Nữ thiếu tá đam mê nghiên cứu công nghệ thực phẩm

Google News

Nghiên cứu khoa học đối với nam giới đã vất vả, với phụ nữ càng gian nan bội phần.

Nu thieu ta dam me nghien cuu cong nghe thuc pham
Thiếu tá, Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Lan tại phòng nghiên cứu. Ảnh: NVCC 

Nhưng với Thiếu tá, Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Lan - nghiên cứu viên Ban Khoa học Kỹ thuật Hậu cần, Viện Nghiên cứu Khoa học Hậu cần Quân sự (Học viện Hậu cần), nghiên cứu khoa học lại là niềm đam mê, có nhiều đề tài mang tính ứng dụng thiết thực, nâng cao chất lượng đời sống bộ đội.
Dấn thân chinh phục lãnh địa khó
Chị Nguyễn Phương Lan tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội chuyên ngành Công nghệ thực phẩm vào năm 2011. Bằng niềm đam mê, nhiệt huyết, tinh thần ham học hỏi, không ngại khó, ngại khổ, chị từng bước tự tin khẳng định mình trong môi trường nghiên cứu khoa học, tưởng chừng chỉ phù hợp với nam giới.
Với sự tận tâm, tận lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cùng với trình độ và năng lực chuyên môn ngày càng được khẳng định, chị được lãnh đạo, chỉ huy các cấp tin tưởng, giao chủ trì và tham gia thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở đến cấp Bộ Quốc phòng.
Một trong các đề tài tiêu biểu là “Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất suất ăn dã ngoại phục vụ sư đoàn bộ binh huấn luyện diễn tập, hành quân và chiến đấu”. Đề tài được Hội đồng khoa học Bộ Quốc phòng đánh giá đạt kết quả xuất sắc. Kết quả nghiên cứu của đề tài này đang được ứng dụng trong sản xuất một số sản phẩm chế biến sẵn phục vụ các hoạt động dã ngoại, diễn tập tại Học viện Hậu cần.
Chị Lan chia sẻ: “Ở nước ta, công nghệ sinh học được ứng dụng khá nhiều vào quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm ăn liền. Tuy nhiên, trong Quân đội, việc ứng dụng công nghệ này vào sản xuất khẩu phần ăn, suất ăn dã ngoại còn ít. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng khẩu phần ăn, suất ăn dã ngoại chế biến sẵn của các sư đoàn bộ binh khá lớn. Nếu đơn vị tự sản xuất sẽ tận dụng được sản phẩm tăng gia sản xuất, chủ động khâu dự trữ thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ăn uống của bộ đội khi huấn luyện dã ngoại, diễn tập, chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn...
Trước thực tế đó, chúng tôi triển khai nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất suất ăn dã ngoại chế biến sẵn phù hợp điều kiện của các sư đoàn bộ binh, theo định lượng ăn và thực đơn với 4 món ăn khác nhau cho từng bữa. Gồm: 3 suất ăn dùng trong diễn tập, hành quân, chiến đấu và 3 suất ăn dùng trong huấn luyện dã ngoại với giá thành phù hợp tiêu chuẩn tiền ăn của chiến sĩ bộ binh.
Suất ăn có thể bảo quản trong 6 tháng ở điều kiện thường, riêng cơm ăn liền là 3 tháng. Thành phần dinh dưỡng và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của suất ăn được Viện Dinh dưỡng Quốc gia đánh giá đủ tiêu chuẩn”.
Từ năm 2019 - 2022, Thiếu tá Phương Lan chủ trì thực hiện nghiên cứu 2 đề tài và tham gia nghiên cứu 10 đề tài, nhiệm vụ các cấp được nghiệm thu thành công. Để có được những công trình ấy, không chỉ nhờ năng lực chuyên môn của cá nhân chị mà còn có sự hỗ trợ, giúp đỡ của lãnh đạo, chỉ huy và các đồng nghiệp… Nhưng, nguồn động lực lớn khiến chị Lan đam mê nghiên cứu khoa học chính là những trải nghiệm thực tế.
Chị tâm niệm: “Qua những lần đi công tác thực tế tại đơn vị, những vùng sâu, vùng xa, biển, đảo, tôi được chứng kiến bộ đội thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần và khó khăn trong bảo đảm hậu cần. Thấu hiểu sự hy sinh thầm lặng của đồng đội, tôi thấy mình phải có trách nhiệm với công việc, với đồng đội hơn”.
Trong một chuyến đi công tác tại Lữ đoàn 189, Quân chủng Hải quân, chứng kiến bộ đội thường phải thực hiện các đợt huấn luyện đi biển, diễn tập theo các phương án trong thời gian dài. Để bảo đảm nhu cầu ăn uống, ngoài thực phẩm tươi sống được sơ chế hoặc đóng hộp mua sẵn ngoài thị trường, đơn vị thường chế biến một số món ăn sẵn đóng gói và bảo quản trong tủ mát, tủ đông để mang theo khi thực hiện nhiệm vụ, hạn chế việc nấu nướng, tiết kiệm điện năng. Tuy nhiên, cách làm này còn nhiều hạn chế do các món ăn chỉ bảo quản được trong thời gian 5 - 7 ngày.
Khắc phục tình trạng đó, chị tham mưu, đề xuất với chỉ huy Viện sáng kiến “Ứng dụng kỹ thuật chế biến và bao gói kéo dài thời gian bảo quản một số món ăn chế biến sẵn” bằng phương pháp ứng dụng kỹ thuật chế biến tiệt trùng, tiêu diệt bào tử vi sinh vật.
Sau khi chế biến tiệt trùng, sản phẩm dạng khô đóng gói hút chân không bằng túi nilon thực phẩm, sản phẩm dạng ướt đóng trong hộp nhựa không gioăng, sau đó đóng túi hút chân không. Với sáng kiến này, các sản phẩm đều có trạng thái màu sắc, mùi vị tốt, giữ được hương vị đặc trưng, có thể kéo dài thời gian cất trữ từ 30 - 45 ngày. Sản phẩm đang được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn tại Lữ đoàn 189 những năm qua.
Nu thieu ta dam me nghien cuu cong nghe thuc pham-Hinh-2
 Thiếu tá, thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Lan. Ảnh: NVCC

Thành quả của tâm huyết, đam mê
Ngoài những sáng kiến có tính ứng dụng cao, chị Lan còn tham gia đề tài “Nghiên cứu sản xuất nước mắm truyền thống tại Học viện Hậu cần”, và sáng kiến “Ứng dụng công nghệ sinh học rút ngắn thời gian, tăng hàm lượng đạm amin trong sản xuất nước mắm truyền thống ở Học viện Hậu cần” cấp Học viện đạt loại xuất sắc.
Kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong sản xuất nước mắm tại trạm chế biến tập trung Khu vực 2 - Học viện Hậu cần đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, năm 2021, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng enzym trong sản xuất xúc xích tiệt trùng” do chị làm chủ nhiệm đạt giải Nhất trong Hội thi Tuổi trẻ sáng tạo cấp Học viện (năm học 2021 - 2022) và được lựa chọn tham dự Hội thi Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân năm 2023.
Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, đam mê nghiên cứu khoa học, trên cương vị là Chủ tịch Hội phụ nữ khối cơ quan, chị Lan luôn tích cực, tâm huyết và nhiệt tình, trách nhiệm trong mọi hoạt động, phong trào thi đua của tổ chức quần chúng. Vào những ngày kỷ niệm trong năm, chị cùng Ban chấp hành tổ chức nhiều hoạt động mang màu sắc riêng, để lại dấu ấn như: Hội thi cắm hoa, Hội thi nấu ăn, Hội thi cán bộ công đoàn, phụ nữ giỏi...
Nhờ năng lực thu hút của người đầu tàu gương mẫu, chị em trong Hội tham gia phong trào thi đua 100% gia đình hội viên phụ nữ đạt 4 tiêu chí “No ấm - Bình đẳng - Tiến bộ - Hạnh phúc”; xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; 100% gia đình hội viên phụ nữ không có con em phạm tội, mắc các tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình; “Hội phụ nữ khối cơ quan Học viện Hậu cần chung tay đẩy lùi dịch Covid-19”; thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị…

Với những nỗ lực phấn đấu không ngừng, Thiếu tá, Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Lan được tặng 2 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đạt giải Khuyến khích giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 19 (2019); 3 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (2020, 2021, 2022); Cán bộ Hội Phụ nữ xuất sắc, Đoàn viên Công đoàn xuất sắc của Học viện Hậu cần.


Theo Bảo Hân – Hà Trang/Giaoducthoidai