Trong Tây Du Ký, nhân vật Thiết Phiến Công chúa là vợ của Ngưu Ma Vương, mẹ Hồng Hài Nhi. Bà được xem là một ngoại lệ đặc biệt trong phim vì đã cản đường thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng nhưng lại không phải nhận cái kết như những yêu quái khác. Không bị giam giữ hay thu phục, Thiết Phiến Công chúa thậm chí còn được phóng thích tự do, tiên giới không thu, địa ngục không nhận.
Được biết, Thiết Phiến Công chúa còn được mệnh danh là Bà La Sát bởi tính khí nóng nảy. Bà vốn ghi thù với Tôn Ngộ Không vì đã chia cách mẫu tử bà với con trai Hồng Hài Nhi. Theo đó, trong 1 lần vô tình đạp đổ lò bát quái tạo nên ngọn lửa "oan nghiệt" thiêu đốt Hoả Diệm Sơn, Tôn Ngộ Không đã tìm đến hỏi mượn bảo bối độc nhất vô nhị của Thiết Phiến Công chúa là Quạt Ba Tiêu.
Tuy nhiên, Thiết Phiến Công chúa đã từ chối giúp đỡ. Không những không cho thầy trò Đường Tăng mượn quạt, vợ chồng Thiết Phiến Công chúa và Ngưu Ma Vương còn cản trở họ dập lửa. Đối mặt với bảo bối là Quạt Ba Tiêu, Tề Thiên Đại Thánh cũng phải "bó tay", không có cách đấu lại. Phải tới khi Linh Cát Bồ Tát cho mượn Định Phong Đơn, Tôn Ngộ Không mới khắc chế được Quạt Ba Tiêu.
Sau khi đánh thắng Ngưu Ma Vương và Thiết Phiến Công chúa, Tôn Ngộ Không đã dùng Quạt Ba Tiêu bảy bảy bốn chín lần, biến Hoả Diệm Sơn từ ngọn núi cháy quanh năm đến vùng đất cỏ cây tươi mát.
Được biết, theo nguyên tác, Thiết Phiến vốn là người vô cùng lương thiện, gần như không bao giờ từ chối thỉnh cầu của người. Năm xưa, khi Tôn Ngộ Không đánh đổ lò bát quái, gây ra đại hỏa hoạn ở Họa Diệm Sơn khiến dân chúng vô cùng lầm than, đói khổ. Thấy vậy, Thiết Phiến đã sử dụng Quạt Ba Tiêu giúp đỡ người dân, tạo ra mưa thuận, gió hoà. Bởi vậy, bà từng được người dân trong vùng ca tụng là Thiết Phiến Tiên.
Trong khi đó, đoạn đối thoại giữa Tôn Ngộ Không với một lão tiều phu trong hồi thứ 59 Tây Du Ký lại hé lộ thêm một thông tin khác về nhân vật đặc biệt này. Cụ thể, khi được người chỉ dẫn tìm đến núi Thuý Vân gặp Thiết Phiến Tiên Tông Ngộ Không đã gặp một lão tiều phu và đã hỏi chuyện về Thiết Phiến Công chúa cùng chiếc Quạt Ba Tiêu.
Tại đây, Tôn Ngộ Không đã nhắc tới câu chuyện về Thiết Phiến Tiên dùng Quạt Ba Tiêu dập tắt ngọn lửa ở Hoả Diệm Sơn năm nào và nhận được lời đáp: " Vị thánh ấy có thứ bảo bối có thể dập tắt lửa, bảo vệ cho người dân vùng ấy, nên ở vùng ấy người ta gọi là Thiết Phiến Tiên. Chứ người vùng tôi không cần đến vị thánh ấy, nên chỉ gọi theo tên là Bà La Sát, vợ của Đại Lực Ngưu Ma Vương".
Qua đoạn hội thoại này, có giả thuyết cho rằng Thiết Phiến Công chúa thực chất là hình tượng nhân vật kết hợp giữa văn hoá Trung Hoa và văn hoá Phật giáo. Thiết Phiến Tiên là một nhân vật trong thời cổ đại của dân tộc Trung Hoa, còn Bà La Sát (hay Nữ La Sát) lại là một phần trong Phật giáo Ấn Độ cổ.
Thiết Phiến Công chúa thực chất không phải người cũng không phải yêu mà là một loại ác quỷ tên La Sát, bản chất ăn thịt, uống máu người, đây chính là một nhân vật trong văn hoá Phật giáo. Bà La Sát trong Phật giáo còn được gọi với tên La Sát Tư, là một ác quỷ nhưng có dung mạo tuyệt đẹp.
Theo Danviet