Hoàng đế là người nắm giữ quyền lực tối thượng vào thời kỳ phong kiến. Quyền lực của hoàng đế có thể nói là trên cả vạn người. Do đó, nếu ai cả gan dám đắc tội với hoàng đế thì sẽ có kết cục bi thảm.
Dù có nhiều văn võ bá quan phò tá nhưng các vị hoàng đế cũng rất chú trọng cảnh giác với những kẻ tình nghi có mưu đồ phản trắc hoặc làm việc sai trái, thực hiện tiểu xảo sau lưng "thiên tử". Một khi bị phát hiện, người đó sẽ rất khó sống sót.
Kết cục của một vị trung thần không may mắc phải một sai lầm dưới đây là minh chứng.
Trong triều đại nhà Hán, Hán Văn Đế được đánh giá là một trong những minh quân hiếm có. Ông đã cai trị Đại Hán trở nên thái bình thịnh trị sau nhiều năm binh biến. Triều đại của ông cùng với con trai là Hán Cảnh Đế được sử sách gọi Văn Cảnh chi trị.
Trước khi băng hà, Hán Văn Đế hiểu rằng nhân tài là yếu tố quan trọng nhất trong việc giúp con cháu sau này cai trị đất nước phồn thịnh. Do đó, ông đã gửi gắm con trai mình là Hán Cảnh Đế Lưu Khải cho một số nhân tài, trọng thần mà ông tin tưởng nhất. Trong số này có Chu Á Phu (con trai của Chu Bột, vị khai quốc công thần của nhà Hán), nhà quân sự, đồng thời là vị thừa tướng có tài với nhiều chiến công hiển hách của nhà Hán. Hán Văn Đế đã cặn dặn Lưu Khải rằng khi có việc cấp bách thì hãy dùng tới Chu Á Phu.
Khi lên ngôi, Hán Cảnh Đế Lưu Khải ghi nhớ kỹ lời dạy của Hán Văn Đế. Vào năm 154 TCN, khi bảy nước chư hầu làm loạn chống lại nhà Hán, Chu Á Phu được lệnh dẫn quân đi đánh dẹp. Ông đã nhanh chóng đánh tan liên quân của bảy nước chư hầu, lập được công lớn cho nhà Hán và được thăng đến chức thái úy, sau là thừa tướng vào 150 TCN.
Tuy nhiên, vị quan này lại làm mất lòng hoàng đế. Nguyên nhân là do tính tình ngay thẳng nên Chu Á Phu nhiều lần đã làm trái ý hoặc phản đối Hán Cảnh Đế trong nhiều việc.
Chuỗi sai lầm không thể cứu vãn
Chu Á Phu nảy sinh hiềm khích với Lương vương Lưu Vũ, em trai của Hán Cảnh Đế, đồng thời là người con mà Đậu Thái hậu sủng ái nhất. Theo đó, khi loạn bảy nước chư hầu xảy ra, Chu Á Phu nhất quyết không chịu xuất binh để cứu Lương. Thay vào đó, ông chỉ tập trung phòng thủ, khiến cho Lương vương rơi vào tình cảnh khốn đốn. Kể từ đó, Lương vương rất căm ghét Chu Á Phu và mỗi lần về triều đều nói xấu ông với Đậu Thái hậu.
Ngoài ra, sau khi dẹp được loạn bảy nước chư hầu, Chu Á Phu ban đầu được Hán Cảnh Đế trọng vọng, nhưng không hoàn toàn tin dùng. Khi Hán Cảnh Đế phế truất thái tử Lưu Vinh, lập hoàng tử Lưu Triệt lên thay thế, Chu Á Phu là đại thần hết sức phản đối, thậm chí dâng biểu can gián. Mặc dù sự can gián này không được chấp thuận nhưng điều này cũng khiến Hán Cảnh Đế nảy sinh bất mãn với vị thừa tướng này.
Đặc biệt, khi Đậu Thái hậu đề nghị phong tước hầu cho anh trai hoàng hậu là Vương Tín, Chu Á Phu đã lên tiếng phản đối, khiến cho Đậu Thái hậu cũng bắt đầu căm ghét ông.
Đến năm 147 TCN, khi vua Hung Nô là Từ Lô đầu hàng, Hán Cảnh Đế muốn phong tước hầu cho ông ta. Nhưng Chú Á Phu tâu với hoàng đế rằng không nên phong, vì làm như vậy chẳng khác nào khuyến khích quân thần bất trung. Tuy nhiên, Hán Cảnh Đế không nghe và vẫn quyết phong cho Từ Lô làm hầu. Chu Á Phu sau đó cũng đành cáo bệnh và xin trả tướng ấn để từ quan.
Cái kết bi thảm của vị thừa tướng nổi tiếng
Chu Á Phu nhiều lần làm mất lòng Hán Cảnh Đế, nhưng không thể không thừa nhận ông là một trọng thần, nhà quân sự có tài. Vài năm sau, khi lâm bệnh, Hán Cảnh Đế do lo sợ có thể xảy ra bất trắc trong khi thái tử Lưu Triệt còn quá trẻ, nên ông muốn mời Chu Á Phu trở lại để phò tá cho thái tử.
Khi đó, Hán Cảnh Đế quyết định cho Chu Á Phu thêm một cơ hội nữa. Vị hoàng đế này đã cho mời Chu Á Phu tới dự yến tiệc để xem ông đã thay đổi hay chưa. Thế nhưng, chỉ vì một sai lầm trong bữa tiệc mà Hán Cảnh Đế đã nảy sinh hiềm khích lớn với Chu Á Phu.
Cụ thể, trong bữa yến tiệc, Hán Cảnh Đế tuy gắp thức ăn cho Chu Á Phu, nhưng lại không cho người chuẩn bị đũa cho ông để thử lòng. Chu Á Phu lúc bấy giờ chỉ suy nghĩ đơn thuần rằng đây là sơ xuất của người dưới nên ông bất bình nhắc nhở người hầu dâng đũa lên. Mặc dù có khấu đầu tạ tội, nhưng khi ra về, vì tức giận nên ông cũng không vái chào Cảnh Đế. Chứng kiến cảnh này, Hán Cảnh Đế tức giận và cho rằng Chu Á Phu vẫn chứng nào tật nấy, không thay đổi. Chu Á Phu dù có tài nhưng với tính khí như vậy thì không thể phò tá cho thái tử sau này.
Hơn nữa, Chu Á Phu là một đại tướng nắm giữ binh quyền, nhiều năm chinh chiến với rất nhiều chiến công, nên ắt hẳn sẽ là mối họa tiềm ẩn đến ngai vàng của hoàng đế.
Sau bữa yến tiệc này, Cảnh Đế nảy sinh sát ý khi cho rằng Chu Á Phu là một người rất nguy hiểm và nếu không tìm cách tiêu diệt thì có thể để lại hậu họa.
Đến năm 143 TCN, Chu Á Phu đã già và gia đình ông bắt đầu chuẩn bị hậu sự. Gia đình mang về nhiều vũ khí ở trong quân doanh để chôn theo khi ông qua đời. Tuy nhiên, việc này là trái với pháp luật của nhà Hán, nên Hán Cảnh Đế đã ra lệnh luận tội Chu Á Phu.
Vì uất ức nên Chu Á Phu quyết tuyệt thực, đến ngày thứ 6 thì ông bị thổ huyết mà chết. Sau khi nghe tin, vợ ông cũng tự sát chết theo chồng. Tước hầu của Chu Á Phu vì thế cũng bị xóa bỏ.
Rõ ràng chỉ một hành động ứng xử nhỏ trong bữa tiệc mà không ngờ một vị tướng, trọng thần với nhiều chiến công lẫy lừng lại phải chịu một kết cục bi thảm. Quả thực là đáng tiếc!
Theo PV/Thể Thao Văn Hóa