Tàu Armenia - nấm mồ tập thể dưới nước lớn nhất thế giới

Google News

Trong suốt 3 tuần liền tại vùng biển gần Yalta, các nhà khoa học và thợ lặn Ukraine đã tích cực tìm kiếm những phần còn sót lại của chiếc tàu cứu thương "Armenia" đã bị thủy lôi của không quân phát xít Đức đánh chìm vào ngày 7/11/1941.

7.000 người thiệt mạng
Theo Sergey Voronov - người đứng đầu Vụ Di sản biển trực thuộc Viện Khảo cổ quốc gia Ukraina - trên con tàu có nhiệm vụ vận chuyển số thương bệnh binh từ tất cả 4 quân y viện ở Sevastopol và Yalta khi đó có tất cả 7.000 người, chứ không phải 5.000 như dự tính trước đây. “Trên boong tàu có đến gần 2.000 người chưa được tính đến, rõ ràng được đi theo yêu cầu của các nhân viên y tế”.
Tàu Armenia. 
“Chỉ có 8 người sống sót sau khi bám được vào một chiếc canô tuần tiễu trên tàu - ông Voronov cho biết, trong khi vẫn bày tỏ hy vọng có thể tìm thấy danh sách hành khách trong két sắt của thuyền trưởng. Trong các lớp nước sâu đầy hydro sunfua, các loại giấy tờ thông thường được bảo quản rất tốt”.
Còn theo Hãng tin ITAR-TASS, các nhà khoa học đã xác định được “khoảng vài trăm tên họ các nạn nhân đã chết trên tàu”. Xác con tàu Armenia đã xác định đang nằm ở độ sâu 472 mét dưới đáy biển. Một thiết bị lặn đặc biệt đã được đưa vào để thám hiểm con tàu.
Thảm kịch qua lời kể của nhân chứng
Bi kịch của con tàu Armenia được coi là thảm họa lớn nhất về số nạn nhân. Trên boong con tàu này là tất cả những người tị nạn từ Krym, cùng các thương bệnh binh và bác sĩ của một số bệnh viện. Ngay từ đầu tháng 11/1941, sau khi nhận được lệnh phải sơ tán toàn bộ bệnh viện Sevastopol, tất cả lực lượng đã tham gia vào việc bốc dỡ khẩn trương phương tiện và con người lên tàu.
Đến ngày 5/11, mọi công việc đã được hoàn tất, trước khi chiếc Armenia nhổ neo nhằm hướng tới Yalta. Ngày 7/11, con tàu còn đón nhận thêm toàn bộ bệnh nhân và nhân viên y tế của bệnh viện ở Yalta. ở một vị trí cách bán đảo Krym khoảng 25 dặm, con tàu Armenia đã bị gần 40 chiếc máy bay phát xít Đức tấn công bằng cả bom lẫn thủy lôi và bị đánh chìm.
Nữ công dân Anastasia Popova, người đã có mặt trên boong tàu Armenia vào cái ngày định mệnh ấy và đã may mắn sống sót kể lại: “Ngày 6/11/1941, tôi đã quyết định di tản từ Yalta theo lời khuyên của người thân. Tôi đã phải rất khó khăn mới lên được tàu, do trên đó gần như đã đầy chật những người bị thương và người di tản. Khi ra đến biển, con tàu bị máy bay địch tấn công. Tôi nhảy xuống biển, tìm cách bơi vào bờ và sau đó đã ngất đi. Tôi không hiểu vì sao mình có thể vào được bờ nữa”.
Một nhân chứng của thảm kịch khi đó đang trên bờ kể lại: “Từ trên những ngọn núi cao của vùng Yalta, chúng tôi có thể nhìn thấy rõ mọi thứ. Khi rời cảng không được bao lâu, con tàu đã bị một đoàn máy bay địch tấn công. Bất chấp việc trên boong tàu có nhìn rõ hình chữ thập đỏ, bọn phát xít vẫn thi nhau thả bom xuống con tàu...”.
Trên thực tế, một chiếc máy bay “Heinkel-111” mang thủy lôi của Đức đã thả liền 2 quả thủy lôi, một quả rơi vào phần mũi tàu. Chỉ chưa đầy 4 phút sau, con tàu đã chìm sâu. Về sau, mặc dù đã có 2 chiếc máy bay I-153 của Hồng quân bay ra hỗ trợ, nhưng mọi chuyện đã quá muộn.
Con tàu Armenia là một trong những "đứa con đầu lòng" của ngành công nghiệp đóng tàu dân dụng Xô-viết. Với chiều dài 110 mét và lượng dãn nước khoảng 5.770 tấn, nó có thể đạt tốc độ 14,5 hải lý/giờ. Trước chiến tranh, con tàu này được dùng để chuyên chở người qua lại giữa các cảng của Krym và Kavkaz.
Trước thời điểm xảy ra thảm kịch, chiếc Armenia đã kịp giúp cho 15.000 người di tản từ Odessa và Sevastopol. Để tưởng nhớ sự kiện bi thảm này, vào ngày 9/5 hàng năm, các công nhân cảng Yalta đều tổ chức ra gần vị trí con tàu bị đắm để thả những vòng hoa tưởng nhớ các nạn nhân.

Mời quý độc giả xem video: Thảm họa chìm tàu Titanic. Nguồn: Zing


Theo Hồng Sơn/ANTG