Sự gắn kết giữa con người và máy móc trong ‘Mối quan hệ 5.0’

Google News

Hòa nhịp cơn sóng thần công nghệ những năm gần đây, cuốn sách ‘Mối quan hệ 5.0’ tiếp cận những vấn đề đặc biệt thú vị giữa con người và máy móc.

Khi công nghệ phát triển với tốc độ chưa từng thấy cũng là lúc chúng ta bắt đầu cảm nhận nhân loại phải đối mặt với một thế giới mới bất định và khó kiểm soát hơn bao giờ hết - được gọi là thế giới số. Ở đó, khi mỗi cá thể đắm chìm trong môi trường kỹ thuật số sẽ làm nảy sinh mối lo ngại về việc mất đi sự kết nối đích thực của con người và những trải nghiệm hữu hình.
Su gan ket giua con nguoi va may moc trong ‘Moi quan he 5.0’
 Đây là bối cảnh ra đời cuốn sách Mối quan hệ 5.0 của tác giả Elyakim Kislev.
 
Một thực tại mới
Mối quan hệ 5.0 bắt đầu bằng một câu chuyện có thật: ngày 28/3/2017, Trịnh Giai Giai, một kỹ sư 31 tuổi người Trung Quốc ở thành phố Hàng Châu, tự tay bế vợ mình, Oánh Oánh, tới địa điểm tổ chức lễ cưới. Cô dâu mặc một bộ tây phục màu đen và đội khăn trùm màu đỏ giống như trong đám cưới truyền thống. Với ngoại hình trẻ trung và mảnh mai của một phụ nữ Trung Quốc, Oánh Oánh nhiệt tình chào đón quan khách và khéo léo đáp lại những lời chúc mừng và những cái ôm của họ.
Điều khác biệt duy nhất là Trịnh Giai Giai cưới cô vợ… robot. Khi được hỏi anh nghĩ còn thiếu điều gì, chàng kỹ sư xúc động trả lời: “Một trái tim đang đập”.
Nhưng cho đến khi gấp lại trang cuối của cuốn sách, chắc hẳn nhiều độc giả sẽ tin rằng những trải nghiệm với thực thể ảo có cảm xúc sẽ xuất hiện sớm thôi...
Một nghiên cứu khác về chatbot của tác giả Elyakim Kislev lại cho thấy, ngay cả những người không lãng mạn cũng thừa nhận rằng họ có cảm xúc thân mật, tin tưởng và trân trọng với các chatbot hoạt động dựa trên nền tảng AI. Nhiều người dễ dàng chia sẻ điều bí mật với bot, bộc bạch bản chất thật của mình, thậm chí đồng điệu hơn cả với bạn bè thân thiết.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Liệu công nghệ có hiểu chúng ta rõ hơn chính bản thân chúng ta hay không?
Xét ở góc độ thuần về kỹ thuật, các hệ thống thuật toán thực sự linh hoạt hơn, nhạy bén và logic hơn so với con người. Công nghệ sẽ không còn đóng vai trò là một công cụ hỗ trợ những mối quan hệ, mà thực sự chuyển sang vai trò chủ động đáp ứng các nhu cầu xã hội, cảm xúc và thể xác của con người.
Mặc dù năm 2023, Covid không còn được nhắc đến nhiều, nhưng cú twist mà nó để lại là một cuộc cách mạng trong giao tiếp, hình thành hành vi, thói quen, cách thiết lập mối quan hệ mới. Không còn là “bà mối”, công nghệ giờ đây trở thành một đối tác trong mối quan hệ với con người, dần đóng vai trò một cá thể hành động độc lập.
Và theo tiến trình được mô tả trong cuốn sách chúng ta đang bước vào cuộc tiến hóa thứ 5 của xã hội - “Xã hội 5.0”. Đây là một thuật ngữ được Chính phủ Nhật Bản sử dụng vào năm 2016 để mô tả về giai đoạn phát triển tiếp theo của loài người. Theo đó, những tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực robot học, công nghệ sinh học, AI, điện toán lượng tử, các hệ thống thực - ảo và công nghệ nano cùng hợp sức làm nên một cuộc cách mạng cải biến lối sống của con người.
Cuốn sách xoay quanh 3 vấn đề chính: Đầu tiên và có lẽ cũng quan trọng nhất là cuộc cách mạng nhận thức, thứ hai là cách mạng giác quan và thứ ba là cuộc cách mạng thể xác. Ba cuộc cách mạng này kết hợp lại với nhau để mô phỏng ba khía cạnh trung tâm trong đời sống của con người mà nếu được thay thế bằng công nghệ, chúng có thể thay đổi các mối quan hệ cá nhân một cách đáng kể.
Thế giới thực và thế giới ảo, con người và máy móc ngày càng giao hòa trong một mối quan hệ có cảm xúc đặc biệt với nhóm đối tượng thường phải đối mặt với nỗi cô đơn như người già, người bệnh…
Những dự báo quan trọng
Tốc độ và quy mô của sự thay đổi trong xã hội 5.0 là rất mạnh mẽ, nhưng Elyakim Kislev vẫn đánh giá: các mối quan hệ giữa con người và con người tiếp tục là một phần thiết yếu trong cuộc sống; các mối quan hệ với robot, trợ lý ảo… vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, cần thêm thời gian hoàn thiện cùng với độ chín của công nghệ và sự cởi mở của xã hội.
Ở tương lai gần, một số nhà nghiên cứu dự đoán máy móc sẽ làm nhiệm vụ chuyển ngữ tốt hơn con người vào năm 2024, có thể viết các bài luận trung học vào năm 2026, lái xe tải vào năm 2027, làm việc trong lĩnh vực bán lẻ vào năm 2031 và có thể viết một cuốn sách bán chạy vào năm 2049.
Về mặt cấu trúc xã hội, nhân loại hiện duy trì theo thứ bậc nhưng sự trỗi dậy của Internet sẽ sớm phá hủy cấu trúc này để hình thành xã hội không thể quy về một mô hình hệ thống thứ bậc nào - nơi mà con người đặt mục tiêu nắm quyền tiếp cận thông tin thay vì quyền sở hữu phương tiện sản xuất.
Người “có sức mạnh” là những người có thể tiếp cận và sử dụng thông tin một cách hiệu quả cho các mục đích xã hội, kinh tế. Xã hội trong kỷ nguyên thông tin không có trung tâm, mà trông giống một mạng lưới hơn.
Công nghệ cũng được dự báo là tác nhân chính của mô hình gia đình độc thân đang thịnh hành, trong khi gia đình hạt nhân truyền thống nhanh chóng suy giảm. Con người ngày càng ngại kết nối trực tiếp với nhau, ít phụ thuộc vào gia đình và kích thích chủ nghĩa cá nhân dẫn đến tuổi kết hôn tăng và tỷ lệ ly hôn cũng nhiều hơn.
Su gan ket giua con nguoi va may moc trong ‘Moi quan he 5.0’-Hinh-2
 
 
Đón nhận, kỳ vọng vào sức mạnh của công nghệ nhưng đồng thời cũng không thiếu những lo ngại, sợ hãi trước tốc độ thay đổi của nó nhanh hơn khả năng lĩnh hội của chúng ta, đe dọa tước bỏ đi yếu tố “con người” trong các mối quan hệ. Cùng với đó là những vấn đề về đạo đức, văn hóa, các lề thói xã hội khi máy móc kết hợp với trí tuệ nhân tạo AI đang ở lằn ranh giữa con người và sự vật.
Sự mới mẻ và logic là điểm mạnh nhất trong cuốn sách, khiến độc giả được tiếp cận tri thức mới đầy cuốn hút. Mối quan hệ 5.0 nên là cuốn sách được đọc bởi mỗi người trưởng thành để hiểu hơn hiện tại, đồng thời suy ngẫm về tương lai.

Theo Hương Hà/Vietnamnet