Nhắc tới công trình kiến trúc tiêu biểu nhất của Trung Quốc, chắc hẳn mọi người đều liên tưởng ngay tới Vạn Lý Trường Thành.
Đối với khách du lịch, Trường Thành là địa điểm không thể thiếu trong hành trình khám phá đất nước Trung Hoa. Trường Thành bắt đầu được xây dựng từ thời Tần Thủy Hoàng và mục đích của ông khi xây dựng công trình này là để chống lại giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Khi ông nghĩ ra ý tưởng này, đã có không ít người lên tiếng phản đối, vì việc xây dựng Trường Thành cần tiêu tốn rất nhiều tài lực và nhân lực, cái giá quả thực quá lớn.
Thế nhưng với sự kiên quyết của Tần Thủy Hoàng, Trường Thành vẫn được dựng lên thành công. Vậy bức Trường Thành của Trung Quốc có thực sự chống được kẻ thù ngoại bang hay không?
Một học giả phương Tây cho rằng, dưới thời Tần Thủy Hoàng, Vạn Lý Trường Thành chủ yếu phát huy tác dụng phòng ngự với dân du mục, đồng thời công trình này đã "báo hại châu Âu thê thảm".
Đối tượng phòng ngự của Vạn Lý Trường Thành là dân du mục?
Năm đó, Tần Thủy Hoàng kiên quyết triển khai công trình quy mô này, khiến cho nhà Tần hao tổn rất nhiều sức lực, đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự diệt vong của nhà Tần sau này.
Trong quá trình xây dựng, vô số bách tính đã phải chịu cảnh phân ly đau khổ với người thân, và còn dẫn tới cái chết của không ít người tham gia xây dựng. Có thể nói, rất nhiều người đã phải đổ máu vào việc xây dựng thành công Vạn Lý Trường Thành.
Truyền thuyết "Nàng Mạnh Khương khóc Trường Thành" cũng xuất hiện vào chính giai đoạn này. Mặc dù đó chỉ là một câu chuyện, nhưng cũng phản ánh được nỗi thống khổ của người dân khi xây dựng công trình này.
Thời đại đó không giống như bây giờ, việc xây dựng chủ yếu dựa vào nhân lực, không có bất kỳ thiết bị công cụ phụ trợ đắc lực nào. Điều này càng làm nổi bật lên sự vĩ đại của cổ nhân, cũng là điểm khiến cho các thế lực ngoại bang cảm thấy vô cùng ngạc nhiên và e ngại.
Vào thời Tần Thủy Hoàng, dân du mục là đối tượng chính cần đối phó, bởi nguồn sinh kế bình thường của họ vốn không ổn định, một khi gặp phải thiên tai, sản lượng nông nghiệp thấp, thực phẩm chủ yếu trên thảo nguyên chỉ có các sản phẩm từ sữa, thịt bò, dê.
Thông thường những thực phẩm này đều khó dự trữ nên đôi khi họ thậm chí ăn không đủ no. Cuối cùng, để có thể nuôi sống gia đình, họ phải xâm chiếm các nước khác để giành lấy kế sinh nhai.
Trong khi đó, Trung Quốc từ xưa vốn đã có đất đai rộng lớn, sản vật, tài nguyên thiên nhiên phong phú, nên đây luôn là một miếng mồi ngon trong mắt các bộ tộc du mục.
Nếu có thể chiếm lĩnh được mảnh đất này, cuộc sống của họ sẽ không còn phiền muộn, bởi thế mà cướp bóc trở thành cách duy trì cuộc sống của họ.
Tần Thủy Hoàng xây dựng Trường Thành, chủ yếu để chống lại sự xâm lược của các bộ tộc du mục.
Tuy là đội quân rời rạc trên thảo nguyên, nhưng sức chiến đấu của họ lại rất mạnh, có tính uy hiếp nhất định đối với Tần quốc.
Cho dù Trường Thành không thực sự phát huy hoàn toàn sức mạnh phòng ngự, nhưng kết hợp với lực lượng binh lính nhà Tần khi đó, cũng dư sức chống lại đội quân du mục này.
Vậy nên đội quân này lợi hại thế nào, họ cũng không thể vượt qua Trường Thành, xâm nhập vào Tần quốc.
Thêm vào đó, luôn có đội quân phòng thủ suốt thời gian dài, nên các bộ tộc du mục muốn xâm lược Trung Nguyên lại càng thêm khó khăn.
Báo hại châu Âu?
Không chiếm lĩnh được lãnh thổ Trung Quốc, đội quân du mục này chuyển hướng xâm chiếm các vùng đất châu Âu, khiến cho khu vực này vô cùng căng thẳng.
Có thể nói, Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế có tầm ảnh hưởng lớn trong lịch sử Trung Quốc, hoàn thành sự nghiệp vĩ đại thống nhất đất nước, xây dựng quốc gia đa dân tộc thống nhất, quyền lực tập trung, thống nhất đơn vị đo lường tiền tệ. Mặc dù sau này hậu thế đa phần đều cho rằng ông là một vị vua tàn bạo khét tiếng, nhưng quả thực chúng ta không thể phủ nhận được công lao của ông.
Sở dĩ hậu thế có quan điểm không tốt về Tần Thủy Hoàng như vậy là do chính sách "đốt sách chôn Nho", đã tiêu hủy không ít kho tàng sách Nho giáo, để lại tiếng xấu muôn đời.
Trên thực tế, Tần Thủy Hoàng khi đó vì muốn thống nhất văn hóa, đã đưa ra quyết định này, và cũng theo ghi chép lịch sử để lại, khi đó, Tần Thủy Hoàng không hề tiêu hủy sách y học quan trọng.
Trường Thành trở thành một trong những công trình kiến trúc mang tính biểu trưng của Trung Quốc, nêu bật trí tuệ của người Trung Quốc cổ đại.
Bấy giờ, để chống lại các bộ tộc du mục, nhà Tần đã không tiếc hao công tốn của kiến tạo nên thành trì vững trãi, kết hợp với lực lượng binh lính, mang lại hòa bình và ổn định cho đất nước, đóng góp vào sự phồn vinh của nhà Tần.
Vạn Lý Trường Thành đã phát huy tác dụng phòng ngự, vô hình chung tạo nên những tổn thất nặng nề cho các quốc gia châu Âu khi phải đối mặt với sự xâm lược của các bộ tộc du mục.
Theo Pháp luật và bạn đọc