Gia Cát Lượng là Thừa tướng nhà Thục Hán và là một trong số những người hình thành nên thế chân vạc giữa nhà Thục Hán, Đông Ngô và Tào Ngụy trong suốt 60 năm. Ông cũng là nhân vật rất quan trọng trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.
Gia Cát Lượng là Thừa tướng nhà Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Trong đời cầm quân của mình, Gia Cát Lượng từng có nhiều chiến tích huy hoàng như mượn gió Đông Nam, hỏa thiêu Xích Bích, thuyền cỏ mượn tên, gảy đàn đuổi 15 vạn hùng binh của Trọng Đạt, hoả thiêu 10 vạn quân Tào, bảy lần bắt Mạnh Hoạch, lục xuất Kỳ Sơn… Ông còn là chủ nhân của những phát minh vô cùng độc đáo như: trâu gỗ ngựa máy, nỏ liên châu, bàn cờ Khổng Minh, đèn trời, chiến xa phá thành, bánh bao… Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có nhiều tình tiết là do La Quán Trung hư cấu ra, còn tình huống thực tế chắc không hẳn là như vậy.
Sinh thời, ông là một trong những công thần khai quốc của nhà Thục Hán, đồng thời cũng từng giữ chức Thừa tướng của nhà Thục Hán, địa vị có thể ví như "dưới một người, trên vạn người". Thế nhưng không mấy ai có thể ngờ rằng, gia sản của vị Thừa tướng nhà Thục Hán ấy thậm chí còn thiếu thốn.
Sau khi bình định được phương Nam, danh tiếng của Gia Cát Lượng đạt đến đỉnh tối cao. Lý Nghiêm bèn viết thư khuyến khích ông: "Nên nhận lễ phong cửu Tích đổi tước hiệu và xưng vương". Gia Cát Lượng chẳng những không nghe theo mà trả lời rất thẳng thắn rằng:
"Tôi với túc hạ tương tri đã lâu há chẳng hiểu nhau ư... Tôi vốn là kẻ sĩ quê mùa ở phương Đông, tiên đế tin dùng được đặt ở vị trí cao sang hưởng lộc trọng, nay trừ giặc chưa mấy hiệu quả, biết rằng chưa đền đáp được bao nhiêu, mà được tôn sùng thái quá, cho ngồi ở những vị trí quan trọng hơn thực hổ thẹn vậy!".
Ngoài ra, Gia Cát Lượng còn tự viết biểu tâu lên Hậu chủ Lưu Thiện rằng: "Nhà thần ở Thành Đô có tám trăm gốc dâu, ruộng xấu mười lăm khoảng, cái ăn mặc của con cái xem ra đầy đủ. Đến như thần gánh vác việc ở bên ngoài, cũng chẳng có gì khác người, cái ăn cái mặc đều trông vào cửa quan, chẳng chút tơ hào cho riêng mình, ấy là để lâu dài thước tấc vậy. Đến ngày thần mất, trong nhà chẳng để thừa gấm vóc, bên ngoài không có điền sản dư dôi, chính là để khỏi phụ lại lòng tin tưởng của bệ hạ vậy".
Nếu dựa theo tấu chương chủ động kê khai tài sản nói trên, không khó để nhận thấy Gia Cát Lượng lúc sinh thời dù sở hữu quyền cao chức trọng, tuy nhiên gia sản lại rất mực thanh bần, thậm chí có thể coi là hết sức thiếu thốn.
Sau này, Gia Cát Lượng qua đời vì lao lực ở gò Ngũ Trượng trong lần Bắc phạt cuối cùng. Gia Cát Lượng di chúc rằng cứ an táng cho mình ở núi Định Quân tại tiền tuyến, không cần đưa về Thành Đô cử hành quốc táng để tránh lãng phí phô trương. Ông cũng di chúc rằng nghi thức tang lễ phải thật đơn giản, lấy núi làm mộ, có thể dùng quan tài loại thường cũng được, khi liệm chỉ cần dùng quần áo bình thường, không chôn theo vật quý.
Có giai thoại từng truyền lại rằng, đối với di chúc ấy, Lưu Thiện một mặt vừa cảm động, mặt khác lại đem lòng hoài nghi. Bởi vậy mà sau khi Thừa tướng khuất núi, vị hoàng đế này đã từng sai người kiểm kê gia sản của nhà Gia Cát. Thế nhưng sự thực là số tài sản Gia Cát Lượng từng kê khai năm xưa quả thực đúng với thực tế.
Sự liêm khiết của Gia Cát Lượng tạo gương cho các quan lại nước Thục. Tể tướng Tưởng Uyển nhắc với con cái: "Thường nhắc nhở trong nhà nên ăn chay, mặc áo vải thô, ra ngoài không dùng xe ngựa". Tể tướng Phí Vĩ sau này, nhã nhặn khiêm nhường, nhà không tích chứa của cải, con cái mặc áo vải thô ăn cơm chay, không thích ngựa xe, chẳng khác dân thường.
Theo Quốc Tiệp/ Người đưa tin