Cách đây vài ngày, vụ án giết người vì bị nói xúc phạm vùng miền với câu “Thằng Bắc kỳ con” được Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử. Một mạng người mất đi, chỉ vì một câu nói đụng chạm đến vùng miền có ý thiếu thiện cảm. Người bị hại thì đã chết, người xuống tay thì đang bị pháp luật nghiêm trị. Việc phân biệt vùng miền, dù cố ý hay vô tình, hẳn là điều không nên chút nào.
Việc ngày hôm nay, làm chúng ta nhớ lại chuyện xưa, vì giận dữ tên quan hoạn thốt lời xúc phạm với ý khinh bỉ tới quê quán xuất thân của mình, mà Triệu vương Thoan con vua Lê Thánh Tông trong phút “cả giận mất khôn”, đã không kìm lòng được, gây ra vụ giết người ngay nơi kinh thành. Chuyện của Triệu Vương Thoan, xin được lược kể như sau.
Đứa con xa của vua
Đầu năm Tân Mão (1471), vua Lê Thánh Tông trực tiếp xuất quân Nam chinh đánh Chiêm Thành với quyết tâm làm cho Trà Toàn phải quy phục. Cuộc Nam chinh thắng lợi khi hạ được thành Chà Bàn, bắt được vua Chiêm, thu đất đai. Mà trước khi tiến vào đất Chiêm, Đại Việt sử ký toàn thư cho hay vua cho đại quân dừng ở Thuận Hóa (vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế hiện nay) để luyện tập thủy chiến.
Và ở nơi đây, thân tuy đang mang giáp bào, nhưng vị vua sáng của nhà Lê vẫn say sóng tình mà vương tơ với một bóng hồng. Việc ấy, có ghi lại nơi Đại Việt thông sử. Trong phần Hậu phi truyện của sách Đại Việt thông sử có cho biết người đẹp may mắn được vua để ý và nạp phi là một cô gái họ Nguyễn, sinh quán thuộc xã Hòa Thược, huyện Kim Trà, tức huyện Hương Trà, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay.
|
Đánh roi kẻ có tội.
|
Khi vua Lê Thánh Tông dừng quân cho quân sĩ luyện tập, một hôm Nguyễn Thị đi múc nước, vua bất chợt trông thấy, ngắm dáng điệu, dung nhan của nàng, thấy nhan sắc tuyệt đẹp, vị quân vương trong lòng trỗi dậy niềm cảm mến người đẹp, đem lòng yêu, mới quyết ý nạp thiếu nữ vào cung.
Khi đánh Chiêm ca khúc khải hoàn, cùng đoàn quân thắng trận trở về, vua Lê Thánh Tông lại có thêm bên mình cô gái gánh nước đất Kim Trà. Kể từ đó, cô gái họ Nguyễn được vua yêu mến, quan tâm. Qua thời gian chung sống, bà được phong lên bậc phi, tức Nguyễn Quý phi. Ô châu cận lục thì cho hay tên của bà là Nguyễn Hòa Duân (hoặc Quân). Hầu hạ nơi màn trướng của đấng kim thượng, hương lửa mặn nồng, rồi thì Nguyễn Quý phi cũng sinh hạ cho vua được một vị hoàng tử khôi ngô đĩnh ngộ. Người ấy là Triệu vương Lê Thoan.
Hoàng tử xuống tay
Sách Ô châu cận lục có ghi, xét theo phả hệ, Triệu vương Thoan là người con thứ mười ba của vua Lê Thánh Tông. Vẫn theo sách này thì “từ nhỏ, Lê Thoan đã thông minh, quả cảm”. Bởi thế hoàng tử Thoan được Lê Thánh Tông rất mực thương yêu. Chẳng những thế, ông lại có lòng tự trọng rất cao.
Một lần, có người cùng quê Thuận Hóa với mẹ của Triệu vương Thoan có việc quân phải ra đất kinh kỳ Thăng Long bái yết, tâu bày với triều đình. Khi đi đến cửa Đại Hưng, từ xa tiến lại một tên tiểu hoàng môn (một cấp bậc của hoạn quan).
Vốn từ Thuận Hóa ra kinh đô, đường sá xa xôi, ngựa xe gấp gáp, nên người kia quần áo có phần rách rưới, không được chỉn chu, tươm tất. Tên tiểu hoàng môn trông thấy người ấy áo quần lam lũ, lại tranh đường đi trước. Hắn tức giận lắm, thốt ra lời ngông cuồng mà chửi người kia. Việc này, trong Đại Việt thông sử và Ô châu cận lục có nói đến. Theo Ô châu cận lục, phần Thân vương mà thuật lại, khi viết về Triệu vương Thoan có kể lại rằng, thấy người kia tranh đường, tên hoạn quan bực lắm, liền hỏi:
- Mày quê quán ở đâu?
Người kia đáp:
- Tôi người Thuận Hóa.
Viên tiểu hoàng môn mắng rằng:
- Đồ bọn phân cá mà cũng dám vô lễ.
Vô phúc thay cho hắn, cùng là người một nước, chỉ khác nhau vùng miền mà lại dám kỳ thị kẻ đất kinh kỳ văn vật với người đất phương Nam xa xôi. Cái tệ phân biệt ấy, xưa từng thể hiện ở việc chia kinh, trại thời Trần.
Lại quay về chuyện đang kể, lúc ấy Triệu vương Thoan vừa vào trong cung thăm hỏi cha mẹ trở ra, chợt chứng kiến việc chướng tai gai mắt. Nghe câu chửi của kẻ hầu trong cung với người là đồng hương. Lòng tự trọng nổi lên, ông nóng giận bừng bừng, cầm luôn một cây gậy nhằm tên tiểu hoàng môn mà giáng liên tiếp, đánh chết hắn tức thì. Giết hắn xong, tự biết tội trạng của mình, Triệu vương lại đi ngược thẳng vào cung gặp vua cha mà tâu rằng:
- Mẹ thần cũng quê Thuận Hóa, thế mà tên tiểu hoàng môn kia dám xúc phạm. Thần không nhịn được chút lòng vụn vặt đành cam tội giết người. Nay thần xin nộp tiền để chuộc tội giết nó.
Triệu vương Thoan “xin nộp tiền chuộc tội” bởi theo quy định trong Quốc triều hình luật trong Chương Danh lệ (Tên gọi luật lệ), bên cạnh việc định tội Thập ác ở Điều 2 là 10 tội ác mà luật pháp không thể tha, thì trong Điều 3 của chương này lại quy định “Tám điều được nghị xét giảm tội” (Bát nghị), đề cập đến những đối tượng được xét giảm tội.
Triệu vương Thoan đường đường là con ruột của vua, được hưởng luật Bát nghị, chắc chắn không thuộc diện bị xử tử hoặc lưu đày, đánh trượng vì giết người, mà sẽ được “nghị xét giảm tội”, chỉ phải nộp tiền phạt giết người mà thôi.
Sau khi biết rõ đầu đuôi câu chuyện, vua Lê Thánh Tông thương cho tấm lòng của đứa con xa, vì vô tình bị xúc phạm đến nguồn gốc quê quán mà tức thời nóng giận xuống tay đoạt mạng kẻ hống hách, thiếu tôn trọng người khác. Triệu vương Thoan chẳng phải nộp tiền chuộc tội giết người, mà như Đại Việt thông sử có ghi lại, vua “lại còn cho là có nghĩa khí, cuối cùng không bị bắt tội”.
Cái chết của tên tiểu hoàng môn, không hẳn vì lời của hắn đáng chết trăm lần, mà bởi số của hắn đã tận nên câu chửi gặp đúng lúc Thân vương Thoan đi qua nghe được. Đó cũng là bài học cho kẻ nào còn mang trong mình tư tưởng kỳ thị vùng miền, xem thường người phương xa, dân thiểu số mà quên đi cái nghĩa “đồng bào”.
Theo Trần Đình Ba / Zing