Bác sĩ ‘đáng kính tài năng’
Hans Asperger sinh năm 1906 ở nước Áo. Ông là một bác sĩ nhi khoa chuyên nghiên cứu về chứng rối loạn tâm lý ở trẻ em khi sinh sống tại thủ đô Vienna (Áo), dưới chế độ Đức Quốc xã.
Năm 1944, lần đầu tiên ông công bố về hội chứng của những đứa trẻ có cử chỉ, hành động vụng về, bị giới hạn về khả năng cảm thông với người khác và khả năng truyền đạt không dùng lời nói (non-verbal communications). Ban đầu, ông dùng từ “autistic psychopathy” (bệnh tâm thần tự kỷ) để nói về hội chứng này, nhưng công bố của ông không được chú ý lắm. Đến năm 1981, nhà tâm lý học người Anh Lorna Wing “tái khám phá” ra hội chứng này và đặt tên là Hội chứng Asperger (chứng rối loạn tự kỷ).
Từ đó đến nay, Asperger luôn được coi là một bác sĩ yêu trẻ em, đã có công phát hiện ra bệnh tự kỷ và giúp cứu sống hàng trăm đứa trẻ khỏi những cuộc thí nghiệm y khoa tàn nhẫn.
|
Bác sĩ Asperger. Ảnh: Topfoto |
Phòng khám tử hình
Thế nhưng mới đây, Tiến sĩ Herwig Czech, nhà sử học y khoa tại Đại học Y dược Vienna, đã phân tích các tài liệu chưa bao giờ được công bố, bao gồm hồ sơ cá nhân và hồ sơ bệnh án của các bệnh nhân của bác sĩ Asperger, từ năm 1928 đến năm 1944. Tiến sĩ Czech tuyên bố, bác sĩ Asperger đã gửi một vài bệnh nhân nhí bị “khuyết tật sâu sắc” do “dùng thuốc quá liều” đến phòng khám Am Spiegelgrund.
Phòng khám Am Spiegelgrund thuộc Bệnh viện Steinhof ở Vienna. Phòng khám này được xây dựng nhằm phục vụ các chương trình ưu sinh của Adolf Hitler, với mục tiêu duy trì một dân tộc Đức thuần chủng thông qua một loạt các chương trình với khẩu hiệu thanh trừng chủng tộc. Thông qua chương trình vô nhân đạo này, tất cả những ai được cho là đem lại gánh nặng cho xã hội đều sẽ bị tiêu diệt. Tại phòng khám Am Spiegelgrund, khoảng 789 trẻ em đã bị tiêm thuốc trợ tử hoặc bị bỏ đói đến chết. Những cái chết này thường được ghi nhận là do “viêm phổi”.
Năm 1941, Không quân Hoàng gia Anh đã rải tờ rơi trên khắp con đường ở thủ đô Vienna, nói rằng bác sĩ Erwin Jekelius, giám đốc bệnh viện Steinhof và phòng khám Am Spiegelgrund, phải chịu trách nhiệm cho việc “giết bệnh nhân có hệ thống”.
Sát nhân núp bóng thiên thần áo trắng
Tiến sĩ Czech cho rằng, bác sĩ Asperger khó có thể không biết các bệnh nhân của mình được gửi đến đây đã bị kết án tử trong một phòng khám luôn quá tải bệnh nhân. Ông nói: “Những phát hiện về bác sĩ Asperger là kết quả của nhiều năm nghiên cứu cẩn thận”.
Trong báo cáo của mình và các đồng sự, ông viết: “Bác sĩ Asperger đã thành công khi có được một vị trí trong chế độ Đức Quốc xã, đổi lại ông được trao nhiều cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp”.
Tiến sĩ Czech trích dẫn trường hợp của bé gái Herta Schreiber, 3 tuổi. Herta được chẩn đoán em bị “rối loạn nhân cách nghiêm trọng”, “ngu ngốc” và “co giật”. Em được gửi đến phòng khám Am Spiegelgrund rồi sau đó qua đời tại đây.
|
Bệnh nhân Herta Schreiber, 3 tuổi. Ảnh: Daily Mail |
Bác sĩ Asperger đã ghi trong hồ sơ bệnh án rằng: “Đứa trẻ này có thể là một gánh nặng cho người mẹ, hiện đang nuôi 5 đứa trẻ khỏe mạnh” và khuyên nên cho bệnh nhân “thường trú tại phòng khám Am Spiegelgrund”.
Theo Tiến sĩ Czech, “thường trú tại phòng khám Am Spiegelgrund” có thể có nghĩa là “cách nói hoa mỹ của việc giết người”.
Mẹ của bé gái này có vẻ như cũng biết về số phận của cô con gái. Tiến sĩ Czech đã tìm thấy một lưu ý nói rằng: “Nếu con bé không được giúp đỡ, tốt hơn là nên để nó chết”.
Sự thật được phơi bày
Giáo sư Simon Baron Cohen của Đại học Cambridge và Giáo sư Joseph Buxbaum thuộc Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai, đồng thời còn là biên tập viên thuộc tạp chí xuất bản bài báo của Tiến sĩ Czech quyết tâm bảo vệ quyết định xuất bản bài báo cáo chấn động về Asperger.
Giáo sư Baron Cohen nói: “Chúng tôi biết bài báo này sẽ gây tranh cãi”. Tuy nhiên theo ông, báo cáo này cần được công bố để “phơi bày sự thật về một bác sĩ y khoa, trong một thời gian dài, luôn được coi đã có những đóng góp giá trị trong lĩnh vực nhi khoa và tâm thần trẻ em, nhưng thực ra lại là kẻ tích cực tham gia hỗ trợ cho tội ác của Đức Quốc xã”.
Giáo sư Buxbaum cũng nói: “Tôi thấy bản báo cáo của tiến sĩ Czech rất thuyết phục, rằng bác sĩ Asperger chỉ cố gắng hết sức để có thể tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt thời bấy giờ, ông ta thậm chí còn đồng lõa với Đức Quốc xã nhắm vào nhóm người dễ bị tổn thương”.
Hiện nay, một nhóm các bệnh nhân nêu ý kiến có nên chọn một cái tên khác cho Hội chứng Asperger hay không.
Tuy nhiên, ông Carol Povey, Giám đốc của Trung tâm Tự kỷ thuộc Hiệp hội Tự kỷ Quốc gia Anh cho rằng, mỗi người có một cách khác nhau để nói về căn bệnh này.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ lắng nghe phản ứng của mọi người với tin tức này để có thể tiếp tục đảm bảo ngôn ngữ mà chúng tôi sử dụng luôn phản ánh đúng về thực tế của những người mắc chứng tự kỷ cũng như gia đình của họ”.
Ông cũng nhấn mạnh: “Rõ ràng là những người bị chẩn đoán mắc Hội chứng Asperger không nên cảm thấy bị ảnh hưởng vì câu chuyện lịch sử rất rắc rối này”.
Theo QN/Saostar