu để bàn việc hợp nhất với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
Nhung danh nhan tuoi Nham Dan noi tieng lich su Viet Nam-Hinh-2
Chân dung đồng chí Phan Đăng Lưu. Báo Ninh Thuận. 
Tháng 9/1929, ông bị bắt tại Hải Phòng, bị kết án tù khổ sai và bị đày ở Buôn Ma Thuột. Ra tù năm 1936, tham gia lãnh đạo phong trào Mặt trận dân chủ ở Huế. Tháng 11/1939, ông được bầu là Ủy viên BCH TW Đảng cộng sản Đông Dương, phân công chỉ đạo phong trào Nam kỳ.
Tháng 7/1940, Xứ ủy Nam kỳ họp đề ra chủ trương khởi nghĩa. Ông khuyên Xứ ủy hãy chờ xin chỉ thị của Trung ương. Sau đó, ông dự Hội nghị Trung ương lần thứ VII và được chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Rời Hội nghị, trên đường vào Nam để truyền đạt chỉ thị của Trung ương thì bị mật thám Phát bắt, kết án tử hình, bị bắn ở Hóc Môn (Gia Định) cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần.
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu