Số phận bi thảm của 2 hoàng hậu ngoại tộc khiến nhà Trần sụp đổ

Google News

Thánh Ngâu được chứng kiến tất cả thảm kịch xảy ra với chồng mình và người ra tay là Quý Ly cha mình.

Trong thời kỳ đầu nước ta xây dựng nền độc lập thì việc thay đổi triều đại thường có bóng dáng của một, hai người phụ nữ. Từ nhà Đinh chuyển sang nhà Tiền Lê thì không thể nhắc đến vai trò chủ đạo của Thái hậu Dương Vân Nga. Từ nhà Lý chuyển sang nhà Trần thì phải kể đến vai trò của Thái hậu cuối cùng nhà Lý: Trần Thị Dung và con gái bà là Lý Chiêu Hoàng - hoàng đế cuối cùng nhà Lý.

So phan bi tham cua 2 hoang hau ngoai toc khien nha Tran sup do

Hình tượng thái hậu Dương Vân Nga do Nghệ sĩ Kim Ngân và NSƯT Phượng Loan thủ vai - Ảnh: Internet.

Còn từ nhà Trần chuyển sang nhà Hồ thì liên quan đến hai vị hoàng hậu đặc biệt - những hoàng hậu ngoại tộc hiếm hoi của nhà Trần: Gia Từ hoàng hậu thời vua Trần Duệ Tông và Thánh Ngâu hoàng hậu thời Trần Thuận Tông. Vai trò của 2 bà hoàng hậu này đều khá mờ nhạt chứ không được rõ ràng như Dương Vân Nga hay Trần Thị Dung, nhưng họ cũng đóng vai trò thúc đẩy quá trình chuyển giao quyền lực từ nhà Trần sang nhà Hồ. Chỉ có điều số phận của họ bi thảm hơn nhiều so với thái hậu họ Dương hay họ Trần.

Dương Vân Nga là hoàng hậu dưới thời Đinh Tiên Hoàng. Sau khi Đinh Tiên Hoàng băng hà, bà trao ngai vàng của con trai Đinh Toàn cho Lê Hoàn. Cho dù hậu thế có nhiều khen chê hành động của Dương Vân Nga thì địa vị của bà sau đó cũng không đổi. Lê Hoàn sau khi lên ngôi đã lập Dương Vân Nga làm hoàng hậu.

Còn Trần Thị Dung sau khi giúp giang sơn chuyển từ họ Lý sang họ Trần thì bà cũng bị mất chức vị thái hậu. Nhưng trên thực tế thì vị thế của bà không thay đổi và chỉ một thời gian ngắn sau khi lên ngôi thì vua Trần Thái Tông đã phong cho bà làm Thiên Cực công chúa, biệt hiệu Quốc mẫu, được hưởng quy chế ngựa, xe, nghi trượng ngang hàng với Hoàng hậu.

Lý Chiêu Hoàng thì có khổ trong giai đoạn giữa đời khi bị Trần Thái Tông dưới áp lực của Trần Thủ Độ phế khỏi ngôi hoàng hậu. Nhưng bà cũng không phải sống khổ cực vì mẹ bà chính là Trần Thị Dung. Và trong 20 năm cuối đời thì Lý Chiêu Hoàng cũng có được gia đình riêng sau khi vua Trần Thái Tông ban hôn gả bà cho Ngự sử Đại phu Lê Phụ Trần.

Gia Từ hoàng hậu là em họ (cha của Quý Ly là anh ruột của cha Gia Từ Hoàng hậu) của Quý Ly. Thời gian bà làm vợ của Trần Kính (tức Trần Duệ Tông) không rõ, chỉ biết bà sinh ra người con trai là Trần Hiện tức Trần Phế Đế. Năm 1371, Cung Tuyên đại vương Trần Kính được lập làm Hoàng thái tử và bà được phong làm Hoàng thái tử phi. Năm 1372, Nghệ Tông nhường ngôi cho Thái tử lên làm Thái thượng hoàng, Thái tử lên làm vua, tức Trần Duệ Tông, bà được phong làm Hiển Trinh thần phi. Chỉ 1 năm sau, bà được phong làm Hoàng hậu.

Có thể nói nhờ Quý Ly lúc đó được ân sủng mà em họ được phong lên làm Hoàng hậu và sau khi em họ thành hoàng hậu thì Quý Ly càng được tin tưởng hơn. Nhưng đáng tiếc cho Gia từ Hoàng hậu là không lâu sau khi được phong thì bà góa bụa. Năm 1377, Trần Duệ Tông tử trận khi đi đánh Chiêm Thành.

Vua Duệ Tông mất khiến Thượng hoàng Nghệ Tông rất hụt hẫng vì mất đi chỗ dựa vững chắc. Từ đó, Nghệ Tông dựa hẳn vào Quý Ly và còn lập con của Duệ Tông - Gia Từ là Trần Hiện lên ngôi vua. Trần Hiện gọi Quý Ly là cậu họ nên Nghệ Tông cho rằng sắp xếp như vậy sẽ khiến Quý Ly yên tâm phục vụ nhà Trần.

Nhưng ngay chính Gia Từ hoàng hậu có lẽ cũng chẳng tin vào lòng thành của ông anh họ mà lo sợ rằng Quý Ly sau này sẽ thanh toán con trai bà. Quả nhiên về sau Trần Hiện không hài lòng trước việc Quý Ly chuyên quyền nên lập mưu trừ Quý Ly. Chẳng ngờ Quý Ly biết chuyện đã gièm pha với Nghệ Tông phế ngôi của Trần Hiện vào năm 1388 rồi bị ép thắt cổ chết cùng năm. Trần Phế Đế bị sát hại 2 năm trước khi Gia Từ hoàng hậu qua đời. Tuy Gia Từ không phải trông thấy cảnh con bị sát hại nhưng bà đã đoán trước việc này. Không gì đau đớn hơn khi cuối đời phải chứng kiến cảnh người thân bên họ mình đối đầu với con trai mình theo kiểu một sống, một còn như vậy.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: "Duệ Tông đi Nam chinh, không trở về; hoàng hậu cắt tóc làm sư ni. Thấy Nghệ Tông lập Trần Hiện lên nối ngôi, hoàng hậu từ chối cho con không được, bèn khóc lóc nói với những người thân tín rằng: "Con tôi kém phúc đức, không cáng đáng được cái ngôi rất quý trọng ấy đâu, chẳng qua chỉ tổ do đấy mà chuốc lấy vạ vào mình! Tiên quân đã tạ thế, người vị vong này chỉ muốn thác đi cho rồi, chứ chẳng muốn ngó đến việc đời nữa, huống chi lại nỡ nhìn thấy con mình sắp bị nguy hại ư!". Hoàng hậu mất rồi, Đế Hiện rồi cũng bị phế. Người nào nghe biết chuyện này cũng phục bà là người biết trước".

Sau khi bắt Đế Hiện thoái ngôi, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông lập con trai của mình là Trần Ngung tức Trần Thuận Tông lên ngôi. Ngay sau khi Trần Ngung lên ngôi thì Trần Nghệ Tông đã chọn cho con một hoàng hậu chính là Thánh Ngâu - con gái Quý Ly và Huy Ninh công chúa (Huy Ninh công chúa là chị ruột của Trần Nghệ Tông). Do vậy, Thánh Ngâu là chị họ của Trần Ngung và việc họ cưới nhau có hợp với truyền thống hôn nhân nhà Trần. Nhưng trên thực tế, Thánh Ngâu vẫn là người ngoại tộc vì mang họ của Quý Ly.

Nghệ Tông muốn dùng hôn nhân như vậy để Quý Ly có thể toàn tâm toàn ý giúp con rể giữ cơ nghiệp nhà Trần. Chẳng dè sau khi Nghệ Tông mất (1394) thì Quý Ly ra tay ngay với con rể. Năm 1398, Hồ Quý Ly ép Thuận Tông ngường ngôi cho Thái tử Trần An, lên làm Thái thượng hoàng và khuyên ông đi tu theo Đạo giáo. Thế là Thuận Tông phải rời vợ đi tu nhưng cũng không giữ được tính mạng. Năm 1399, Quý Ly sai người tới thắt cổ Thuận Tông.

Điều an ủi cho bà là Quý Ly không bắt Trần An, tức Trần Thiếu Đế phải chết như Trần Phế Đế hay Trần Thuận Tông vì Trần An khi đó còn quá nhỏ. Hơn nữa, dù gì thì Hồ Quý Ly cũng không nỡ sát hại cháu ngoại của mình.

Số phận của Thánh Ngâu và Thiếu Đế sau đó không được sử chép lại nhưng có lẽ họ phải mai danh ẩn tích để giữ tính mạng khỏi bị lợi dụng trong vòng xoáy quyền lực. Còn nếu tiếp tục ở trong cung dưới sự che chở của Quý Ly thì họ lại nằm trong số những người tôn thất bị quân Minh bắt giữ đưa sang Trung Quốc sau khi đánh bại nhà Hồ.

Kiến Thức