Ở thời Trung Hoa phong kiến, hầu như ai cũng cho rằng, phụ nữ vào cung mới có thể thay đổi vận mệnh của bản thân. Do đó đa số phụ nữ thời đấy đều hi vọng mình có thể tiến cung suôn sẻ và trở thành sủng phi của Hoàng đế để đổi đời.
Nhưng không phải phi tần hậu cung nào cũng có được những thứ mình muốn, nhất là vào cuối thời nhà Thanh, khi mà quyền lực phong kiến dần suy yếu. Ngay cả Hoàng đế còn không thể tự do tự tại thì nữ nhân hậu cung làm sao có thể hưởng thụ cuộc sống phú quý.
Thường phi Hách Xá Lý thị của Hoàng đế Đạo Quang không may sinh ra vào thời kỳ bất ổn đó của Trung Hoa, chính vì vậy mà dù ở trong cung cấm hàng chục năm nhưng vẫn sống rất vất vả.
Hách Xá Lý thị sinh năm Gia Khánh thứ 13, xuất thân Mãn Châu Tương Lam kỳ. Hách Xá Lý thị là 1 trong những gia tộc có nhiều Hoàng hậu và phi tần nổi danh trong lịch sử, dựa vào gia thế này mà bà dễ dàng được chọn trong đợt tuyển tú đầu tiên của Hoàng đế. Bà được miêu tả là một nữ nhân có dung mạo xinh đẹp, tính cách ôn hòa ngoan ngoãn.
Năm Đạo Quang thứ 2, Hách Xá Lý thị nhập cung và được sơ phong Quý nhân, trở thành một trong những phi tần lâu năm nhất của Hoàng đế Đạo Quang. Từ đó không còn bất kỳ ghi chép nào về bà trong suốt thời gian còn lại trong thời Hoàng đế Đạo Quang tại vị, mãi đến thời Hoàng đế Hàm Phong và Hoàng đế Đồng Trị mới có ghi chép việc bà được tấn tôn và truy tôn.
Trong khi đó, một vị phi tần khác của Hoàng đế Đạo Quang cũng xuất thân Hách Xá Lý thị là Trân tần cũng có những điểm bí ẩn đáng ngờ tương tự. Người này cũng nhập cung vào năm Đạo Quang thứ 2, có cùng ngày sinh và phụ mẫu như Thường phi. Do vậy, nhiều học giả nghiên cứu sử cho rằng Thường phi và Trân tần là 1 người.
Vào thời Hoàng đế Đạo Quang tại vị, ông luôn tìm cách giảm chi phí cho hậu cung, cắt xén bữa ăn, thậm chí phi tần hậu cung không được phép ăn thịt ngoại trừ dịp lễ Tết, không được trang điểm hay mặc xiêm y lộng lẫy. Do vậy, cuộc sống của Hách Xá Lý thị cũng như các nữ nhân hậu cung khác đều khá vất vả. Bà phải sống như thế trong hàng chục năm sau đó.
Theo ghi chép lịch sử, năm Đạo Quang thứ 2, Hoàng đế Hàm Phong đăng cơ, tấn tôn Hách Xá Lý thị làm Hoàng khảo Thường tần và an bài cho bà đến Viên Minh viên dưỡng già.
Không lâu sau đó, liên quân 8 nước tiến vào Kinh thành, lúc này Từ Hi Thái hậu, Hoàng đế Hàm Phong và các đại thần đã trốn đi tránh nạn nhưng những phi tử lớn tuổi như Hách Xá Lý thị thì bị giữ ở lại Viên Minh viên.
Lúc đó, Viên Minh viên bị đốt phá, Hách Xá Lý thị phải tận mắt nhìn thấy đủ loại hành vi tồi tệ của quân địch nên rất sợ hãi. Chính vì vậy mà năm Hàm Phong thứ 10, bà đột tử vì quá kinh sợ, hưởng thọ 52 tuổi.
Sau khi bà qua đời, Hoàng đế Hàm Phong cũng không quá để tâm đến chuyện này, chỉ vội vàng cho người tạm thời an táng ở Điền Thôn thấn cung. Ngay trong đêm, kim quan của bà được chôn xuống một hố đã được đào sẵn, sau đó lấp đất không để lại dấu vết nào trên mặt đất.
Năm Hàm Phong thứ 11, khi cục diện tạm thời lắng xuống, Hoàng đế đã cho người đào kim quan của Hách Xá Lý thị lên. Sau đó, di thể của bà được phụng di đến Tây điện, Mộ Đông lăng ở Thanh Tây lăng, quần thể lăng mộ triều nhà Thanh nằm phía Tây Bắc Kinh.
Đến khi Hoàng đế Đồng Trị lên ngôi, ông truy phong Hách Xá Lý thị làm Hoàng khảo Thường phi. Năm Đồng Trị thứ 2, kim quan của bà được an táng vào địa cung của Mộ Đông lăng.
Theo Toquoc