Vị phi tần này là Thành phi Đới Giai thị, không rõ ngày tháng năm sinh. Phụ thân của bà là Ti khố Trác Kỳ, đảm nhận một chức quan thất phẩm trong Nội vụ phủ, đảm nhận công việc ghi chép thu chi.
Với xuất thân không cao, Đới Giai thị vốn chỉ có thể làm cung nữ thông thường trong hoàng cung. Tuy nhiên sách sử không ghi chép lại thời điểm Đới Giai thị nhập cung cũng như thời điểm bà được Hoàng đế Khang Hi sủng ái, do đó không thể biết chính xác thân phận thật sự của bà trước khi trở thành phi tần của Hoàng đế.
Vào thời kỳ đầu nhà Thanh, cấp bậc của hậu cung chưa hoàn chỉnh, mặc dù đãi ngộ có phân chia khác biệt nhưng vẫn chưa có phong hiệu hay danh vị chính thức, chỉ gọi chung là Thứ phi.
Nhưng cũng có thể thấy được Đới Giai thị được Hoàng đế Khang Hi rất sủng ái, vì vậy bà đã nhanh chóng mang thai. Năm Khang Hi thứ 19 (tức năm 1680), Đới Giai thị hạ sinh Hoàng thất tử Dận Hựu.
Hoàng thất tử Dận Hựu khi ra đời mang dị tật bẩm sinh ở chân khiến việc đi đứng gặp khó khăn, bị xem là một sự xui xẻo cho hoàng gia. Mặc dù như vậy nhưng đứa bé này lại có bản lĩnh không nhỏ, được Hoàng đế khen ngợi. Mới tròn 17 tuổi, Hoàng thất tử Dận Hựu theo Hoàng đế đưa ra trận và sau đó được phong làm Bối Lặc.
Năm Khang Hi thứ 48, Dận Hựu được phong làm Thuần Quận vương. Đến năm Ung Chính nguyên niên, Dận Hựu được phong Thuần Thân vương.
Năm Khang Hi thứ 57, Hoàng đế Khang Hi tiến hành tấn phong cho 6 nữ nhân sống ở hậu cung của mình, vốn là phi tần nhưng chưa có phong hiệu chính thức, Đới Giai thị được tấn phong trực tiếp từ Thứ phi lên Thành phi. Lúc này bà đã ngoài 50 tuổi, đã sống ở hậu cung khoảng 40 năm và là người lớn tuổi nhất trong số các phi tần được tấn phong trong dịp này.
Khi Hoàng đế Khang Hi băng hà, vào năm Ung Chính nguyên niên, Đới Giai thị được phép xuất cung, đến ở cùng con trai Dận Hựu, lúc này đã là Thuần Thân vương. Đến năm Ung Chính thứ 8, Dận Hựu qua đời.
Sau khi con trai mất Đới Giai thị trở về sống ở Ninh Thọ cung đến năm Càn Long thứ 5 thì qua đời, không rõ bao nhiêu tuổi, ước chừng đã hơn 70 tuổi.
Theo Pháp luật và Bạn đọc