Trong chuẩn mực văn minh hiện tại, hành hạ động vật sẽ lập tức bị lên án. Nhưng ngược thời gian về quá khứ, đó là một thú vui để tiêu khiển, hay một môn thể thao nhằm khoe khoang sức mạnh.
Vào thế kỷ 17 và 18, giới quý tộc châu Âu nhàn rỗi đã nghĩ ra một trò oái oăm. Đó là tung cáo. Nó được chơi như thế này: Hai người, thường là cặp vợ chồng, nắm hai đầu của một tấm vải lớn gọi là "vải nảy". Sau đó con cáo được thả ra khỏi lồng và khi nó chạy qua tấm vải, hai người kia sẽ kéo căng để con vật tội nghiệp bắn lên không trung. Có rất nhiều cặp đôi tham gia cùng lúc và phần thắng thuộc về cặp đôi nào tung cao hơn.
Những cuộc chơi này thường được tổ chức tại khuôn viên cung điện hoặc quảng trường thành phố. Sau này để nó thêm phần thú vị, ngoài cáo, người ta sử dụng cả lợn, mèo rừng, thỏ, lửng mật và sói. Trong cuộc thi hoành tráng nhất diễn ra tại thành phố Dresden (Đức), đã có 647 con cáo, 533 con thỏ, 34 con lửng mật và 21 con mèo rừng bị ném và chết.
|
Tung cáo, trò chơi bệnh hoạn của các quý tộc châu Âu trước thế kỷ 19.
|
Ngoài ra nhiều người chơi cũng bị thương bởi sự hoảng loạn của các con vật. Trong dịp này, Vua August II của Ba Lan đã cho thấy sức mạnh vô địch khi kéo tấm vải nảy chỉ bằng một ngón tay.
Không dễ để kiếm cáo hay mèo rừng để chơi, thế nên môn này chỉ dành cho giới quý tộc. Còn đám bình dân giải trí theo cách khác. Họ ném gà. Trò này đặc biệt thịnh hành tại Anh vào thế kỷ 17.
Luật chơi không có gì phức tạp cả. Một con gà trống sẽ bị buộc cố định và người ta sẽ ném nó đến chết bằng một cây gậy. Đôi khi họ cũng nhét con gà xấu số vào bình đất nung để nó khỏi chạy tứ tán, song khiến trò chơi trở nên khá dễ. Vì vậy, người chơi sẽ phải bịt mắt.
|
Ném gà, môn thể thao được ưa chuộng tại Anh trong thế kỷ 17. |
Có vẻ trò chơi này, thoạt đầu xuất phát từ đám trẻ con nghịch ngợm. Về sau thì ai cũng chơi, khiến nước Anh dần vắng tiếng gà gáy. Chính quyền cùng các tổ chức Thanh giáo quyết định cấm. Đến cuối thế kỷ 18, đầu 19, trò ném gà mới dứt hẳn.
Trong thế kỷ 17 đến 19, ở Bắc Mỹ, Anh và Hà Lan, Bỉ còn một môn thể thao man rợ và đẫm máu hơn. Đó là vặt cổ ngỗng. Người ta sẽ treo ngược những con ngỗng để người tham gia phi ngựa và giật mạnh cái đầu của nó. Ai đến đích trước tiên với cái đầu trên tay sẽ thắng. Để tăng độ khó cho trò chơi, cổ mỗi con ngỗng đều bị bôi mỡ.
Khi xã hội thay đổi, tiến đến sự văn minh và các tổ chức bảo vệ động vật có tiếng nói, những môn thể thao đẫm máu này dần bị lên án và rơi vào lãng quên. Nhưng trước khi tuyệt chủng, nó được đánh dấu bằng sự kiện đáng kinh ngạc. Đó là năm 1900, môn bắn chim bồ câu thậm chí còn nằm trong nội dung thi Olympic.
Ở kỳ Thế vận hội tổ chức tại Pháp đã diễn ra 2 nội dung, một là World Expo Grand, với Huy chương Vàng thuộc về tay súng người Bỉ Leon de Lunden (bắn hạ 21 con chim), và Grand Prix du Centenaire với Donald McIntosh của Australia là người thắng cuộc (hạ 22 con). Trong cả hai sự kiện, gần 300 con chim đã bị giết và nơi thi đấu la liệt xác, máu và lông chim.
Cuộc thi chết chóc, lần đầu tiên và cũng là duy nhất các con vật bị sát hại có chủ đích vì thể thao đã bị lên án rộng rãi cho đến mãi về sau. Ủy ban Olympic Quốc tế đối phó bằng cách xóa cả hai nội dung lẫn danh sách người chiến thắng khỏi lịch sử Thế vận hội.
Theo Báo Tổ Quốc