Nhắc đến lịch sử Trung Quốc không thể không kể đến nhà Tần, triều đại đầu tiên thống nhất toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa.
Hệ thống quyền lực phong kiến do nhà Tần thiết lập đã đặt nền móng cơ bản cho cấu trúc chính trị của các triều đại phong kiến Trung Quốc sau này. Bên cạnh đó, các chính sách, hệ thống phân chia đất nước thành quận, huyện, hộ khẩu thời ấy cũng có tác động vô cùng lớn đến sự phát triển của các thế hệ tiếp theo.
Hậu thế khi nhìn lại hành trình thống nhất Trung Hoa của Tần Thuỷ Hoàng dưới góc độ hiện đại cũng đều phải công nhận rằng con đường huy hoàng ấy có sức mạnh truyền cảm hứng vượt thời gian. Người Tần ban đầu chỉ là những kẻ nuôi ngựa cho hoàng tộc nhà Chu, sau đó mới vươn lên hàng chư hầu ở thời Chu U Vương (795 TCN-771 TCN).
Vậy lý do gì khiến Tần Thủy Hoàng - vua của một nước chư hầu bình thường - lại có thể thống nhất sáu nước và trở thành một trong những vị Hoàng đế vĩ đại nhất lịch sử Trung Hoa?
Các nhà sử học cho rằng, bí mật nằm ở vũ khí của quân Tần: Quân Tần đã sở hữu những món vũ khí lợi hại, vượt xa các nước chư hầu khác.
Trước khi thống nhất sáu quốc gia, Tần quốc từng là một nước chư hầu thịnh vượng thông qua cải cách "Biến pháp Thương Ưởng" (thi hành hai lần vào các năm 356 TCN và 350 TCN).
Cuộc cải cách này đã làm tăng đáng kể năng suất sản xuất xã hội nước Tần cũng như thúc đẩy việc phát triển vũ khí ở một mức độ nhất định.
Các chuyên gia cho biết, trong các di chỉ khai quật của đội quân đất nung, vũ khí bằng đồng chiếm một tỷ lệ rất lớn.
Trong khi kỹ thuật rèn và công nghệ luyện kim của các nước chư hầu khác còn khá lạc hậu thì nước Tần - một quốc gia vốn coi trọng vũ khí - đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực này.
Kiếm đồng
Những thanh kiếm đồng khai quật được bên cạnh các chiến binh đất nung là minh chứng rõ ràng nhất về sự tiến bộ trong kỹ thuật rèn và luyện kim của nhà Tần.
Sau khi nghiên cứu, người ta thấy rằng những vũ khí đồng này vượt trội hơn hẳn so với sáu nước chư hầu còn lại, nguyên nhân chính là do nước Tần khi ấy đã thành thạo phương pháp chế tạo hợp kim. Thợ thủ công của họ cũng cố gắng áp dụng tỷ lệ hợp kim thích hợp vào lĩnh vực quân sự.
Một số chuyên gia cho rằng, tỷ lệ đồng so với thiếc trong vũ khí của quân Tần thời đó đã rất hợp lý và khoa học, đặc biệt hàm lượng thiếc được nâng cao hơn rất nhiều so với trước đây, giúp vũ khí bằng đồng của quân Tần cứng và sắc hơn hẳn.
Có thể thấy được những thanh kiếm này không chỉ được xử lý chống gỉ mà chiều dài của nó cũng dài hơn những thanh kiếm ở các nước khác khoảng 20 cm.
Nỏ Tần
Vũ khí đáng chú ý thứ hai là nỏ Tần. Nỏ Tần được nước Tần phát triển trên cơ sở của cung tên nhưng tính sát thương của nó vượt xa cung tên thông thường. Cung tên thông thường có tầm bắn hạn chế, độ chính xác không cao, lại chỉ bắn được một phát nên binh lính rất dễ lọt vào tầm tấn công của quân dịch.
Để cải thiện vấn đề này, nỏ Tần đã ra đời. Thông qua một loạt cải cách trong thiết kế, tỷ lệ bắn trúng mục tiêu của nỏ Tần đã được cải thiện rất nhiều. Hơn nữa, các bộ phận và thành phần thiết kế nỏ cũng được tiêu chuẩn hóa và thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
Nhờ đó, khi một món vũ khí bị hư hỏng, nó có thể được thay thế hoặc sửa chữa nhanh chóng để lập tức trở lại chiến đấu. Ngoài ra, nỏ Tần còn có thiết kế thân thiện với người dùng, giảm thiểu khả năng binh sĩ tự làm bản thân bị thương.
Mũi tên ba cạnh
Một món vũ khí đáng chú ý khác chính là mũi tên ba cạnh mà quân Tần sử dụng.
Nhờ vào tay nghề tuyệt vời của các thợ thủ công Tần quốc, mũi tên này có sức xuyên thấu vô cùng mạnh mẽ. Nó sở hữu thiết kế ba cạnh độc đáo giúp giảm lực cản ở mức tối thiểu sau khi bắn. Đây cũng là loại vũ khí mà các nước chư hầu khác không có.
Chính vì sở hữu những vũ khí tinh vi hơn nhiều so với vũ khí được sử dụng bởi quân đội của các nước chư hầu khác, các nhà sử học mới cho rằng nhà Tần đã sở hữu những "thần vật" không nên tồn tại vào thời điểm đó.
Ngoài ra, nguyên tắc tiêu chuẩn hóa việc chế tạo vũ khí trên toàn lãnh thổ Tần quốc cũng đã giúp binh sĩ nâng cao sức chiến đấu.
Có thể thấy thời điểm bấy giờ, nhà Tần đã đi trước các nước chư hầu khác trong cả phương diện kinh tế lẫn kỹ thuật. Không có gì ngạc nhiên khi Tần quốc đã trở thành quốc gia chiến thắng cuối cùng và thống nhất Trung Hoa.
Theo PV/ Khoahoc.tv