Không ít người trong chúng ta đều có chung một nỗi sợ: Sợ tiêm. Thông thường là sợ mũi kim, sau là sợ đau. Nhưng nếu chúng ta biết được rằng thời kỳ xa xưa khi những xi lanh có mũi kim rất nhỏ đường kính chỉ dưới 1mm còn chưa xuất hiện, loài người đã từng đưa thuốc vào cơ thể bệnh nhân bằng những phương pháp rùng rợn nào, có lẽ nỗi sợ kim tiêm sẽ bớt đi rất nhiều!
Ý tưởng về tiêm đã sớm xuất hiện
Từ lâu, loài người đã biết sử dụng một loại công cụ có cơ chế hoạt động tương tự như xi lanh ngày nay. Đó là một thanh gỗ rỗng ruột, bên trong là một thanh gỗ khác đặc ruột vừa khít (đóng vai trò như một piston), chỉ cần di chuyển thanh gỗ bên trong là có thể bơm chất lỏng vào hoặc đẩy chất lỏng ra dựa trên cơ chế nén khí và truyền lực.
Thanh gỗ mô phỏng hoạt động của xi lanh ngày nay. Nguồn: CCTV.
Trước công nguyên, hiểu biết của con người về y học còn vô cùng sơ khai.
Thầy thuốc vĩ đại nhất Hy Lạp cổ đại Hippocrates đã đưa ra thuyết "Thể dịch luận", cho rằng cơ thể con người được tạo thành từ bốn loại chất lỏng có màu, cùng nhau tạo nên sự cân bằng trong cơ thể, từ đó sinh ra một phương pháp chữa bệnh là rạch da của người bệnh cho máu chảy ra, như vậy cơ thể sẽ trở lại trạng thái cân bằng!
Ngoài ra còn nhiều cách khác là tìm cách làm cho người bệnh nôn, nôn hết sẽ khỏi bệnh, hoặc là xông hơi, hay rùng rợn không kém là dùng dao, mũi câu rạch ra rồi đưa thuốc vào. Người Trung Quốc cổ đại cũng sớm chữa bệnh bằng cách bắt mạch, châm cứu.
Ngoài việc uống thuốc, ý tưởng trực tiếp đưa thuốc vào cơ thể người bệnh đã sớm xuất hiện. Người Hy Lạp cổ đại nghĩ ra một cách: lấy ruột động vật rửa sạch, buộc chặt một đầu nối với một ống kim loại (hoặc gỗ rỗng ruột) rồi từ đó đưa các loại nước thuốc từ hậu môn vào thẳng ruột của người bệnh. Đây chính là điểm khởi đầu của kim tiêm.
Phương pháp đưa thuốc vào ruột như trên cũng đã từng xuất hiện ở Trung Quốc, tuy nhiên không được phổ biến như ở phương Tây, chủ yếu dùng trong việc trị bệnh táo bón.
Từ ống tiêm không mũi đến ống tiêm có mũi tiêm
Đến tận thế kỷ XVIII, thời của vua Luis Đại đế nước Pháp, vị vua rất thích đưa thuốc vào ruột theo phương pháp trên, ống tiêm mà các thầy thuốc sử dụng vẫn chưa có mũi kim như hiện nay.
Ống tiêm không có mũi kim. Nguồn: CCTV.
Năm 1616, nhà khoa học người Anh tên là Xavi đã phát hiện ra sự lưu thông của máu trong cơ thể con người. Từ phát hiện này, một nhà khoa học khác là Christopher Rennes cho rằng có thể để máu đưa thuốc đi khắp cơ thể. Như vậy là chỉ cần trích thuốc trực tiếp vào da là được. Ông ta làm mũi tiêm bằng lông của các loại gia cầm, chim, hoặc xương rỗng.
Dụng cụ bơm thuốc dùng thận động vật, ống và mũi kim bằng lông chim. Nguồn: CCTV.
Phương pháp này nghe có vẻ rất hiệu quả, nhưng từ góc độ y khoa hiện đại mà nói, dễ phát hiện ra sẽ dẫn tới nhiễm trùng máu mà mất mạng. Bởi vậy, không được bao lâu, phương pháp này bị cấm sử dụng.
Đến mũi kim bằng kim loại đầu tiên
Vào thế kỷ XIX, một bác sĩ người Ireland đã lần đầu tiên làm ra ống đựng nước thuốc bằng kim loại. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ làm ống có một đầu nhọn, chưa phải là kim tiêm.
Ống thuốc kim loại có đầu nhọn. Nguồn: CCTV.
Sau đó, một bác sĩ khác người Scotland đã cải tiến thiết kế này, sử dụng mũi kim tiêm. Mũi kim chính thức xuất hiện.
Ống thuốc có mũi kim thế kỷ XIX. Nguồn: CCTV.
Có hai vấn đề lớn xảy ra với loại ống thuốc này: thứ nhất, chất liệu làm ống thường là kim loại, giá thành cao, dễ han gỉ theo thời gian, cộng thêm khả năng phản ứng với thuốc; thứ hai, vì là ống làm bằng kim loại nên không xác định được lượng thuốc đưa vào cơ thể là bao nhiêu; thứ ba, cách thức để đẩy thuốc từ ống ra đến mũi kim là dùng lò xo và bộ xoay, khá là bất tiện.
Cuối cùng là ống xi lanh
Vậy là ống tiêm được chuyển sang làm bằng thủy tinh, sử dụng piston với cơ chế kéo - đẩy như ngày nay.
Nhưng nhiều vấn đề khác lại phát sinh. Thời đó, người ta chỉ biết đến thay kim tiêm, chưa biết thay ống tiêm, do đó tình trạng lây nhiễm do ống tiêm bẩn rộ lên. Giải pháp đưa ra là tiến hành tiêu độc, diệt khuẩn ống tiêm sau khi sử dụng. Nhưng sau đó họ phát hiện quá trình này vẫn không tiêu diệt được hết vi khuẩn.
Vấn đề chỉ được giải quyết triệt để sau thế chiến thứ hai. Năm 1949, một nhà khoa học người Ý đã phát minh ra ống tiêm làm bằng nhựa. Ống tiêm bằng nhựa có thể dùng một lần rồi vứt, lại có thể diệt khuẩn và tái chế. Ngày nay, ống tiêm nhựa dùng một lần được sử dụng phổ biến trong y khoa.
Xi lanh nhựa được sử dụng ngày nay. Ảnh Internet.
Lời kết
Hiện nay, chúng ta còn thấy có xuất hiện một phương thức đưa chất lỏng vào cơ thể nữa. Đó là ống tiêm không có mũi kim.
Cơ chế hoạt động của nó chủ yếu dựa trên việc truyền áp lực cao đẩy thuốc vào dưới da, giúp giải quyết nỗi sợ kim tiêm của rất nhiều người. Từ ống tiêm không mũi tiêm đến có mũi tiêm, rồi lại trở lại không mũi tiêm, rõ ràng, khoa học có lẽ vẫn phát triển theo hình xoáy trôn ốc, nhưng luôn ở một cấp độ cao hơn.
So sánh phương thức truyền chất lỏng bằng xi lanh có mũi kim và ống thuốc không mũi kim. Nguồn: CCTV.
Theo Karry Trần/Gia đình & Xã hội