Vị hoàng đế nào ảo tưởng mình là á thần dũng mãnh Hercules?

Google News

Hoàng đế Commodus (161 - 192) của La Mã say mê sức mạnh và điên cuồng luyện tập thể lực, nhưng chỉ để phô diễn mua vui và ảo tưởng mình là á thần dũng mãnh Hercules.

Commodus tên đầy đủ Lucius Aurelius Commodus Antoninus, là con trai của Hoàng đế Marcus Aurelius (121 - 180). Thế kỷ I - II, La Mã đang trong thời kỳ nội chiến khốc liệt, ngai vàng đổi chủ liên miên và gần như toàn bộ con cái của nhà vua đều bị ám sát hết. Thực tế này buộc các hoàng đế phải nhận con nuôi và chỉ định một người làm thái tử.

Vi hoang de nao ao tuong minh la a than dung manh Hercules?
 Hoàng đế Commodus và tượng bán thân của ông trong phong cách á thần Hercules. Ảnh: Thecollector.com

Cuồng thể hiện sức mạnh

Bản thân Hoàng đế Aurelius cũng là con nuôi của Hoàng đế Antoninus Pius (86 - 161). Tuy nhiên, khác với các hoàng đế đời trước, ông có với Hoàng hậu Faustina (130 - 176) hẳn 13 người con, trong đó có Commodus.

Từ nhỏ, Commodus đã được vua cha chỉ định là người thừa kế ngai vàng. Với danh giá “người kế vị có huyết thống hoàng tộc đầu tiên”, Commodus lớn lên cao ngạo. Năm 180, Hoàng đế Aurelius băng hà.

Trước muôn dân, Tân đế Commodus cao giọng đọc diễn văn nhận ngôi đặc biệt nhấn mạnh sự xuất thân tôn quý của mình. Nhờ chăm chỉ rèn luyện võ thuật, Tân đế sở hữu thể hình cường tráng và, với tuổi đời vẫn còn rất trẻ (mới 19 tuổi) cùng gương mặt cực kỳ đẹp trai, ngài được kỳ vọng trở thành nhà cai trị hoàn hảo.

Trái với mong đợi, Hoàng đế Commodus không ngó ngàng gì đến quốc sự. Toàn bộ tâm trí của ông để hết vào đấu trường La Mã, nơi các võ sĩ giác đấu phải bán mạng để đổi lấy tự do và biến nó thành sân khấu trình diễn của riêng mình.

Trong khi tất cả các hoàng đế La Mã đời trước đều chỉ tận lực rèn luyện thể chất, võ thuật vì mục đích ra trận thì Hoàng đế Commodus lại điên cuồng tập phóng lao, đấu kiếm, bắn cung… để phô diễn.

Ông cho phép công chúng vào kín khán đài, mục kích mình luyện tập và thể hiện sức mạnh, tài năng. Theo ghi nhận của sử gia Herodian (170 – 240), Hoàng đế là tay thiện xạ có một không hai, năng lực chiến đấu vượt trội và các màn trình diễn của ông rất được công chúng hoan nghênh.

Vi hoang de nao ao tuong minh la a than dung manh Hercules?-Hinh-2

Tranh phác họa cảnh cuối đời của Hoàng đế Commodus, bị chính những người gần gũi nhất giết chết vì mục đích 'trừ hại giúp dân'. Ảnh: Thecollector.com

Suốt đời “diễn” Hercules

Hoàng đế Commodus thích nhất là được tung hô. Trước khi phô diễn trong đấu trường La Mã, ông luôn bắt quần thần phải hô vang “Chúa tể là nhất”. Thậm chí, ông còn tự xưng là “Hercules của La Mã”.

Hercules là tên của á thần dũng mãnh nhất Thần thoại Hy Lạp, con trai của thần Zeus tối cao. Từ thuở mới lọt lòng mẹ, Hercules đã không biết sợ là gì, lớn lên lại sở hữu sức mạnh vô địch, đi đến đâu giết quái, thắng thần đến đó.

Kỳ thực, không chỉ Hoàng đế Commodus mà rất nhiều nhà cai trị, tướng lĩnh, quân binh… cũng say mê Hercules. Từ trước thời Hoàng đế Commodus, á thần này đã được thờ phụng khắp La Mã. Trừ lúc thơ dại chưa biết kiểm soát cảm xúc, Hercules luôn tỉnh táo, yêu thích hành hiệp trượng nghĩa.

Nếu Hoàng đế lấy Hercules làm mục tiêu vươn tới, điều này không có gì xấu. Tệ nỗi, ông chỉ thích phô trương bản thân mà thôi. Trước khi băng hà, Tiên đế Aurelius đã cho con trai cùng cai trị đất nước và cắt cử những quan viên tài giỏi nhất dẫn dắt. Thế nhưng, người kế vị ngai vàng của ông không hứng thú học hỏi ai, chỉ ưa được xu nịnh.

Không có vị vua nào trong lịch sử mà càng mạnh mẽ, thiện chiến thì lại càng bị ghét bỏ như Hoàng đế Commodus. Ban đầu, chỉ các quần thần La Mã chán nản, về sau thì đến cả công chúng cũng quay lưng. Theo ghi chép của sử gia Herodian, họ chán xem Hoàng đế phô diễn ở đấu trường đến mức phải bị ép buộc mới miễn cưỡng bước vào.

Càng lúc, Hoàng đế Commodus càng chìm sâu vào trò chơi tự nhận là á thần. Ông xem biệt danh “Hercules của La Mã” như một phần vương hiệu của bản thân, đổi tên các tháng trong lịch La Mã sang tên Hercules và chính mình, xây dựng đền thờ và mở rộng tín ngưỡng thờ Hercules đến tận những vùng đất xa xôi nhất.

Chưa hết, ông còn cho đúc tiền xu với hình in là chân dung của mình trong dáng vẻ á thần Hercules, khuyến khích các nghệ sĩ sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật tôn vinh “Hercules của La Mã”.

Thời gian và sự trưởng thành không hề làm Hoàng đế Commodus bớt ảo tưởng. Bước sang tuổi 30, ông còn “nhập vai” á thần Hercules mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh Hoàng đế, không khi nào thiếu chùy và bộ da sư tử, 2 vật đại diện cho chiến tích đầu tiên của Hercules (giết con sư tử Nemea bằng chùy).

Trong đấu trường La Mã, Hoàng đế tái hiện các chiến công của Hercules thông qua các vở kịch do chính mình đảm nhận vai chính. Ông thích nhất là cầm cung tên, diễn cảnh Hercules tiêu diệt đàn chim và con Ác điểu Stymphalus.

Trong khi Hoàng đế Commodus mải mê giả làm Hercules, nô lệ Marcus Aurelius Cleander (? – 190) từng bước tiếp cận hoàng cung, trở thành cận thần của nhà vua rồi leo lên tận chức đội trưởng đội cận vệ hoàng cung, kiếm được vô số tiền tài.

Năm 190, Cleander lợi dụng quyền lực, “thay máu” toàn bộ Thượng viện, bao gồm cả thế tử. Mặc dù không lâu sau đó, y cũng bị giết nhưng, những gì y làm dưới danh nghĩa thay mặt Hoàng đế đã khiến ngai vàng của Commodus lung lay đến tận lõi.

Năm 191, Kinh đô Rome bị hỏa hoạn trên diện rộng tàn phá, La Mã rơi vào nguy cơ chết đói. Năm 192, Hoàng đế Commodus vẫn bận rộn chơi trò tái diễn chiến tích bắn tên, phóng lao của á thần Hercules. Mỗi sáng, ông lệnh cho quân thả hàng trăm con vật ra ngoài đấu trường và mải mê săn đuổi đến tận chiều tối, hôm nào cũng đại thắng.

Không chịu đựng nổi nữa, Marcia (? – 193), tình nhân của Hoàng đế Commodus cùng 2 người khác là Eclectus (quan thân cận) và Laetus (đội trưởng đội cận vệ hoàng gia mới) quyết định cùng nhau ra tay ám sát, “trừ hại cho dân”.

Ngày 31/12/193, Marcia hạ độc vào ngự thiện, Hoàng đế ăn trúng nhưng không chết. Hai người còn lại lẳng lặng gọi võ sĩ giác đấu vốn là đối thủ của Hoàng đế trên đấu trường La Mã - Narcissus tới, bóp cổ nhà vua cho đến khi ông tắt thở.

Trước khi chết, Hoàng đế Commodus chưa có con trai nối dõi nên triều đại “hoàng đế mang huyết thống hoàng gia” của ông cũng kết thúc tại đây.

Theo Thi San/Giáo Dục Thời Đại